Đội MBH vừa và đúng cách - “Vắc xin” phòng tránh TNGT cho trẻ em TNGT là mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của trẻ em tại Việt Nam. Đội MBH vừa và đúng cách khi tham gia giao thông là giải pháp dễ dàng và hiệu quả nhất giúp làm giảm hàng ngàn ca tử vong và chấn thương sọ não ở trẻ em mỗi năm. Đó là ý kiến của các chuyên gia Tổ chức y tế thế giới (WHO) khi đánh giá về tác dụng của việc đội MBH đối với trẻ em Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện nay, việc đội MBH đối với người lớn khi tham gia giao thông bằng xe máy đã dần trở thành thói quen với người dân cả nước. Khi ra đường tham gia giao thông bằng xe máy, hầu như người nào, người nấy đều đã có trên đầu chiếc MBH. Tỷ lệ người chấp hành trên các tuyến đường cũng được duy trì đều đặn ở mức cao kể từ thời điểm 15/12/2007 đến nay. Tuy nhiên, đối với trẻ em thì tình hình lại hoàn toàn khác. Nếu như những ngày đầu khi bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường có hiệu lực thì đại bộ phận các em khi ra đường đều được cha mẹ, hay người lớn trang bị và đội MBH. Nhưng thời gian sau đó, do có sự chưa thống nhất trong việc quy định có xử phạt hay không đối với trẻ em dưới 14 tuổi và những thông tin chưa thật xác thực về ảnh hưởng của việc đội MBH đối với sức khỏe của trẻ em nên việc đội MBH đối với lứa tuổi này đang dần bị quên lãng. Theo ông Graig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á, sự thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm quy định đội MBH là một phần nguyên nhân làm tỉ lệ trẻ em đội mũ trên toàn quốc giảm đột ngột trước ngày 15/12/2007 đã giảm từ 99% xuống còn chưa đến 3-5% trên toàn quốc. Thời gian gần đây, cái chết của em Lê Xuân Hân, 8 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh bị thiệt mạng trong một vụ TNGT khi cùng ba mẹ đi chúc Tết ông bà, mà nguyên nhân trực tiếp là do không đội MBH. Một lần nữa hâm nóng lên việc đội MBH đối với trẻ em. Bởi điều đáng nói trong vụ tai nạn trên là ba và mẹ em Hân đều đội MBH, còn Hân và em gái 7 tuổi thì không. Mặc dù ba và mẹ em đều bị thương nhưng không ai bị chấn thương sọ não, còn em gái Hân bị chấn thương và rách da đầu, bé Hân bị chấn thương sọ não nghiêm trọng và sau đó đã mất tại bệnh viện sau một ngày điều trị. Cũng theo ông Graig Craft, chương trình trao tặng MBH cho trẻ em vừa qua của Quỹ phòng chống thương vong châu á và Nhóm khuyến khích đội MBH Việt Nam trong thời gian vừa qua đã phần nào làm sáng tỏ các thông tin thiếu chính xác cho rằng trẻ em đội MBH có thể bị nguy hiểm. Hiện nay, ngày càng có nhiều em nhỏ bị tử vong do TNGT vì không được đội MBH, trong khi đó bố mẹ các em đi cùng thì sống sót vì có đội MBH. Cái chết của bé Lê Xuân Hân là trường hợp điển hình. Kể từ năm 2001, chương trình MBH cho trẻ em của Quỹ đã trao hơn 300.000 MBH trẻ em cho nhiều trường tiểu học trên khắp Việt Nam. Với những chiếc MBH này đã cứu hàng trăm em nhỏ khỏi lưỡi hái tử thần do TNGT. Tuy nhiên do qui định xử phạt hành chính cho hành vi không đội MBH chưa được áp dụng cho trẻ em dưới 14 tuổi nên trong khi tỷ lệ đội MBH ở người lớn duy trì ở mức cao sau ngày 15/12/2007, thì tỷ lệ này ở trẻ em lại thấp một cách đáng kinh ngạc. Mới đây, Đoàn đại biểu của WHO đã đến Việt Nam và tham gia Chương trình trao tặng MBH cho trẻ em do Nhóm khuyến khích đội MBH Việt Nam tài trợ. Đây là một phần của chiến dịch phát động đội MBH cho trẻ em trên toàn quốc trong thời gian vừa qua. Theo bác sĩ Jean-Marc Olivé, đại diện WHO tại Việt Nam, vấn đề MBH cho trẻ em đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. TNGT là mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của trẻ em tại Việt Nam. Đội MBH vừa và đúng cách khi tham gia giao thông là giải pháp dễ dàng và hiệu quả nhất giúp làm giảm hàng ngàn ca tử vong và chấn thương sọ não ở trẻ em mỗi năm. Còn theo bác sĩ Etienne Krug, Giám đốc Cơ quan phòng chống thương vong và bạo lực của WHO cho biết, WHO luôn hết lòng hỗ trợ và khuyến khích trẻ em đội MBH như một giải pháp nhằm ngăn chặn tỷ lệ tử vong và thương tích không đáng có đối với trẻ em. Những lợi ích của MBH đối với trẻ em trong việc giảm thiểu những rủi ro do TNGT là điều không phải bàn cãi. Thời gian sắp tới, trong giai đoạn 3 của chiến dịch tuyên truyền đội MBH, Nhóm khuyến khích đội MBH ở Việt Nam sẽ tập trung trọng tâm vào việc tuyên truyền, giáo dục cho các bậc cha mẹ và thầy cô giáo về sự cần thiết đội MBH đối với trẻ em khi ngồi trên xe máy. Các bậc cha mẹ và thầy cô cần biết rằng, đầu trẻ em cũng như đầu người lớn đều cần được bảo vệ, không có bất kỳ một loại thuốc nào có thể chữa trị được chấn thương sọ não. MBH cho đến nay vẫn là "vắc xin" duy nhất có thể phòng tránh và có khả năng cứu sống tính mạng của trẻ em. ( Theo GTVT ) |