Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cần hướng dẫn cách cầm bút cho trẻ em


Năm 2001, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) ra quyết định trở lại kiểu chữ viết truyền thống, đủ cả nét cứng, nét mềm. Quyết định này đã được cả xã hội đón nhận nhiệt liệt. Cũng từ đây, phong trào “Luyện nét chữ, rèn nết người” nở rộ hơn bao giờ hết. Nhiều cuộc thi chữ đẹp từ cấp độ nhỏ ở lớp, trường đến quy mô lớn ở quốc gia diễn ra liên tục, tưng bừng.

Năm 2007, có cuộc thi Viết chữ đẹp do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức thành công tốt đẹp. Năm nay, đang có cuộc thi “Chữ Việt đẹp” sẽ được tổ chức thường niên do Báo Công an Nhân dân phối hợp với Bộ GD & ĐT phát động và thu hút rất nhiều đối tượng tham gia.

Rất nhiều “Lò luyện chữ” do những người tâm huyết với nghề hướng dẫn đua nhau nở rộ, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết gánh nặng “Chữ xấu” cho ngành Giáo dục.

Các phong trào đó chứng tỏ xã hội ngày càng có nhiều người quan tâm và ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn chữ rèn người ngay cả khi sử dụng máy vi tính thay viết tay đã rất phát triển.

Hòa trong niềm vui đó, tôi một cô giáo chuyên tâm vào việc luyện chữ đẹp cho mọi người, còn nỗi trăn trở: cách cầm bút của học sinh. Học sinh của ta nhiều em cầm bút sai quy cách. Việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tốc độ viết chữ.

Đành rằng, trang đầu tiên của mỗi quyển vở tập viết của các em nhỏ đều có in sẵn"Tư thế ngồi và cách cầm bút" cho học sinh và giáo viên làm theo. Thế nhưng sao vẫn cứ có quá nhiều em cầm bút sai? Giáo viên cấp trên bảo “Do từ cấp Tiểu học”(!). Lạ thay cả giáo viên Tiểu học cũng nói “Do từ dưới Mầm non”(!).

Sự thực thế nào? Qua khảo sát tôi thấy: ở lớp học của tôi - từ chuẩn bị vào lớp 1 (6 tuổi) đến cụ già 60 tuổi thì các học viên là học sinh, sinh viên có năm sinh từ 1986 trở lại đây cầm bút sai quy cách nhiều nhất.

Ngược trở lại thời điểm 1986 là năm xóa bỏ bao cấp, đời sống kinh tế cựa mình tăng trưởng. Vì vậy việc đầu tư cho con em nhiều hơn. Đương nhiên rồi. Các em được đưa đến lớp Mầm non thay vì đến thẳng lớp Vỡ lòng.

Các em được vui chơi, hát múa... được cả vẽ tranh! Các “họa sĩ” nhí này thường cầm chì màu, thỏi màu để vẽ giống cách của các họa sĩ thực thụ khi vẽ trên giá vẽ: cầm bằng cả bàn tay, chụm lại.

Trao đổi thêm với các họa sĩ, tôi được biết: Nếu thỏi màu còn dài, các em có thể cầm bằng 3 ngón tay (như quy cách cầm bút viết chữ) nhưng khi thỏi màu đã bị mòn vẹt rồi thì đương nhiên các em cầm chụm cả bàn tay lại. Lâu ngày thành quen; để lại thói quen có thể là vĩnh viễn về cách cầm bút viết từ nay về sau.

Cực chẳng đã, “đan đi không tày dặm lại”, sửa thói quen không phải ai cũng sửa được, kể cả người lớn thậm chí cả giáo viên đi học lớp luyện chữ của tôi vẫn cầm sai bút viết.

Thế nên, tôi thiết nghĩ, thay vì phàn nàn, đổ lỗi cho nhau, chúng ta hãy nhờ Bộ GD & ĐT có một văn bản dành cho Vụ Mầm non về việc hướng dẫn cách cầm các dụng cụ cho các bé.

Các bé cần phải phân biệt cách cầm đũa, cầm thìa, dĩa, cầm bát ăn cơm, cốc uống nước, cầm bút, thỏi màu để vẽ và cả cầm bút để viết chữ sau này thì hay biết bao!

Chứ không phải đợi đến khi lên Tiểu học mới “chữa cháy”; “Mất bò mới lo làm chuồng” hay “Nước đến chân mới nhảy” như từ trước tới nay!

Tôi thiết mong, điều mà tôi trăn trở này được Bộ GD & ĐT và nhiều người quan tâm ủng hộ, để phong trào viết chữ đẹp ngày càng đạt kết qủa tốt

( Theo ANTG )