Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sân chơi cho thiếu nhi: đừng quan tâm bằng khẩu hiệu


Dường như mỗi khi hè về, "Tháng Hành động vì trẻ em" tới, chuyện sân chơi cho thiếu nhi lại được nhiều người quan tâm hơn. Thực tế cho thấy, còn khoảng cách khá lớn giữa "cung" và "cầu" trong vấn đề này. TP.HCM và Hà Nội - những đô thị lớn - cũng không là ngoại lệ. TP.HCM: Người lớn kinh doanh là chính Tại TP.HCM hiện nay, chưa một công trình nào được xây dựng đúng nghĩa là sân chơi dành cho thiếu nhi. NVH Thiếu nhi TP có mặt bằng rộng rãi, thu hút đông bạn nhỏ, đang trở thành quá tải, nhất là trong dịp hè và lễ hội. 24 NVH Thiếu nhi quận, huyện cũng dành chỗ cho thiếu nhi sinh hoạt, nhưng thường cho thuê mướn mặt bằng, hoặc "tranh thủ" mở đủ loại dịch vụ cho người lớn. Trong bốn "Ngày hội tuổi thơ" dịp 1-6, NVH Thiếu nhi có trên 15.000 lượt người đến vui chơi. Trong khi đó, vào ngày thường, nơi đây chỉ đủ đón 1.000 - 1.500 trẻ. Trung bình mỗi tuần có trên 20.000 lượt trẻ tập trung ở khu vực này. Cũng hàng tuần, từ các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, có hàng đoàn xe chở trẻ em đến NVH Thiếu nhi của TP.HCM để sinh hoạt, học các môn năng khiếu. Học sinh các huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng đổ về đây cuối tuần. Do không đủ chỗ, các em vẫn phải ra ngồi học ở... ghế đá. Lớp học phải chia làm nhiều suất. Phụ huynh phải trải chiếu ngồi... đợi con em mình. Và các lớp năng khiếu mở ra, thường chỉ dành cho những trẻ nhà khá giả, có tiền đóng học phí. Thỉnh thoảng, NVH Thiếu nhi lại đón trẻ ở các mái ấm, nhà mở về vui chơi, nên càng quá tải hơn. Khi dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thực thi, một phần diện tích không nhỏ của nơi này sẽ bị mất đi. Sân chơi vốn đã hẹp càng rồi sẽ chật hơn. Hiện ban lãnh đạo NVH Thiếu nhi đang đề xuất UBND TP cho mở địa điểm ở vùng ven, hoặc xây dựng NVH Thiếu nhi mới quy mô hơn, nhưng đến nay điều đó vẫn chưa thực hiện được. Vì đây là một trong những di tích lịch sử của thành phố nên không được xây mới và sắp tới, có thể còn phải trả lại mặt bằng cho thành phố. Sân chơi cho thiếu nhi đã thiếu, lại sẽ thêm thiếu trầm trọng. Tại quận 1, NVH Thiếu nhi khá khang trang, nhưng hội trường chính đã trở thành... rạp kịch của sân khấu Idecaf. Ở đây chỉ có phòng để học, chứ không có trò chơi hay khoảng sân rộng cho trẻ em vui chơi (khoảng sân này đã được trưng dụng thành bãi để xe và quán cà phê). NVH Thiếu nhi quận 5 mới xây, khá rộng rãi, nhưng thường được tận dụng mở lớp cho... người lớn. Tình trạng này khiến những buổi sinh hoạt tập thể của trẻ em thường phải dời đến các công viên, tuy những nơi này thường tập hợp đủ loại đối tượng và không an toàn cho trẻ. Tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, dù được thiết kế phục vụ sự an sinh của cộng đồng, khu vui chơi của trẻ con vẫn thường bị "bỏ quên" trong dự án, sau khi đất đai đã kín chỗ dành cho các công trình nhà ở, siêu thị, khu thể thao. Theo KTS Võ Thành Lân, hiện ở TP.HCM chưa có công trình nào dành cho trẻ em đạt chuẩn. Nhiều dự án nhấn mạnh yếu tố làm sân chơi cho thiếu nhi, nhưng làm hay không là chuyện khác. Các chỗ vui chơi giải trí đều hướng