Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện kể của một cô giáo: Bỏ nghề sau đúng một năm đi dạy mầm non


Sau khi xem video về vụ bạo hành trẻ em ở Đồng Nai, H. đã bật khóc rồi chua chát kể cho tôi nghe chuyện về nghề giáo viên mầm non, cái nghề mà cô đã được đào tạo bài bản, để rồi phải quyết định bỏ nghề sau đúng 1 năm đi dạy.

Nghề dạy trẻ ở mầm non cũng lắm công phu và kiên nhẫn. Hình ảnh chụp các bé trong một giờ học lớp nhà trẻ của một trường mầm non ở Hà Nội. Ảnh minh họa: H.T


Vì rất yêu trẻ nên H đã nỗ lực thi đậu bằng được vào khoa Mầm non của trường ĐHSP Hà Nội 1. Sau khi ra trường, H muốn về phục vụ quê hương nhưng ở quê không có chỗ cho cô vì hệ thống giáo dục mầm non ở nông thôn chưa được chuyên nghiệp hoá. H đành phải trở lại Thủ đô để xin đi dạy tại những trường mầm non tư thục.

Chỉ sau hơn 1 năm đi dạy, H đã phải chuyển qua đến 4 trường bởi không thể chịu nỗi áp lực công việc, mức lương rẻ mạt và những hành vi phản giáo dục của một số đồng nghiệp cùng với lòng tham của những người chủ đầu tư. Người bảo cô kén cá chọn canh, người bảo cô khó tính, nhưng H không thể giải thích cho tất cả.

H muốn những tâm sự của cô đến được với nhiều người và để được hiểu, rằng: nghề giáo viên mầm non không nhàn hạ và “thơ” như người ta vẫn nhìn thấy hàng ngày.

Có thể có ai đó nói rằng, nghề nào mà chả vất vả, nhưng quả thực mầm non là một nghề vô cùng cực nhọc và đầy áp lực. Chỉ cần theo chân cô đến trường một buổi, theo dõi lịch làm việc của cô thì mới có thể hiểu được điều đó.

1. Những công việc trong một ngày:

Buổi sáng: 6h30 đã phải có mặt tại trường. Buổi chiều: Phải chờ phụ huynh đón hết con mới được về. Nhiều hôm phụ huynh về muộn thì phải đến 20h30 phút mới được rời trường. Đó là quỹ thời gian trong một ngày của một cô giáo mầm non.

Còn công việc sau khi nhận các cháu từ các bậc phụ huynh thì như sau: Cho ăn sáng nốt những cháu nào chưa ăn ở nhà; mặc quần áo, đội mũ, đi tất, bày đồ… để chuẩn bị cho các cháu chơi và tập múa hát (Đây là hình ảnh đẹp duy nhất mà mọi người thường nhớ tới);

Thu dọn và xếp ngăn nắp các loại đồ chơi; kê bàn ghế, xếp đặt chén bát, muôi, thìa; bón cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà chiều, uống thuốc, uống sữa, thay bỉm, giặt quần áo do các cháu ị hoặc tè ra, dọn dẹp chỗ các cháu nôn, trớ, trả các cháu cho phụ huynh...

Liệt kê “sơ sơ” thì như vậy, nhưng nếu trực tiếp làm hoặc chứng kiến thì mới rằng thấy mọi chuyện không hề đơn giản.

Trước hết là chuyện ăn uống. Đây là công việc căng thẳng và vất vả nhất, bởi cho một đứa trẻ ăn không hề đơn giản, huống hồ mỗi cô phải phụ trách khoảng chục cháu như vậy. Nếu như là lớp mẫu giáo lớn, nhiều cháu biết tự ăn thì các cô còn đỡ vất vả.

Còn đối với những cháu dưới 3 tuổi thì phần lớn các cô phải bón từng thìa. Tuy nhiên, không phải cho cháu nào ăn cũng dễ vì nhiều cháu ăn kém, lười ăn, ăn chậm hoặc nhõng nhẽo không chịu ăn nên phải ép.

Không những thế, các cháu còn nôn trớ toé loe ra quần áo, ra sàn nhà. Đặc biệt, có lúc xảy ra tình trạng “nôn dây chuyền”, tức là một cháu nôn thì một vài cháu khác cũng nôn theo.

