Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bi kịch vì phát hiện dị tật thai nhi quá muộn


Thai đã 33 tuần, chị Nhung mới biết bé bị não úng thủy. Chị đau khổ tột cùng bởi nếu sinh ra, bé sẽ không thể phát triển, tứ chi liệt; còn bỏ con thì không đành vì thai đã quá lớn, sắp đến ngày chào đời.

Ngoài hành lang của Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều thai phụ và thân nhân nhấp nhổm chờ tiếng gọi của bác sĩ. Không biết lần này bác sĩ kết luận về dị tật của con họ thế nào? Nên giữ em bé lại hay đình chỉ thai sớm? Quyết định nào cũng làm bệnh nhân phải đau khổ và khó lựa chọn bởi trong nhiều trường hợp, thai nhi đã quá lớn.

Trường hợp chị Nhung (Yên Bái) là một ví dụ. Khi siêu âm phát hiện em bé trong bụng bị não úng thủy thì chỉ vài tuần nữa là đến ngày chị sinh. Suy nghĩ mãi, chị Nhung nghẹn giọng nói với bác sĩ: “Nếu em sinh cháu ra thì chúng em khổ một, con em khổ mười. Ông bà nội ngoại và gia đình em cũng đã tính thôi số cháu nó vậy, mong bác sĩ giúp chúng em cho đình chỉ thai sớm”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc đình chỉ thai cũng rất khó khăn. Bác sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, giải thích: Để đình chỉ thai, các bác sĩ có thể cho gây chuyển dạ sớm. Nhưng có thể xảy ra hai tình huống. Một là em bé vẫn sống, gia đình buộc phải đưa về nhà nuôi và chăm sóc. Hai là việc đình chỉ thai thất bại, quá trình chuyển dạ không diễn ra bình thường, cổ tử cung không mở, nguy cơ vỡ ối, nhiễm trùng rất cao.

Đây chỉ là một trong hàng chục ca cần phải tư vấn mỗi ngày tại trung tâm. Mỗi cặp vợ chồng đến đây với những nỗi buồn khác nhau vì dị tật của em bé. Cháu thì bị dị tật về tim, cháu không có sọ, cháu chậm phát triển trong tử cung, cháu bị phổi tuyến nang bên phải... Tất cả những bệnh này đều ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé sau khi chào đời. Có những trường hợp trẻ phải sống thực vật suốt đời.

Phát hiện dị tật sớm để giảm bớt gánh nặng

Theo bác sĩ Trần Danh Cường, việc phát hiện dị tật thai sớm không chỉ giảm bớt nỗi đau cho gia đình mà còn làm đỡ gánh nặng cho ngành y tế. Nếu phát hiện dị tật thai nhi từ tuần thứ 12, các can thiệp sẽ đơn giản hơn, chỉ như nạo hút thai thông thường. Thai càng lớn thì khả năng can thiệp càng giảm, nguy cơ tai biến tăng, nhất là với thai nhi đã trên 28 tuần tuổi. Nếu xảy ra tai biến, các bà mẹ sẽ khó khăn trong những lần mang thai sau.

Bác sĩ Cường cho biết, một số nước trên thế giới có những điều luật quy định rõ ràng việc ứng xử sau can thiệp đình chỉ thai, như làm thai bị dị tật chết như thế nào, bằng cách nào. Còn ở Việt Nam chưa có một điều luật nào quy định. Chính vì thế, một em bé không may bị dị tật chào đời sẽ là gánh nặng vật chất và tinh thần cho gia đình, lại có nhiều nguy cơ bị bỏ rơi.

Vì vậy, các bà mẹ mang thai cần đi khám thai đúng định kỳ, đồng thời bắt đầu khám sàng lọc trước sinh từ khi thai 12 tuần.

Nguồn: Sức Khoẻ & Đời Sống