Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giải bài toán quá tải ở trường mầm non


 
Giờ chơi của HS trường mầm non Vàng Anh - Ảnh: H.HG

TPHCM đang thiếu chỗ học dành cho trẻ mầm non (MN) một cách trầm trọng, nhất là những quận, huyện có số dân nhập cư tăng nhanh.

Một minh chứng dễ thấy nhất là việc xuất hiện của hàng loạt các nhóm trẻ gia đình không đạt tiêu chuẩn tối thiểu nhưng phụ huynh vẫn tranh nhau xin gửi con.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, 2- 3 năm gần đây, tiến độ xây dựng trường học trên địa bàn TP chậm hơn nhiều so với những năm trước. Riêng việc xây dựng trường, lớp MN gần như “giậm chân tại chỗ” vì nhiều lí do.

Lí do lớn nhất là quyết định 161 của chính phủ (về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có định hướng: trường MN công lập chỉ xây dựng chủ yếu ở các xã khó khăn, miền núi, biên giới, …).

Theo ý kiến của các trưởng Phòng GD-ĐT, TPHCM nên áp dụng quyết định 161 một các linh hoạt bởi nhiều vùng đô thị thuộc TP nhưng dân cư rất nghèo (như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Q.8,…) vẫn rất cần xây trường công lập. Mỗi phường cần có ít nhất 1 trường MN công lập dành cho con em người nghèo.

Bên cạnh đó, TP cũng cần đẩy nhanh và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục ở bậc học này. Ông Trần Hữu Vĩnh - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân - địa phương vừa khánh thành 4 trường MN với hơn 1000 chỗ học, chia sẻ kinh nghiệm: “Trong số 4 trường, duy nhất 1 trường được xây bằng kinh phí nhà nước, còn lại 2 trường xây bằng kinh phí của các dự án dân cư mới, 1 trường xây bằng kinh phí của Khu công nghiệp Tân Tạo. Đặt ra yêu cầu các khu dân cư mới, khu chế xuất, khu công nghiệp phải có trường mầm non cũng là một cách xã hội hóa giáo dục”.

Xã hội hóa bằng vốn kích cầu

Khu đất 1600 m2 nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Trãi - sau một thời gian dài bỏ trống, UBND Q.5, TPHCM đã thống nhất cho xây dựng trừơng MN. Với kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy học 4,1 tỷ đồng (vay từ Quỹ đầu tư phát triển đô thị TPHCM), Trường MN Vàng Anh được khánh thành vào học kì 2 năm học 2001 -2002 và hoạt động theo cơ chế tự thu tự chi (bán công).

Những ngày chiêu sinh, nhiều phụ huynh đã lên gặp trực tiếp ban giám hiệu trường, dọa “Sẽ đi kiện".

Tại sao nhà trường đặt ra nhiều khỏan thu như thế?Học phí cao hơn trường công gấp 4 - 5 lần (học phí trường MN bán công: 200 ngàn /tháng/HS mẫu giáo, 250 ngàn đồng/tháng/HS nhà trẻ; hệ công lập chỉ 40 ngàn - 50 ngàn đồng/tháng/HS); cơ sở vật chất: trường công chỉ thu 30 ngàn đồng/năm thì Vàng Anh thu từ 500 ngàn - 600 ngàn/HS /năm. Đã vậy, còn thêm khoản tiền xây dựng trường (còn gọi là tiền kích cầu): 100 ngàn đồng/tháng/HS”.

Ngày đầu tiên họp phụ huynh HS, sau khi hiểu được rằng những khỏan thu trên hoàn toàn hợp pháp theo qui định của Sở GD-ĐT TP, nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc về khoản tiền kích cầu: “Chúng tôi sẽ đóng góp để nhà trường trả số vốn 4,1 tỷ cho nhà nước. Vậy sau khi trả nợ xong, chúng tôi phải được chia lợi nhuận từ nhà trường chứ?” hoặc: “Làm như thế này xem như nhà nước “khoán trắng” cho người dân. Chúng tôi là cán bộ - công chức, đã cống hiến bao nhiêu năm bây giờ cho con đi học lại cống hiến nữa sao”,…

Cuối cùng 250 phụ huynh cũng đã đồng ý đăng kí cho con em mình học ở Vàng Anh mặc dù ngay trên địa bàn phường 2, Q.5 lúc ấy đã có 2 trường MN công lập. Chưa kể chỉ cách đó vài bước có đến 3 trường MN công lập 20/10, Hoạ Mi 1, Họa Mi 2 với bề dày thành tích và uy tín từ nhiều năm trước. Lạ hơn nữa, sau một học kì, số HS ở Vàng Anh đã tăng lên 700 em - một con số ngoài sức tưởng tượng của nhà trường.