vào mục đích kinh doanh. Dường như, việc tạo sân chơi cho trẻ em thuộc về trách nhiệm nhà nước. Trong khi đó, những công trình phúc lợi của nhà nước do không được quản lý chặt nên không những không nghĩ đến lợi ích của người lớn, mà còn "lờ" đi quyền lợi của trẻ con. Trách làm sao được khi mục đích kinh doanh, chia đất phân lô để bán thống trị một thời gian dài trong quy hoạch đô thị! Hà Nội: Nhiều công viên, vẫn thiếu sân chơi Thường ngày, các điểm sinh hoạt văn hoá - thể thao dành cho thiếu nhi ở Hà Nội đã luôn quá tải. Đặc biệt là ở Cung Thiếu nhi - nơi mà ngày 1-6 vừa qua tròn 50 năm thành lập và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Các thành viên nơi đây phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất, huy động thêm nhiều cộng tác viên, tăng ca học cả buổi tối. Công viên (CV) Hồ Tây cũng là một điểm hút đông trẻ em tới tham gia sinh hoạt, cho dù nơi đây giá vé không phải là "mềm" và không phải các trò chơi đều phù hợp với thiếu nhi. CV Thủ Lệ (hay còn gọi là Vườn thú HN) có diện tích rộng, nhưng vẫn chưa thể "bắt mắt" trẻ, bởi chuồng thú thì hôi, hàng quán thì choán hết lối đi. CV Thống Nhất có địa thế đẹp, gần trung tâm thành phố, dễ tổ chức các khu vui chơi giải trí cho trẻ nhưng lại rất ít các trò chơi, còn cái có (như nhà gương, đu quay...) thì đã nhàm chán, cũ kỹ. Trong CV đây đó đã hình thành những "chợ cóc" bán tạp nham đủ thứ. Cảnh tình tự rất khó coi (không chỉ riêng ở CV này) diễn ra "vô tư" trước mắt trẻ. Các bậc phu huynh rất ngại cho con mình chơi đùa (không chỉ trong riêng CV Thống Nhất) bởi e dẫm phải kim tiêm của dân chích hút. Còn CV Tuổi Trẻ, trẻ tuổi nhất trong số các CV ở HN, cũng chỉ mới đưa vào một số khu sinh hoạt thể thao. Bách Thảo là CV quy tụ nhiều cây xanh cao niên, có không gian thoáng đạt, cũng không có khu vực cho thiếu nhi giải trí, trừ một góc có sân trượt patin. Trong khi các CV chưa thực hiện đầy đủ chức năng hoạt động, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, thì hệ thống các NVH Thiếu nhi ở HN rất thiếu và hoạt động còn yếu, nặng về hình thức. Đáng buồn hơn, phần lớn số 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã trên địa bàn HN chưa được xây dựng hoàn chỉnh, hoặc để đất trống. Thậm chí ở nhiều khu dân cư, các điểm vui chơi của trẻ em đã bị thu hẹp lại hoặc bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Ví dụ, tại khu chung cư hiện đại Thanh Xuân Bắc, đơn vị thi công đã tự ý thay đổi công năng diện tích dành cho thiếu nhi. Rạp Kim Đồng - nơi một thuở chuyên chiếu phim cho thiếu nhi - nay bị chiếm làm nơi bán bia. Một vài điểm vui chơi như Sega, Star Bowl, Cosmos... luôn có nhiều thiếu nhi tới chơi, những chủ yếu là con gia đình khá giả, bởi giá vé cao. *** "Quyền được chơi" của thiếu nhi không thể chỉ quan tâm bằng khẩu hiệu. Khi mà trẻ em thiếu sân chơi lành mạnh thì ắt phải nhường chỗ cho những tệ nạn lấn lướt. Hà Nội và TP.HCM cần mạnh dạn hơn trong việc đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng thêm nhiều sân chơi cho thiếu nhi. Hà Nội có nhiều CV, nhưng để trống hoạt động thực tiếc. Tại những CV này, nếu được cổ phần hoá thì hẳn hoạt động sẽ phong phú và hấp dẫn. Sao không? Theo Lao Động