Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thiên đường nào cho con?


Hàng loạt trường hợp giáo dục phản sư phạm như vừa qua đã khơi dậy nhiều vấn đề buộc chúng ta phải quan tâm. Trong đó có sự lựa chọn và vai trò giám sát của phụ huynh đối với môi trường học đường của con. Trẻ sẽ hạnh phúc khi sống trong tình yêu thương từ gia đình và nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đưa ra một số lưu ý quan trọng:

Cần quan sát thật kỹ vị trí ngôi trường, cơ sở vật chất lớp học, khuôn viên trường và môi trường xung quanh. Tất cả phải đảm bảo không gây nguy hiểm khi trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi, vận động.

Chẳng hạn, phòng học phải thông thoáng. Diện tích sinh hoạt quy định là 1,5 - 2m2/trẻ. Các chấn song cửa sổ phải đảm bảo an toàn cho các bé. Ngoài ra, dây điện, ổ cắm phải được bố trí xa tầm tay trẻ. Cần trải thảm gai nhựa chống trơn trượt trong nhà vệ sinh. Ban công, hành lang phải có chấn song dọc...
Môi trường xung quanh phải đảm bảo không gây nguy hiểm khi trẻ vui chơi, sinh hoạt và vận động (Ảnh minh họa)

Khi trẻ được xếp lớp, quyền lợi và nghĩa vụ của các bậc phụ huynh là tìm hiểu kỹ về bằng cấp chuyên môn, tính cách, đạo đức... của cô giáo, bảo mẫu sẽ phụ trách lớp con mình.

Phụ huynh có quyền yêu cầu ban giám hiệu thông báo năng lực chuyên môn, lý lịch, nhân thân của giáo viên. Bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin về cô giáo bằng cách trò chuyện trực tiếp nhưng cần khéo léo, tế nhị.

Phụ huynh có thể cho bé đi học thử: Mỗi ngày, nên đưa con đến lớp khoảng 1 tiếng để làm quen với cô giáo, bạn mới, những trò chơi và học cách sinh hoạt chung... Nếu bé thích ứng được, bạn mới đăng ký cho con học lâu dài.

Một điều rất quan trọng đối với các bậc phụ huynh là phải điền đầy đủ thông tin vào bảng điều tra tâm sinh lý trẻ. Đây là quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, được áp dụng với trẻ dưới 36 tháng tuổi. Hiện nay, không ít phụ huynh lơ là việc này.

Thông tin chi tiết, cẩn thận sẽ là hồ sơ quan trọng để nhà trường chăm sóc bé an toàn và tốt hơn. Đặc biệt, nên cung cấp tiền sử bệnh tật của bé, nhất là các bệnh tim mạch, bệnh mãn tính (hen suyễn, tiêu hóa, dị ứng...). Bên cạnh đó, bạn cũng cần nêu rõ những thói quen, sở thích của bé.

Nếu những điều gây ảnh hưởng đến trẻ có nguyên nhân từ tính cách, đạo đức của cô giáo, bảo mẫu, phụ huynh nên yêu cầu nhà trường có biện pháp xử lý. Hãy đề nghị chuyển bé qua lớp khác hoặc đổi cô giáo.

Cha mẹ, đặc biệt là mẹ, phải là người tin cậy nhất để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ. Vì thế, dù cuộc sống có bận rộn, khó khăn đến đâu, cha mẹ cũng phải dành thời gian để trò chuyện, vui chơi với con.

Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể quan sát và phát hiện ngay những bất thường về tâm lý ở trẻ. Nếu điều đó xảy ra, cha mẹ phải quan tâm, tìm hiểu và bình tĩnh giải quyết theo chiều hướng tích cực, ưu tiên có lợi cho trẻ.

Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực về lòng nhân ái, yêu thương và vị tha. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm ngay chính trong gia đình mình vì bố mẹ mâu thuẫn, không quan tâm đến con hoặc dạy con không đúng cách.

( Theo Tin Tức )