Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Tĩnh: Hàng loạt trường mầm non đóng cửa vì… rét!


Hà Tĩnh đến thời điểm này, lượng học sinh mầm non đến lớp vẫn đếm trên đầu ngón tay, có trường giáo viên còn đông hơn học sinh.

2 tuần sau Tết, vẫn vắng tanh

 
Trường Tân Giang vắng tanh, chỉ thấy... bác bảo vệ
Nằm trên diện tích rộng gần 5000m2, Trường Mầm non bán công Tân Giang (phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh) vốn vang tiếng trẻ nô đùa vắng lặng; không một bóng cô trò.

Chúng tôi chỉ thấy bác bảo vệ trường Phạm Minh Quát đang trực. Bác Quát cho biết: “Trường mầm non Tân Giang có 16 giáo viên, 140 cháu, chia làm 5 lớp. Ngày thường, các cháu đến đầy đủ, nhưng từ sau Tết rét quá nên phụ huynh giữ con ở nhà. Mỗi ngày trường chỉ có 4 - 5 cháu. Có hôm có mỗi một cháu; đến trưa các cô giáo đưa về cho gia đình”.

Không chỉ trường Tân Giang, các trường mầm non khác trên địa bàn Hà Tĩnh đều có chung cảnh "không trò".

Cô Nguyễn Thị Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non bán công Đại Nài (Phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trời rét nên nhà trường chú trọng cho các cháu ăn nóng, uống nóng, nấu thức ăn phù hợp để tránh viêm họng, chú trọng sưởi ấm để trẻ ngủ trưa tốt. Nhưng học trò vẫn thưa. Các cháu nghỉ nhiều sẽ làm giảm nguồn thu của trường, các cô (phần lớn là LĐ hợp đồng)sẽ không có lương ”.

Tại Trường Mầm non Hoa Mai (Thị trấn Kỳ Anh), các cô giáo kiên nhẫn chờ đợi đến 9 giờ sáng hàng ngày, nhưng vẫn không thấy bóng dáng phụ huynh chở con đến trường. Cô Lê Thị Hợp cho biết: “Suốt mấy ngày nay trường chẳng có cháu nào đến nhưng chúng tôi cũng không dám cho giáo viên nghỉ, sợ các cháu đến không có ai. Trong thời gian rảnh rỗi này chúng tôi tranh thủ chăm sóc lại các bồn hoa và quét dọn lại trường lớp”.

Các trường luôn gắng làm hết sức mình để đảm bảo cho các cháu nhưng phụ huynh vẫn không mặn mà đưa con cháu mình tới trường trong thời tiết giá rét. Nhất là khi mà thiết bị chống rét, sưởi ấm tại nhiều trường mầm non chưa đầy đủ.

Trời giá rét, Trường Tân Giang thường chỉ có... 2 cháu đi học


Cô Phan Thị Đâng - Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Ngày thường các cháu đắp chăn đơn (loại cho 1 cháu), giờ lớp vắng nên được dùng thêm chăn của bạn. Trường chưa có chăn bông nên phải đóng cửa để ngăn gió lạnh lùa vào”.

"Hợp đồng" trông trẻ

Trường Mầm Non Cẩm Xuyên có 250 cháu nhưng rất ít cháu đi học

Nhiều gia đình ở nông thôn nếu không đưa con đến trường, vẫn có người ở nhà trông trẻ. Nhưng với cán bộ công nhân viên, việc ở nhà với con ảnh hưởng lớn tới công việc. Chị Nguyễn Thị Thái - Thị trấn Kỳ Anh khổ sở: “Đưa con đến trường thì không an tâm nhưng để cháu ở nhà lại vô cùng vất vả, 3, 4 hôm nay hai vợ chồng chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê người giữ cháu nhưng chẳng kiếm ra nên giải pháp tạm thời là chồng nghỉ một buổi, vợ một buổi thay nhau ở nhà trông con”.

Chị Nguyễn Thị Giang (Đức Long, Đức Thọ) thì nảy ra "sáng kiến": “hợp đồng” giữ trẻ với gia đình hàng xóm cũng có con nhỏ. Chị kể: “Nhà tôi có con nhỏ, nhà chị Ngọc hàng xóm cũng có con nhỏ, vợ chồng tôi dạy học buổi sáng còn chị Ngọc dạy buổi chiều. Chúng tôi thoả thuận, tôi trông trẻ buổi chiều, còn buổi sáng chị Ngọc lo việc này”.

Tuy nhiên, trông trẻ ở nhà cũng lắm "gian nan". Chị cho biết: "Giữ 2 trẻ cùng lúc cũng vất vả lắm. Trời rét có đốt bếp lửa trong nhà để sưởi nên phải luôn để ý, sợ các con bỏng. Ở trường học thì lại không có bếp sưởi, sợ không đảm bảo sức khoẻ cho các cháu".

“Trời rét nên không đưa các con đến trường, con ở nhà thì bố mẹ được gần gũi hơn, nhưng ”, chị Giang cho biết thêm.

“Hợp đồng” trông trẻ được các ông bố, bà mẹ xem như giải pháp tạm thời tốt nhất khi có con học mầm non đang tránh rét ở nhà mà không có người lớn. Nhưng đây là giải pháp chỉ thực hiện được khi những gia đình ở gần nhau và có mối quan hệ gần gũi; một sự hỗ trợ hai bên cùng có lợi. Đồng thời, việc "hợp đồng" trông trẻ đôi khi có thể ảnh hưởng quan hệ giữa các gia đình nên chưa nhiều người sử dụng.

( Theo Tin Tức )