Chưa hết, đang ăn thì có cháu lại tè, lại ị ra quần, các cô lại phải thay, phải lau rửa, dọn dẹp và đem đi giặt. Cháu ăn xong, các cô phải thu dọn bàn ghế, cốc chén, sàn nhà rồi cho các cháu đi ngủ.

Nhưng chuyện ngủ của các cháu cũng không hề đơn giản. Ở tuổi này các cháu chưa thể vào khuôn phép nên không có chuyện “ra lệnh” là tất cả đều ngủ. Có cháu, đang ngủ lại tiếp tục tè, ị hoặc nôn trớ hết ra chăn chiếu, ra các bạn… và các cô lại tiếp tục đưa các cháu đi lau rửa và đem chăn chiếu đi giặt.

Có cháu tuy nằm nhưng lại không ngủ mà đùa nghịch, nói chuyện hoặc lôi đồ chơi ra khắp nhà làm mất giấc ngủ của bạn. Thậm chí có cháu rất bướng, cô nhắc nhẹ không nghe nên phải mắng, thậm chí phạt. Vì nếu không phạt, không mắng thì không thể điều khiển được lớp. (Cho nên nếu nói rằng ra quy định cấm không được quát mắng trẻ thực tế rất khó áp dụng).

Ngoài các công việc dạy múa hát, cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà vặt theo quy định của trường, các cô còn phải gánh thêm phần việc do phụ huynh nhờ vì họ thường đem các loại đồ ăn, sữa, hoa quả, thuốc men đến nhờ cô cho ăn, cho uống hộ.

Ngoài những công việc này, các cô còn phải luôn để mắt đến cháu, không để chúng chơi đùa với nhau nhiều hay cào cấu, vì nếu chẳng may xảy ra chuyện gì, các cô sẽ là những người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Chăm sóc các cháu đã vất vả, các cô còn phải chịu nhiều áp lực từ phía nhà trường, nhất là về mặt thời gian. Với một lớp vài chục cháu như vậy, không thể bón nhẩn nha từng thìa cho từng cháu, cho nên vẫn phải giục cho các cháu ăn hết suất và ăn xong đúng giờ.

Nếu không ăn hết suất, các cháu không tăng cân sẽ bị phụ huynh phàn nàn. Còn nếu không ăn kịp thì sẽ choán mất sang thời gian chơi, ngủ của các cháu thì cũng sẽ bị hiệu trưởng nhắc nhở, bị trừ lương.

Nhiều người nghĩ rằng dạy các cháu mẫu giáo không cần phải dùng giáo án nhưng thực tế giáo án của bậc học này được soạn rất công phu không kém gì giáo án của các học sinh lớn.

Trước mỗi buổi dạy, các cô phải xây dựng kế hoạch hôm nay sẽ dạy chủ đề gì về môi trường xung quanh. Các nội dung như: Việc ăn uống của cháu ra sao, hôm nay cháu nào còn nói ngọng, cháu nào không ăn hết suất không… đều được ghi chép tỉ mỉ và cẩn thận. Giáo án và sổ theo dõi luôn được kiểm tra liên tục.

Chưa hết, cô giáo còn phải chịu nhiều áp lực từ phía phụ huynh của các cháu. Phụ huynh nào dễ tính còn đỡ, phải người khó tính, thậm chí lỗ mãng, thiếu tôn trọng cô thì rất khó chịu.

Một số người coi con cái mình như cục vàng. Mỗi chiều đón con về, họ kiểm tra khắp mình mẩy chân tay con, nếu có xây xát tí gì là phản ánh luôn với giám đốc.

Cá biệt, có gia đình do nuông chiều con cái nên khiến cháu bé sinh hư, và dù nhỏ cũng đã biết nói dối.

H kể, có lần thấy phụ huynh của một cháu hùng hổ đến trường mắng xối xả vào mặt một cô vì cái “tội” đánh con chị ta. Giám đốc mời chị phụ huynh này vào để hỏi rõ đầu đuôi thì mới té ngửa: Cháu bé đã bịa ra chuyện bị cô đánh phạt để trốn đến lớp.

