Phụ huynh lo lắng vì nhiều trẻ tử vong sau tiêm văcxin Chưa đầy 10 tiếng đồng hồ sau khi tiêm văcxin ngừa viêm gan siêu vi B, bé Trần Thái Thịnh, 2 tháng tuổi tại Cà Mau, ngưng thở. Đây là ca tử vong sau chủng ngừa thứ 4 trên cả nước kể từ đầu năm nay.
Sáng 5/3, dù đến ngày tiêm văcxin định kỳ, chị Trần Thụy Linh, ở gần nhà bé Trần Thái Thịnh, vẫn không dám đưa con mình đi tiêm khi nhớ đến chú bé hàng xóm kháu khỉnh bỗng chốc thành người thiên cổ. Chị Linh cho biết, dù chẩn đoán ban đầu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy cháu bé tử vong không phải do chất lượng văcxin mà chỉ là tai biến, song chị và nhiều phụ huynh khác vẫn nơm nớp lo sợ. Tại TP HCM, trưa ngày 5/3, phòng tiêm ngừa của Viện Pasteur TP HCM vẫn tấp nập phụ huynh mang trẻ đến tiêm phòng. Tuy nhiên câu chuyện về bé Nguyễn Thành Long ở quận 9 bị tử vong hôm 19/2 vẫn được nhiều phụ huynh bàn tán xôn xao ngay trong khi đợi đến lượt chủng. "Lo lắm, tiêm văcxin cho con mà phải thầm khấn vái trời phật cho con khỏe mạnh", chị Lý Thị Năm, ngụ tại đường Hùng Vương, quận 6, bế cháu đến tiêm ngừa sởi, than thở. Chị Năm cho biết, gia đình chỉ có một đứa cháu. Mỗi lần nghe báo đài đưa tin có trẻ tử vong vì văcxin là chị lại mất ăn mất ngủ vì lo cho cháu mình. Còn anh Lê Minh Hiếu, phải tự bế con trai 4 tháng tuổi đi taxi hơn 20 km từ Thủ Đức vào Viện Pasteur tiêm phòng, cho biết, anh và vợ vừa có một trận "khẩu chiến". Lý do chỉ vì sau khi đọc báo thấy ca tử vong sau tiêm văcxin ở Cà Mau, vợ anh một mực không đồng ý cho con đi tiêm. "Tôi cũng lo lắm nhưng vì sợ sau này cháu mắc bệnh nên đành liều", anh Hiếu nói. Thế là vợ chồng xung đột nhau vì bất đồng ý kiến. Trao đổi với VnExpress, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM Phan Văn Nghiệm khẳng định, tai biến sau tiêm văcxin là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên lợi ích từ chủng ngừa cao hơn hàng triệu lần. "Nếu so sánh tỷ lệ tai biến gây tử vong là 1 trên 1 triệu, với việc không tiêm để có thể mắc bệnh, mọi người sẽ thấy được tầm quan trọng của văcxin. Chính vì thế, không nên vì hoang mang mà bỏ tiêm", ông Nghiệm nói. Thống kê tại TP HCM qua các đợt tiêm chủng cho thấy, trong 500.000 ca tiêm chỉ có khoảng 20 trường hợp bị phản ứng. Nhưng không phải cứ phản ứng là tử vong. Theo ông Nghiệm, nguyên nhân dẫn đến tử vong không chỉ do văcxin, cách bảo quản, mà còn phụ thuộc vào cơ địa của người được tiêm. Trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ bị phản ứng, tuy nhiên đây là độ tuổi thích hợp nhất cho việc tiêm chủng nhằm giúp cơ thể bé tăng đề kháng. Đối với người đi chích ngừa, cần miêu tả cụ thể tình trạng sức khỏe với bác sĩ. Trẻ bị sốt, khóc quấy trước ngày tiêm, dù đã được cho uống thuốc hạ sốt vẫn phải được kiểm tra lại. Bác sĩ Nghiệm khẳng định, trường hợp trẻ đang bị ốm, sức đề kháng kém, có thể hoãn tiêm chủng muộn vài ngày, thậm chí một tháng vẫn không ảnh hưởng gì đến tác dụng văcxin. Tuy nhiên, ông cho rằng, trước tiên ngành y tế phải làm tốt khâu kiểm tra chất lượng văcxin. Sau đó các bác sĩ phụ trách tiêm phòng cũng phải khám thăm dò tình trạng sức khỏe của người được chích ngừa trước khi quyết định tiêm, tránh tình trạng khám ẩu, qua loa cho xong.
( Theo VnExpress ) |