Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển và bồi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ 1-3 tuổi


Nhu cầu giao tiếp với xã hội có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó là yếu tố then chốt để phát triển tâm hồn trẻ nhỏ và là một bộ phận tạo nên tư duy của loài người. Từ lúc mới sinh ra bé đã bắt đầu có khả năng giao tiếp với xã hội: biết lấy tiếng khóc để bày tỏ cảm nhận và mong muốn của mình.


 
Ảnh: sưu tầm
Theo thời gian, kinh nghiệm được tích luỹ ngày càng nhiều, kỹ năng giao tiếp được nâng cao, tư duy của bé cũng không ngừng phát triển.

Nhưng tất cả những gì bé đạt được không phải tự nhiên mà có, đó là nhờ sự góp sức của chính những người cha, người mẹ, những người đóng một vai trò to lớn trong từng bước đi, từng bước phát triển của bé.

Vì thế cha mẹ hãy làm tất cả những gì có thể, giúp bé thích ứng với xã hội và phát triển các kĩ năng giao tiếp.

1. Dạy bé nhận biết bản thân
Thời kì từ 1-3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển ý thức về bản thân, về cơ thể của mình, phân biệt bản thân mình với người khác, biến hành vi giao tiếp từ vô thức tới có ý thức. Biết được đặc điểm đó, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này nên giúp đỡ bé học cách tự nhận thức về bản thân của mình.

Khi bé được một tuổi, bạn có thể bế bé ra soi gương, cho bé thấy trong gương có những ai? (đừng sợ rằng soi gương sẽ khiến bé chậm nói, điều đó không có căn cứ khoa học). Hãy giới thiệu với bé đâu là mẹ, đâu là bé, chỉ cho bé thấy các bộ phận trên cơ thể sau đó hỏi lại xem bé có nhớ không. Ví dụ: Mẹ em đâu? Bé Cún đâu? Cái mũi đâu? Cái mũi này của ai? Bạn hãy lần lượt đặt các câu hỏi cho tất cả các bộ phận trên cơ thể bé (chú ý bạn chỉ nên dạy trẻ từ 1-2 bộ phận mỗi ngày) bạn có thể hỏi tên bộ phận để bé chỉ qua gương nếu bé chưa biết nói.

Sau khi bé được 2 tuổi, hãy dạy bé tự giới thiệu về mình để làm tăng ý thức về bản thân của bé. Hãy cho bé chơi cùng với búp bê hoặc con rối, rồi lồng tiếng cho búp bê để búp bê giới thiệu về bản thân. Sau đó cho bé tự giới thiệu. Chẳng hạn như:
-Búp bê: Chào bạn! Tôi là búp bê BABY.
-Bé : Tôi tên là Mai

Cùng với thời gian bạn sẽ giúp bé biết tự giới thiệu một cách có hệ thống các nội dung : chào, hỏi thăm sức khỏe, tên, tuổi, sở thích…

2. Dạy trẻ quan tâm và yêu thương mọi người

Muốn dạy bé quan tâm tới người khác, trước hết nên bắt đầu từ những người thân của bé như: cha, mẹ, ông, bà, anh chị em của bé. Hãy cho bé phát âm tên, công việc của mỗi người; treo ảnh các thành viên trong gia đình ở những nơi mà bé thường chơi.
và luôn nói với bé rằng tất cả mọi người đều yêu bé. Bé sẽ cảm nhận được tình cảm yêu thương của mọi người và cũng đáp lại họ bằng tình cảm như thế.

Nhân dịp sinh nhật các thành viên trong gia đình, hãy dạy bé cách quan tâm tới người khác. Chẳng hạn trong ngày sinh nhật bố, mẹ hãy cùng bé bàn bạc xem nên chúc mừng bố như thế nào. Bạn hãy đưa bé đi mua quà sinh nhật, gợi ý để bé tự mua quà tặng bố. Hoặc hai mẹ con tự tay làm một món quà đơn giản nhưng thật ý nghĩa để tặng bố. Có thể bạn sẽ vẽ một chiếc áo sơ mi sau đó hướng dẫn bé dùng ngón tay để chấm màu trang trí cho chiếc áo.

Hãy nói với bé rằng thế giới là do nhiều người hợp thành. Ngoài cha, mẹ và bé còn có rất nhiều người khác nữa. Bé cần phải học cách thể hiện cảm nhận của mình, hiểu được tâm trạng và mong muốn của người khác, quan tâm đến họ.
Bạn có thể chọn một vài câu truyện kể cho trẻ nghe để trẻ cảm nhận được tính cách của nhân vật, hiểu được cách ứng xử, giao tiếp của họ.

3. Kết bạn, kết giao với nhiều người trong cuộc sống

Ở tuổi này nên thường xuyên dẫn bé đi dạo, xem các bạn khác chơi đùa và cho bé cùng tham gia chơi. Đến 3 tuổi có thể cho bé chủ động tự giới thiệu về mình và làm quen với một số bạn khác. Lúc đầu bé có thể không biết phải tham gia chơi như thế nào bạn hãy hướng dẫn và cùng chơi với các bé.

Ngoài việc cho bé đi dạo bạn hãy cho bé đến nhà bạn bè chơi, đây là một cơ hội kết giao rất tốt. Bé có thể hiểu được môi trường bên ngoài gia đình mình, hiểu được cách sống của người khác. Hãy bồi dưỡng cho bé thái độ giao tiếp tích cực, nâng cao khả năng thích ứng với môi trường.

Đôi khi bạn có thể dắt bé đi chợ, đi mua sắm. Để bé tự tay đưa tiền cho người bán hàng, còn có thể trực tiếp nói với họ rằng mình muốn mua gì, thích cái nào nhờ họ lấy hộ , hỏi giá tiền …

Trên đây là một số biện pháp nhằm phát triển và bồi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ. BIBI.vn hi vọng rằng các bé yêu của chúng ta khi khôn lớn sẽ có một tâm hồn thuần khiết, có những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình.

( Theo BIbi.Vn )