Với những phụ huynh “củ chuối” như vậy các cô có muốn phản ứng lại cũng khó vì nhiều giám đốc trường tư thục coi “khách hàng là thượng đế” nên thường yêu cầu cô giáo phải “nhịn nhục”.

Ngày nào cũng như ngày nào, tất cả những công việc: Ăn uống, nôn trớ, ỉa đái, múa hát, bày-kê bàn ghế, thu dọn cốc chén, lau nhà, dỗ bé… cứ lặp đi lặp lại.

Cho nên lúc nào cô cũng thấy tối tăm mặt mũi, đầu óc căng thẳng mệt phờ. H. thú nhận có hôm đi làm suốt cả ngày không ngẩng đầu lên nhìn kĩ được khuôn mặt đồng nghiệp, mệt còn hơn đi cày ruộng.

2. Càng tiết kiệm chi phí càng tốt

Ở nhiều trường tư thục có tình trạng tiết kiệm nhân công theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Họ “tận dụng” tối đa sức lao động của các cô, bắt phụ trách những lớp học khá đông mật độ các cháu so với quy định (trung bình 2 cô/lớp 15-20 cháu), thậm chí có trường còn nhiều hơn nên công việc thường xuyên bị quá tải.

Không những thế, họ còn giao cho cô những công việc mà lẽ ra là của lao công, tạp vụ như: Giặt giũ, quét dọn...

Ở một trường tư thục mà H. đã dạy, họ còn không cung cấp quần áo, găng tay bảo hộ cho cô. Một lần H. hỏi xin vì trời lạnh mà lại phải tiếp xúc với toàn phân và nước tiểu thì bà Giám đốc hỏi lại với thái độ khó chịu: “Em ghê à?”.

Thế là mấy chị em vừa làm vừa nôn oẹ và rồi cũng phải quen dần. Đồ dùng học tập hay đồ chơi của cháu lẽ ra phải mua thì họ yêu cầu cô phải tự làm lấy, phải tự cắt dán để “tiết kiệm”. Chính vì thế, các cô luôn phải đi làm về muộn.

Mấy đồng nghiệp của H vì nhà trọ xa, lại chưa có gia đình đề nghị ở lại trường cho tiện. Thế là được giao ngay cho làm đồ dùng học tập và trông trường với lý do “Bọn em không phải trả tiền thuê nhà còn gì”.

Với lịch làm việc như vậy, những ai đã có gia đình sẽ không còn thời gian để dành cho chồng, cho con. Lớp học thì chật chội. Ở một trường H. dạy, phòng rộng chừng 20 m2 mà có đến mấy chục cháu.

Tất cả các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh đều diễn ra trong căn phòng nhỏ bé ấy. Thậm chí góc đằng này các cháu ăn thì góc đằng kia các cháu ị, tè, nôn trớ. Xong, lại lau dọn, lại ăn, rồi trải chăn ra ngủ.

Chưa hết, lẽ ra khẩu phần ăn mỗi bữa của các cháu phải đầy đủ hết mọi thứ như: Rau, củ, quả, thịt, cá theo cam kết khi đóng tiền học phí… thì một số trường luôn tìm cách bớt xén, giảm dần các loại thực phẩm, hoặc mua những đồ rẻ tiền về cho các cháu ăn.

H. kể: Có bà giám đốc một trường cô dạy khi về quê thấy bí và cà chua rẻ quá nên khuân lên cả đống. Thế là cả tuần các cháu toàn ăn bí và cà chua.

Những cách đầu tư và quản lý sặc mùi “nông dân” âý đơn giản là vì những người chủ đầu tư coi mầm non là một nghề kinh doanh béo bở và họ chỉ biết đến lợi nhuận.

Với cách quản lý như vậy, thử hỏi ai có thể bình tĩnh và tâm huyết với trẻ được, dù có lòng yêu trẻ rất nhiều.

3. Lương và áp lực công việc

Cường độ làm việc căng thẳng, vất vả cộng với trách nhiệm cao đối với các cháu bé, nhưng lương cô giáo mầm non lại thuộc loại thấp nhất. Nếu đọc những thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non trên báo, bạn sẽ rất dễ tìm được những địa chỉ mà người ta chỉ trả cho cô giáo mức lương khởi điểm 800-900 ngàn/tháng.