Đến nay, sau 5 năm hoạt động, Vàng Anh đã hoàn vốn cho nhà nước trước thời hạn 3 năm (theo đề án xây dựng trường, Vàng Anh sẽ trả vốn trong 8 năm). Và bắt đầu từ tháng 10-2007 này phụ huynh trường Vàng Anh sẽ không phải đóng khoản tiền kích cầu 100 ngàn đồng/tháng nữa.

Biết được tin này, anh T.Hưng - phụ huynh có con học lớp nhà trẻ ở Vàng Anh - hồ hởi: “Vui quá! Mấy năm trước, đứa con gái lớn của tôi học ở đây, bây giờ đến đứa nhỏ học thì không phải đóng tiền kích cầu nữa. Sau nhiều năm chúng tôi “gánh vác” , bây giờ đã có 1 công trình phúc lợi dành cho con em nhân dân TP…”.

Kinh nghiệm của một mô hình

Ở khu vực phường 2, phường 3, Q.5 có nhiều trường MN công lập nổi tiếng, vậy tại sao một trường mới toanh như Vàng Anh, thu tiền cao hơn công lập gấp nhiều lần - vẫn tuyển được HS? Theo giải thích của cô Vũ Thị Xuân Liên - hiệu trưởng Trường Vàng Anh: “Trường nằm ngay ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ: phụ huynh từ Q.1, Q.8, Q.5, Q.6 đều thuận tiện khi đưa đón con; Phòng ốc thì rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi, có sân chơi đẹp, có hồ bơi, có phòng thể dục, phòng âm nhạc… Nhưng đó mới chỉ là những yếu tố ban đầu. Chúng tôi hiểu rất rõ rằng: sĩ số HS quyết định sự sống còn của trường; muốn giữ HS phải nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục”.

Hồi ấy, Phòng GD - ĐT Q.5 đã ưu ái đưa về cho Vàng Anh một số giáo viên giỏi cấp quận và nhân sự phụ trách ban giám hiệu là những cán bộ quản lí nhiều kinh nghiệm. Hàng loạt những biện pháp được nhà trường đưa ra nhằm tạo điều kiện cho HS phát triển tốt hơn: phụ huynh có thể đưa con và đón con trễ hơn giờ qui định, buổi trưa nóng nực trước khi đi ngủ HS sẽ được tắm mát để ngủ ngon hơn, mỗi lớp có từ 2-3 giáo viên và 1 nhân viên vệ sinh (giáo viên sẽ không nhúng tay vào việc cho trẻ đi vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh cho các cháu, chuyên tâm cho việc giảng dạy và chăm sóc HS), đặc biệt giáo viên không được đánh trẻ;...

Theo đánh giá Sở GD-ĐT TPHCM, Vàng Anh là một trong những ngôi trường thực hiện xã hội hóa thành công. Không chỉ trả nợ trước thời hạn, Vàng Anh còn tạo được uy tín đối với PHHS khi vào đầu mỗi năm học, áp lực về tuyển sinh rất lớn (trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia).

Hơn nữa, nếu tính tóan một cách chi li: mỗi HS ở Vàng Anh sẽ phải đóng gần 600 ngàn đồng/tháng : học phí: 250 ngàn đồng/tháng; vệ sinh phí: 10 ngàn đồng/tháng; tiền xây dựng trường: 100 ngàn đồng/tháng, tiền ăn 8000 đồng/ngày * 22 ngày/tháng (mức này được tính khi nhà trường chưa trả hết nợ kích cầu) - chỉ bằng mức học phí ở trường mầm non tư thục lọai thường thường bậc trung.

( Theo Tuổi Trẻ )