Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ khó bảo


Bình Nguyên, 12 tuổi, nhà tại TP Biên Hòa, là con trai thứ hai của gia đình có bố là nhân viên kinh doanh, mẹ là nhân viên nhà nước. Bé hay phá bĩnh, ức hiếp những trẻ khác và thường đánh nhau, ăn cắp vặt, trốn học.

Mọi người trong nhà thường than phiền về bé Bình Nguyên và cho rằng bé là đứa bất trị, khó dạy. Khi đến trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em, bé được chẩn đoán là một ca rối loạn hành vi. Bé được đưa vào một tiến trình trị liệu tâm lý tại trung tâm với sự tham gia của cả gia đình. Chỉ trong vòng hai tháng với mười phiên trị liệu, tình trạng của bé đã ổn định, bé trở thành một trẻ ngoan, biết nghe lời và biết giúp mẹ những việc nhà bé có thể làm được.

Bé T.H., học lớp 2, nhà ở TP.HCM, là một cậu bé mà cha mẹ và thầy cô thừa nhận là đứa trẻ khó chịu. Bé chẳng bao giờ ngồi yên một chỗ trong lớp lấy một phút, lúc nào cũng ngọ nguậy, hay nói leo và muốn nói lúc nào là nói chứ chẳng xin phép. Bé làm cho mọi người mệt mỏi. Bé được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý, một trạng thái của rối loạn hành vi tự động và cần các chuyên gia tâm thần, tâm lý can thiệp.

Nguyên nhân

Những trường hợp nêu trên được gọi chung là trẻ ngỗ nghịch, khó bảo. Trẻ ngỗ nghịch là do sự ảnh hưởng từ yếu tố gia đình, nhà trường và môi trường xung quanh trẻ. Những trẻ ngỗ nghịch thường là những trẻ trong gia đình thiếu tình yêu thương trọn vẹn, những gia đình khiếm khuyết hoặc gia đình thiếu kỷ cương, các thành viên đối xử không bình đẳng hoặc thiếu tử tế với nhau...

Ba tháng sửa tính

Bé Hoàng Tuấn, 7 tuổi, nhà ở Bình Dương là trẻ hiếu động, quậy phá, thường đánh nhau với bạn đồng lứa, không tuân lời thầy cô cũng như cha mẹ, lì đòn, bướng bỉnh và hay nói dối. Cha mẹ bé rất buồn phiền, cho rằng chị gái của bé 12 tuổi rất ngoan và học giỏi, còn bé thì quá hư và khó dạy.

Mọi người trong gia đình rất vất vả với bé Hoàng Tuấn, cha mẹ bé lo lắng về tình trạng của bé và cho rằng bé không thể uốn nắn được. Các chuyên viên tham vấn đánh giá bé mắc chứng rối loạn có tính chất đối kháng và để bé tham gia một tiến trình trị liệu hệ thống và các kỹ thuật tham vấn tâm lý tại trung tâm. Trong ba tháng, bé đã ổn định hành vi, biết nghe lời, chịu học và thích tham gia vẽ tranh và các trò chơi vận động.

Bên cạnh đó, ở lứa tuổi trẻ em và thiếu niên, tâm sinh lý đang phát triển một cách mạnh mẽ, trẻ có xu hướng bắt chước và đến tuổi dậy thì nhu cầu khẳng định cái tôi là rất lớn. Do đó, nếu trẻ sinh hoạt trong một nhóm bạn hư, tham gia các hoạt động mang hình ảnh xấu thì điều đó cũng tác động rất lớn đến nhân cách trẻ.

Bên cạnh những nguyên nhân về mặt xã hội và sự phát triển nhân cách, theo các nhà tâm thần học, có đến 15-25% trẻ trong độ tuổi mắc các chứng rối loạn tâm thần và sau đó chuyển thành các thể chống đối xã hội. Điều đó lý giải rằng một số trẻ ngỗ nghịch không phải do bản chất xã hội của trẻ, mà do trẻ mắc một số biểu hiện của rối loạn tâm thần, đặc biệt là các rối loạn về hành vi và cảm xúc.

Làm gương

Để ngăn ngừa trẻ trở thành khó bảo, chúng tôi có mấy đề nghị sau đây.Trước tiên, phụ huynh tạo điều kiện cho trẻ có xu thế phát triển một cách toàn diện. Trẻ được phát triển về cảm xúc phải đồng hành với phát triển về trí tuệ, động cơ... Khi trẻ phát triển về vận động cũng có nghĩa tạo điều kiện cho trẻ phát triển về tư duy, tình cảm và niềm tin. Tạo cho trẻ có sự tương quan trong quan hệ với trường học, cộng đồng dân cư, gia đình, họ hàng. Khi yêu cầu trẻ tập trung học thì cũng cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, âm nhạc...

Cha mẹ là những người bạn thật sự của trẻ, giúp trẻ biểu lộ cảm xúc một cách thoải mái và hoàn thiện. Luôn lắng nghe và chia sẻ với trẻ những lúc trẻ gặp khó khăn cũng như những thất bại và thành công. Điều đó giúp trẻ có một chỗ dựa vững chắc về mặt tình cảm và tạo cảm hứng cho trẻ phát huy hết mọi nguồn lực của mình. Bên cạnh, phải có một kỷ luật khi trẻ mắc lỗi và khen thưởng khi trẻ có thành tích.

Làm gương và có nguyên tắc sinh hoạt gia đình là những điều cực kỳ quan trọng trong quá trình giáo dục và phát triển đời sống tâm lý cho trẻ. Trẻ sẽ ngoan và phát triển tốt khi gia đình luôn ổn định và có sự chia sẻ, yêu thương.

Cuối cùng khi trẻ có những biểu hiện của sự ngỗ nghịch, ương bướng hoặc có những triệu chứng như hay cáu gắt, xa lánh mọi người, hay căng thẳng, tỏ ra bất cần..., các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đến các trung tâm tham vấn tâm lý để được giúp đỡ.

LÊ MINH CÔNG
BV Tâm thần trung ương 2