Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng bệnh mùa hè


Đầu năm 2008, miền Bắc hứng chịu đợt rét chưa từng có trong lịch sử gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe nhân dân, đời sống xã hội.

Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết, các chuyên gia khí tượng dự báo, mùa hè tới sẽ có những diễn biến phức tạp hơn các năm 2006, 2007. Nắng nóng kéo dài ở mức cao có thể gây nên những bệnh mùa hè nguy hiểm nếu chúng ta không chủ động phòng chống từ bây giờ.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, với diễn biến thời tiết vài năm trở lại đây, nắng mưa thất thường, những bệnh mùa hè: cảm cúm, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi trùng có thể gia tăng, bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến con người dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Bệnh từ miệng mà vào vì thế nên cẩn trọng trong việc ăn uống và phải giữ gìn vệ sinh an toàn

Mùa hè, nhiều người dân cũng chủ quan khi ăn uống những thức ăn không đun nấu chín, uống nước lã, nước đá không được vô khuẩn, thức ăn ôi thiu để lâu ngày, rau sống... dẫn đến ngộ độc, tiêu chảy cấp, sốt cao; nhiều trường hợp trẻ bị viêm não do entero virus lây qua đường ăn uống.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng cao độ, tiêu chảy dễ gây thành dịch do các loại vi khuẩn tụ cầu vàng, khuẩn thương hàn (salmonella), khuẩn lỵ (shigella), vi khuẩn tả và vi khuẩn E.coli, vô cùng nguy hiểm.

Bác sỹ Vũ Lan Anh, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: Khi giao mùa, ở miền Bắc, nhiều trẻ em bị hội chứng tay chân miệng nhưng nhiều cha mẹ không biết, không đưa trẻ khám chuyên khoa nên nhiều trường hợp khi trẻ đến bệnh viện đã bị biến chứng lên viêm não. Thông thường, trẻ bị nhiễm siêu vi sang mùa thì tự khỏi.

Nhưng vài trường hợp do sức đề kháng kém sẽ biến chứng rất nguy hiểm: viêm não, viêm màng não, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và đường tiêu hóa. Rubella cũng có thể biến chứng lên não song hiếm.

Bác sỹ Nguyễn Thị Dụ, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Mùa hè, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thức ăn tăng mạnh, các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng có dấu hiệu tăng. Những loại thức ăn dễ gây ngộ độc, tiêu chảy: các loại đậu, bắp cải, giá, chè, đá, lê, mận, nước ép trái cây ngọt, các thức uống có cà phê nếu không đảm bảo vệ sinh sẽ làm cho nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhìn nhận: Hiện các bệnh mùa hè vẫn mang tính rải rác, đơn lẻ nhưng nếu công tác phòng dịch lơ là, dịch sốt xuất huyết, tả, viêm não sẽ bùng phát. Kết quả phân lập mẫu cho thấy nguyên nhân gây bệnh khá biến động trong đó số bệnh nhân viêm não Nhật Bản giảm hẳn so với mọi năm nhưng viêm não do các nguyên nhân khác lại tăng và bệnh nhân thường rất nặng.

Đặc biệt bệnh viêm não do virus đã xuất hiện ở phía Nam, sốt xuất huyết đã lan ra phía Bắc khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn bởi hiện vẫn thiếu vaccine phòng bệnh.

Theo Viện trưởng Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, TS. Nguyễn Đức Hiền, ngoài tích cực sử dụng thức ăn, đồ uống có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP, hạn chế ăn uống vỉa hè, lòng đường, cần chủ động diệt ruồi, nhặng bằng mọi hình thức như các biện pháp dân gian, hóa chất; xử lý phân và chất thải của bệnh nhân thật tốt, nhất là các vùng nông thôn.

Cố gắng phân phải được đổ vào hố xí tự hoại, bán tự hoại hoặc ít nhất cũng phải có hố xí 2 ngăn hợp vệ sinh, đúng quy cách. Với các loại bệnh mùa hè, tốt nhất khi thấy mệt mỏi, có triệu chứng mất nước, rối loạn tiêu hóa, sốt… nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, không tiếp tục sinh hoạt quá mức.

Với trẻ em, không cho trẻ tắm nhiều, tắm xong không cho ra gió, ra nắng; nếu thấy trẻ khó thở, có triệu chứng lừ đừ co giật, hôn mê phải đưa đi bệnh viện; trường hợp tiêu chảy nhẹ, nên dùng orezol để tiếp nước, chống ngộ độc.

Tất nhiên, những biện pháp tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng có ý thức tuân theo, đề phòng. Trong những ngày hè nóng nực kéo dài sắp đến, quan trọng nhất là ý thức của mọi người, phải trở thành người tiêu dùng thông thái, biết bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình.

( Theo Tin Tức )