Truyện tranh VN có giành lại được thị trường? Lâu nay, thị trường truyện tranh Việt Nam đã bị lấn át bởi các tác phẩm truyện tranh nước ngoài, nhất là của Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ nỗi bức xúc đó, các đơn vị làm sách thiếu nhi có tâm huyết đã quyết định làm cuộc cách mạng thổi làn gió mới vào truyện tranh Việt Nam Mọi người đều nhìn nhận rằng, sở dĩ truyện tranh Việt Nam thất bại vì thiếu kịch bản hay, không có tính sáng tạo, hình ảnh trong tác phẩm luôn đứng im bất động. Những tác phẩm khai thác đề tài lịch sử thì bê y nguyên từ sách giáo khoa, rất khô khan, đơn điệu khiến độc giả ngán ngẩm. Hơn nữa nghề họa sĩ truyện tranh và người sáng tác kịch bản chưa được định hình một cách cụ thể, thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt công nghệ của truyện tranh Việt Nam còn rất thủ công, trong khi các nước khác đã đi rất xa. Bộ truyện tranh Việt Nam thành công nhất Đó là bộ truyện Thần đồng đất Việt do Công ty Phan Thị thực hiện. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy tập sách này ảnh hưởng khá nhiều của phong cách manga (Nhật Bản). Nhưng có như vậy mới hấp dẫn được các độc giả nhỏ tuổi bởi hình ảnh trong manga vô cùng sống động. Sự thành công bất ngờ của bộ sách này đã tiếp sức rất nhiều cho Phan Thị. Mới đây, công ty này kết hợp với Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành bộ truyện tranh 4 màu Ngày xửa ngày xưa với sự đầu tư công nghệ lớn nhất từ trước đến nay. Kịch bản của Ngày xửa ngày xưa khai thác đề tài lịch sử nhưng không lặp lại sách vở và được thể hiện dưới dạng hài nhẹ nhàng, dí dỏm. Phần đầu tiên Sơn thần thủy quái lấy tích từ truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, có sáng tạo thêm các nhân vật mới như con khỉ thông minh nhưng sợ độ cao là đệ tử của Sơn Tinh, con cá trích có tài biến hóa là đệ tử của Thủy Tinh, con két nhiều chuyện là đệ tử của Mỵ Nương. Đặc biệt, nét vẽ của Ngày xửa ngày xưa là sự kết hợp khá hài hòa giữa tính dân gian Việt Nam và phong cách manga. Bà Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, cho biết bộ sách này không “dễ ăn” như Thần đồng đất Việt vì đối tượng hẹp hơn, đầu tư nhiều hơn nhưng trên hết nó là một sự thể nghiệm và chứng tỏ rằng mình rất tâm huyết. Sau Tí và Tèo, Chú bé rắc rối có sự pha trộn giữa phong cách của Nhật, Hàn và phương Tây không mấy thành công, sắp tới NXB Kim Đồng sẽ chuyển tác phẩm Sống sót vỉa hè của nhà văn Võ Phi Hùng trong tủ sách Tuổi mới lớn sang thể loại truyện tranh. Ông Bùi Ngọc Anh, trưởng chi nhánh phía Nam, cho biết nhóm họa sĩ thực hiện bộ truyện này đã được đào tạo qua lớp vẽ tranh của các chuyên gia Hàn Quốc và phần tranh sẽ rất gần với phong cách Hàn Quốc. Ông Bùi Ngọc Anh cũng cho biết thêm, hầu hết những bộ truyện tranh thuần túy Việt Nam, NXB đều phải bù lỗ vì vậy nếu không có sự đổi mới về phong cách thì chắc chắn truyện tranh Việt Nam vẫn bị độc giả nhà quay lưng. Tạp chí Truyện tranh trẻ Đây là diễn đàn của những người yêu thích truyện tranh, có khả năng vẽ, sáng tác kịch bản và phê bình. Thoạt nhìn, nhiều người tưởng đây là một tạp chí truyện tranh Nhật Bản chứ không nghĩ đó là sản phẩm của những độc giả Việt Nam. Dù sao nó cũng phản ánh được phần nào thị hiếu của những bạn trẻ khi truyện tranh Việt Nam đang trong cảnh dò tìm đường đi. Biết đâu, từ đây sẽ xuất hiện một thế hệ họa sĩ truyện tranh hiện đại Việt Nam? Theo bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, Truyện tranh trẻ đã khá thành công sau khi NXB dồn hết công sức cho ra đời một loạt truyện có phong cách mới từ đầu năm 2005. Các truyện khác sống lèo tèo qua ngày, riêng truyện Đá và nấm thì đã ngưng vì bị bạn đọc chê. Một trong những tác phẩm gây chú ý của đồng nghiệp khi ra mắt thời gian qua là bộ Đặc nhiệm thời gian của Công ty Sĩ Kiến Hoàng. Sở dĩ bộ sách này gây được chú ý không chỉ vì đó là bộ truyện khoa học viễn tưởng đầu tiên của Việt Nam mà còn vì được tài trợ bởi nhãn hiệu sữa Nuvi, một điều chưa hề có từ trước đến nay. Theo ông Nguyễn Tiến Sĩ, Giám đốc Công ty Sĩ Kiến Hoàng, có rất nhiều lý do để hy vọng. Thứ nhất, truyện viễn tưởng rất thu hút độc giả kể cả người lớn; thứ hai, những điều bí ẩn trong tác phẩm được giải thích một cách rất khoa học; thứ ba, tác phẩm vừa hướng các em tìm về lịch sử đồng thời kích thích trí tưởng tượng bay tới tương lai và hình vẽ không hề giống với sự hình dung của độc giả về truyện tranh Việt Nam. Ông Nguyễn Tiến Sĩ cũng cho biết, sắp tới công ty sẽ cho ra mắt bộ Chí Phèo phiêu lưu ký, là sự kết hợp, gặp gỡ rất thú vị giữa Chí Phèo và những nhân vật nổi tiếng trong văn học như Xuân tóc đỏ, Ba Giai, Tú Xuất... Tuy nhiên, những nỗ lực này có được đền đáp hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Nhìn vào thực tế, ngoài bộ Thần đồng Đất Việt đã tạo được dấu ấn, những bộ truyện khác chưa có sự bứt phá và còn bị lệ thuộc quá nhiều vào những tác phẩm nước ngoài. Xem ra, hy vọng giành lại thị trường của truyện tranh Việt Nam vẫn còn rất mong manh. Người Lao Động |