Gặp chị lần đầu tiên ít ai nghĩ rằng chị là người phụ nữ trên 60 tuổi đã nghỉ hưu vì trông chị vẫn còn rất trẻ và đang là hiệu trưởng của một trường MN tư thục ở quận Tân Phú. Chị là Trần Quế Nga - một cán bộ giáo dục tham gia hoạt động cách mạng từ những năm còn trẻ tuổi, từng bị địch bắt và tù đày tại nhiều nhà lao trong chế độ Mỹ ngụy.
Cuối năm 1967 cùng với một số chị em khác, Trần Quế Nga được lệnh cấp trên trở về Sài Gòn để gây dựng phong trào diệt ác phá kềm vùng nội đô. Đây cũng là thời điểm khí thế đấu tranh của cách mạng miền Nam đang sục sôi ở khắp nơi đặc biệt là phong trào đình công bãi thị đòi cơm áo, tự do ngay trong lòng địch. Theo chân đoàn quân giải phóng, chị về Đồng Tháp, vượt Tiền Giang Long An để đến với Long Hưng (huyện Bình Chánh) sát với nách kẻ thù. Dù không trực tiếp cầm súng tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân mùa xuân năm 1968, nhưng được sống trong những ngày đấu tranh rực lửa đó chị Trần Quế Nga như thấy hạnh phúc đã về với cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ. Âm hưởng hào hùng của chiến thắng mùa xuân Mậu Thân như tiếp thêm sức mạnh cho chị cùng anh em và bà con cô bác xuống đường biểu tình đòi quyền dân sinh dân chủ cho đến khi chị bị bắt giam vào tháng 5-1968. Mang trên mình chiếc áo tù chính trị với bản án 20 năm vì tội “phản nghịch” chị đã đi hết nhà lao này sang nhà lao khác như Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức, Hố Nai và hai lần bị đưa ra chuồng cọp tận Côn Đảo. Dù bị giam trong bóng tối của các nhà lao chị Quế Nga đã cùng với các nữ tù khác quyết giữ vững khí tiết của người cộng sản, hàng ngày đấu tranh trực diện với quân thù đem yêu sách đòi được thả tự do bằng cách tuyệt thực. Đợt tuyệt thực dài nhất trong 7 ngày đã làm cho kẻ thù phải nhượng bộ, phòng giam của các chị được mở thêm ba lỗ thông hơi. Nhà tù thực sự đã trở thành trường học cách mạng cho các chiến sĩ học tập và tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Năm 1974 sau khi được trả tự do chị Trần Quế Nga lại tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Tận tâm với nghề Năm 1975 Trần Quế Nga về công tác tại tờ báo Phụ nữ Giải Phóng. Dù công việc bận rộn và lớn tuổi nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian để tiếp tục học hết chương trình bổ túc văn hóa và đại học sư phạm. Ước mơ được làm cô giáo ngay trên chính quê hương mình bây giờ đã thành sự thực, ước mơ đó phải đổi bằng chính xương máu của chị và đồng đội. Năm 1983 từ Phó hiệu trưởng chị được đề bạt lên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Trần Phú (lúc bấy giờ thuộc quận Tân Bình). Cùng với đồng nghiệp chị đã đóng góp rất nhiều công sức để qua 20 năm có được một ngôi trường khang trang chất lượng giảng dạy từng bước đi lên. Năm 2003 khi đến tuổi nghỉ hưu ai cũng nghĩ là chị sẽ từ chối mọi hoạt động xã hội khác của địa phương để dưỡng tuổi già nhưng máu hoạt động vẫn còn trong con người chị. Với cương vị chủ tịch Hội Khuyến học Tân Phú chị biết có rất nhiều khó khăn của một quận vùng ven mới được thành lập, chủ yếu là dân nghèo nhập cư, thành phần lao động phổ thông trình độ dân trí thấp. Bằng các hình thức tuyên truyền vận động, Hội Khuyến học đã xây dựng được phong trào gia đình hiếu học, quỹ khuyến học khuyến tài giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Nhiều nơi đã trở thành điểm sáng của phong trào như phường Tân Thành, Hòa Thạnh, Phú Trung với những cán bộ khuyến học có tâm huyết như bác Nghĩa, bác Kỳ, bác Giỏi, bác Chi… Chị Trần Quế Nga cũng là người bỏ ra nhiều công sức để xây dựng Trường MN tư thục Nguyễn Thị Tú vào năm 2004. Điều vinh dự nhất đối với chị là ngôi trường được mang tên người mẹ thân yêu của mình - liệt sĩ Nguyễn Thị Tú đã hy sinh trong một trận càn của địch ở Củ Chi vào năm 1967. Bây giờ niềm vui của người nữ hiệu trưởng Trần Quế Nga là hàng ngày cùng các cô nhà trẻ thay thế những người mẹ chăm sóc các bé vui chơi khoẻ mạnh được sống trong tình thương yêu của mọi người. Nhớ lại những ngày hoạt động vùng chiến khu, chị Quế Nga tâm sự: “Tuy điều kiện vật chất thiếu thốn gian khổ nhưng anh em chiến sĩ có cuộc sống tinh thần rất phong phú, luôn lạc quan yêu đời. Có như vậy chúng ta mới thắng kẻ thù được”. Từ mùa xuân Mậu Thân đến mùa xuân Mậu Tý đã 40 năm trôi qua nhưng khi ngồi kể lại những câu chuyện từ thời đánh Mỹ chị Trần Quế Nga vẫn không thể nào quên được những tháng ngày gian khổ ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của cuộc kháng chiến. Đó không chỉ là niềm tự hào của thế hệ đi trước mà còn là niềm kiêu hãnh của cả một dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh quang vinh còn chói rạng đến những đời sau. ( Theo Báo Giáo Dục ) |