Trong khi đó, ở những vị trí như bán hàng, tạp vụ, thậm chí là giúp việc gia đình,… người lao động hoàn toàn có thể có mức lương trên 1 triệu/tháng. Năm ngoái khi bắt đầu đi dạy, H. được trả 600 nghìn/tháng cho mức lương khởi điểm.

Sau 3 tháng, “nếu làm tốt” thì mới được tăng lương nhưng việc tăng cũng chỉ nhỏ giọt như “cà phê phin” với mức 50-100 nghìn. Năm nay, một cô bạn cùng khoá với H. dù đã đi làm được gần 2 năm rồi nhưng người ta vẫn chỉ trả có 900 nghìn/tháng.

Đó là chưa kể những khi bị phạt, bị trừ tiền hay ghìm lương các cô vì những lí do rất… đương nhiên như: Đi muộn, cha mẹ các cháu phàn nàn, để các cháu bẩn thỉu… Mỗi lần phạt trừ 5-10 nghìn tuỳ từng trường.

Một đồng nghiệp của H. có lần bị trừ đầu trừ đuôi bao nhiêu khoản, đến cuối tháng chỉ còn được lĩnh về 400 nghìn. Cho nên cô ấy tức quá mắng luôn vào mặt Giám đốc và bỏ việc.

Trong cơn “bão” giá tiêu dùng, giá nhà đang tăng chóng mặt như hiện nay, mức thu nhập như vậy không thể tái tạo nổi sức lao động của con người chứ chưa nói gì các khoản khác như xăng xe, khi đau ốm và trách nhiệm với gia đình.

Vì thế, H. không ngạc nhiên khi thấy một cô giáo tại một trường mầm non công lập ở quận Cầu Giấy đã tặc lưỡi quyết định giã từ nghiệp “trồng người” sau khi phải mất đến 25 triệu để “chạy” vào trường này vì mức lương sau mấy năm vẫn chỉ có trên 1 triệu/tháng.

Riêng bản thân H. cũng bỏ nghề để đi… chạy bàn và cô cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều do không bị áp lực công việc và mức lương cũng cao hơn gần gấp đôi so với lương của trường mẫu giáo mà cô vừa bỏ.

Nhiều người bạn cùng khoá với H dù rất yêu trẻ và tâm huyết với nghề cũng bỏ dạy chỉ sau một thời gian đi làm vì không thể chịu được áp lực cùng mức lương quá thấp.

Một số khác vẫn gan góc “bám trụ” với hi vọng một ngày nào đó sẽ được tăng lương và nhà nước có chính sách ưu đãi hơn với ngành mầm non. Hơn nữa, nếu bỏ thì họ cũng không biết làm nghề gì để sống.

Nhưng cũng chính vì ức chế và chán nản như vậy nên nhiều cô bảo mẫu đã không làm chủ được bản thân và có những hành động phản giáo dục như: Dọa dẫm, quát nạt hoặc đánh trẻ.

Việc đánh các cháu thì trường tư có và trường công cũng có và nó là chuyện “bình thường”. H đã thấy một vài đồng nghiệp phạt học sinh bằng những cách như: Cho ra khỏi lớp và đóng cửa lại, lấy thước đánh vào lòng bàn tay, gan bàn chân, quát hay đập đầu vào bàn…

Thậm chí, có cô còn đánh một cháu bé 9 tháng tuổi để ép cháu phải ăn (tất nhiên là đánh nhẹ), nhưng cháu bé sợ nên cứ nhìn thấy cô giáo này là cháu bò để “chạy trốn”. Cháu phải bò vì cháu vẫn chưa biết đi.

H. cho biết, thực tế có nhiều cháu hư sẵn từ nhà nên đôi khi phải phạt chứ không thể dùng lời nói nhẹ nhàng được. Tuy nhiên các cô cũng chỉ đánh theo kiểu phát nhẹ vào mông để doạ thôi, còn kiểu đánh “nặng tay” như đã nói ở trên chỉ là hãn hữu và chủ yếu rơi vào những cô không được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm.

