Số bệnh nhi nhập viện tăng cao
Tại BV Nhi Trung ương, trong sáng 12-2, tại khu khám bệnh đông kín bệnh nhân, ước tính có trên 500 cháu tới khám, các dãy ghế ngồi chờ đã không còn chỗ trống. Ngoài một số bệnh nhi là người Hà Nội thì phần lớn ở các tỉnh như Thanh Hóa, Phú Thọ, Yên Bái. Ngay trước cửa Phòng khám số 1, chị Nguyễn Thị Thúy ở Bắc Giang đang ôm trên tay đứa con chưa đầy 1 tuổi, sầu não cho biết: Trong vòng một tháng qua, đây là lần thứ 2, chị phải đưa con lên BV Nhi để chữa bệnh. Lần trước, cháu đã phải nằm viện mất 4 ngày để điều trị viêm phổi do bị nhiễm lạnh. Và lần này, theo chẩn đoán ban đầu của cơ sở y tế ở địa phương, cháu lại bị tái phát viêm phổi. Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương không giấu nổi sự lo lắng khi thời tiết rét đậm tiếp tục kéo dài. BS Lộc cho biết, gần một tháng qua, kể cả những ngày nghỉ tết, các khoa hô hấp, truyền nhiễm và tiêu hóa của BV luôn ở trong tình trạng quá tải kéo dài, nhất là ở khoa hô hấp các giường bệnh đều phải ghép 2-3 cháu bị viêm phổi, hen và viêm phế quản cấp. Tính trung bình trong những ngày vừa qua, bệnh viện phải tiếp nhận khám và cấp cứu trên 600 ca, cá biệt có những ngày lên tới 1.000 trường hợp. BS Lộc cũng cho biết, cách tốt nhất để hạn chế trẻ bị bệnh trong những ngày thời tiết quá lạnh là các bậc phụ huynh phải chủ động giữ ấm, bên cạnh đó đảm bảo tốt vệ sinh cá nhân, thực phẩm cho trẻ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.
Cùng với trẻ nhỏ nhập viện, cũng có khá nhiều người già phải đi viện do thời tiết quá lạnh. Theo TS Phạm Thắng, Giám đốc Viện Lão khoa quốc gia cho biết, giường bệnh tại các khoa tim mạch, xương khớp và hô hấp cũng đã không còn chỗ trống. Trong đó, đáng chú ý có nhiều người già bị tai biến mạch máu não do dậy sớm tập thể dục. Ngoài ra, tại Viện Bỏng quốc gia trong những ngày tết vừa qua do thời tiết rét đậm cũng đã phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng nhập viện khi sưởi ấm. Các trường hợp nhập viện chủ yếu là người già và một số trẻ nhỏ bị bỏng do bất cẩn khi dùng máy sưởi và bếp than để sưởi ấm. Đặc biệt, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tính từ đầu đợt rét tới nay đã phải tiếp nhận tới 14 bệnh nhân bị hôn mê do ngộ độc khí CO2 khi dùng than sưởi ấm trong phòng kín, trong đó có 2 người đã tử vong. Thời tiết rét đậm kéo dài cũng khiến cho khá nhiều người già tử vong. Theo Ban quản lý Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội từ đêm 30 Tết đến nay, tại đây đã tiếp nhận khoảng 100 người chết. Trong đó, chỉ tính riêng ngày 12-2, có gần 30 người, còn điển hình ngày 30 Tết có đến 50 trường hợp. Trâu bò, mạ non chết hàng loạt Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thời gian qua hầu hết các địa phương phía Bắc đã phải gieo lại mạ lúa chiêm do rét đậm, rét hại khiến mạ bị chết. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn... đã xuất hiện trâu bò ốm và chết do rét đậm. Đàn gia súc bị chết do giá rét cũng đã lên tới hàng ngàn con và vẫn tiếp tục tăng do thời tiết chưa có dấu hiệu ấm lên. Tại tỉnh Yên Bái đã có hơn 700 gia súc (chủ yếu là bê, nghé) chết rét; Bắc Giang 300 con, Bắc Kạn 100 con... Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, do ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện tốt công tác phòng chống rét cho trâu bò nên đã hạn chế được thiệt hại, tính đến hết ngày 12-2 chỉ có 7 con trâu bị chết rét. Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc gia cầm; không nên thả vào thời điểm khi nhiệt độ xuống dưới 12°C và đưa về chuồng trước 17 giờ. Các địa phương bị ảnh hưởng của rét, phải che phủ 100% diện tích mạ, bón thêm phân lân, tro bếp, giữ ruộng mạ đủ ẩm để chống rét cho mạ, không gieo mạ, cấy lúa vào những ngày nhiệt độ, không khí xuống dưới 15°C; tuyệt đối không để ruộng khô hạn và không bón thúc đạm trong những ngày trời rét. Một số nơi rét đậm, có thể đốt đồng giữ ấm bằng trấu cho mạ. Kiên quyết không cấy mạ già, nếu đến thời điểm cấy, nhưng do thời tiết lạnh không cấy được, cần gieo ngay đợt mạ khác thay thế. ( Theo SGGP ) |