Những năm gần đây, công tác GD-ĐT đã đạt được những thành tựu to lớn, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên trong lĩnh vực này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Thực tế đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội của đất nước. Xin nêu một vài nghịch lý để chứng minh nhận định trên...
Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí khám chữa bệnh, đi học phải đóng tiền - HS tiểu học được miễn học phí
Có một thực tế khiến dư luận lo lắng: các nhà trẻ trong cơ quan, xí nghiệp dần bị giải thể hết, thiếu mô hình chăm sóc cho trẻ dưới 18 tháng tuổi; nhiều trường mầm non chuyển sang bán công; chính sách với các cô giáo mầm non chưa thỏa đáng; việc đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế; trường, lớp cho trẻ mầm non không đủ, phần lớn trẻ mầm non theo học ở các trường tư thục.
Nguyên nhân vì sao? Vì giáo dục mầm non (GDMN) chưa được coi trọng đúng mức. Tại sao trong những năm vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đại đa số trẻ em vẫn được bảo vệ và chăm sóc chu đáo ngay cả trong những địa đạo ở Vĩnh Linh, Củ Chi. Chắc chắn, không phải lúc ấy chúng ta có nhiều tiền. Chiến tranh giờ đã lùi xa, vậy mà chúng ta chưa lo được cho trẻ mầm non đầy đủ điều kiện về học tập, và phải đóng học phí, trong khi HS tiểu học lại được miễn.
Các trường ngoài công lập phải đóng thuế - Các trường công lập thì không
Các trường ngoài công lập (NCL) hiện nay phải đóng Thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy là Nhà nước đã xếp các trường NCL vào diện các doanh nghiệp. Điều này mâu thuẫn với Luật Giáo dục. Trong khi các trường công lập được đầu tư đầy đủ, không phải đóng thuế, thì các trường NCL đã phải tự xoay xở lại phải đóng thuế. Thực chất, người học là người phải đóng thuế. Trẻ dưới 6 tuổi theo học NCL cũng phải đóng thuế đi học. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa HS trường công lập và HS trường NCL. HS NCL không được hưởng các phúc lợi xã hội dành cho giáo dục như những HS học ở trường công lập, trong khi bố, mẹ các em đều thực hiện nghĩa vụ công dân như những phụ huynh HS trường công lập. Chúng ta đang tiến tới phổ cập giáo dục THPT vào năm 2020. Như vậy, lẽ ra phải khuyến khích các trường NCL phát triển để góp phần thực hiện chủ trương phổ cập GDMN, tiểu học, THCS nhằm thực hiện mục tiêu ấy.
Quản lý bao cấp về giáo dục, chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN
Nhiều chủ trương của ngành còn mang nặng tư duy bao cấp, gây trở ngại lớn cho sự phát triển giáo dục. Ví dụ thứ nhất: Việc tuyển sinh ĐH là một hoạt động của các trường ĐH, nhưng lại do Bộ trực tiếp đảm nhiệm, từ việc ra đề thi, tổ chức chấm thi, xét kết quả... Bộ chỉ nên thực hiện vai trò quản lý Nhà nước để giám sát khâu tuyển sinh và đào tạo, chứ không phải làm thay cho các trường. Cần phải trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Ví dụ thứ hai: Việc phân cấp quản lý trong giáo dục còn chồng chéo, chưa rạch ròi nên không tạo điều kiện cho cơ sở chủ động giải quyết các công việc liên quan đến nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất... Việc gì cũng phải chờ ý kiến cấp trên, gây ra tâm lý ỷ lại, dựa dẫm của một bộ phận cán bộ quản lý. Chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục chính là đổi mới cơ chế quản lý: Chuyển từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý phù hợp với nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Thêm nữa, việc phân cấp cần rõ ràng, dứt khoát, theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở.
Chủ trương nhiều, triển khai chậm
Đây là một thực tế khá phổ biến, thể hiện rõ ở việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho các trường NCL như cấp đất, cho thuê đất, cho vay vốn ưu đãi... Quy hoạch mạng lưới các trường học trên địa bàn từng tỉnh, thành phố chưa cụ thể, rõ ràng. Trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh thì việc chậm trễ này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu đất cho giáo dục.
Giải quyết những mâu thuẫn ấy chính là tạo điều kiện để GD-ĐT phát triển một cách bền vững.
( Theo Đàn Ông )