Một số trường thường “quảng cáo” rằng họ có camera để giám sát hoạt động của cô giáo và các cháu bé, nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên quá tin tưởng bởi các cô bảo mẫu chẳng dại gì mà đánh các cháu ở trước máy quay cả.

Theo H., nếu cơ quan chức năng kiểm tra một cách sâu sát về bằng cấp, nghiệp vụ của các cô bảo mẫu, sẽ thấy rất nhiều, rất nhiều người không được đào tạo qua bất kì một trường lớp nào.

Người làm trái nghề, người thì được chuyển từ lao công, tạp vụ lên làm bảo mẫu, thậm chí có những người chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng cũng đứng lớp. Việc những giám đốc, chủ đầu tư đưa con em, người thân quen của mình vào dạy là việc rất phổ biến.

4. Có những “điểm sáng”

Một loạt những vụ bạo hành trẻ em gần đây khiến nhiều người có ác cảm đối với cô giáo mầm non. Nhưng theo H., không phải ai cũng ác và đáng sợ như vậy. Những người được đào tạo bài bản rất ít khi có hành động như vậy vì họ có phương pháp dạy cũng như biết cách đưa những đứa trẻ hư vào khuôn phép.

Họ cũng được trang bị những kiến thức về sơ cứu nếu có sự cố xảy ra cho cháu bé. Các cô biết xử lý các sự cố đơn thuần đó thì nhiều tai nạn, tử vong chắc sẽ không xảy ra đối với trẻ mầm non.

Trong thời gian đi dạy, H. chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình rất yêu trẻ và thực sự tâm huyết với nghề, chẳng hạn như Quyên và Mai. Phải nói rằng hai cô giáo này có sự nhẫn nại, hi sinh rất lớn đối với trẻ.

Chẳng hạn như Quyên, có những hôm cô không được ăn cơm trưa vì phải trông chừng các cháu. Có một cháu rất khó ngủ và khó ăn. Buổi trưa Quyên một tay ăn cơm, một tay bế bé. Bất ngờ, cháu bé quấy khóc, đạp tung bát cơm của Quyên xuống đất.

Bữa đó Quyên nhịn đói trong sự mệt mỏi, nhưng cô vẫn nhẫn nại bế bé mà không phàn nàn.

Còn Mai thì nhẫn nại bón cho cháu từng thìa cháo và bị cháu nôn đầy người, đến mức bà của cháu bé cũng còn cảm thấy ghê còn người chủ trường thì nhìn cô với ánh mắt ghê tởm, nhưng Quyên vẫn bón cho bé bằng hết bát cháo.

Nhưng đáng tiếc rằng những con người như vậy lại không được trọng dụng và nhìn nhận đúng với khả năng và tấm lòng của họ, trả cho họ mức lương hết sức rẻ mạt cộng với những quy định ngặt nghèo.

Lương không đủ sống nên Quyên đành nghỉ việc và tìm cách mở trường, vì cô muốn mình được làm chủ, được quyết định những việc tốt hơn cho các cháu. Quyên và Mai là những đồng nghiệp mà H thực sự nể phục.

5. Kết

Ở bài viết này chỉ nói lên những ví dụ điển hình ở một số trường kể cả công lập cũng như tư thục, những trường mà H. đã đi dạy qua và đã chứng kiến. Do vậy, khó tránh khỏi cái nhìn khiên cưỡng về hệ thống các trường mầm non.

Tuy nhiên, theo H., cũng không nên vì thế mà chúng ta quá bi quan, lo sợ hoặc có cái nhìn “vơ đũa cả nắm” đối với những người thực sự có tâm huyết.

Nhà nước cần khẩn trương có những chính sách hợp lý và ưu đãi cho những người đang công tác tại cấp học này bởi giáo viên mầm non đã phải chịu quá nhiều áp lực và quá nhiều thiệt thòi.

Nếu không, nó sẽ là cái nghề “hái ra tiền” đối với những người chủ đầu tư chỉ biết đến hai chữ “lợi nhuận”.

( Theo Tiền Phong )