Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi trẻ em: Hiểm nguy rình rập


Chưa nói cao xa đến việc hình thành nhân cách của trẻ, nhiều loại đồ chơi trên thị trường hiện nay rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Mua mối nguy Bé Su Su, 3 tuổi, nhà ở đường Phạm Thế Hiển (quận 8), mùng 1 Tết vừa nhận được tiền lì xì xong bé đã nằng nặc đòi ba, mẹ chở ra ngay đầu ngõ mua con đại bàng của siêu nhân Gao như phim đã xem. Con đại bàng làm bằng nhựa cứng, người bán giới thiệu là hàng Trung Quốc, giá 75.000 đồng. Khi lắp ghép các bộ phận với nhau, nó trở thành một mối nguy mà người nhà Su Su lo ngại. Người cô của bé nói: ''Đồ chơi gì toàn góc cạnh, cứ múa một cái là thấy sợ, lỡ ai đứng gần chắc là bị thương trong khi tụi con nít thì hay chạy nhảy lung tung''. Bà ngoại của bé Su Su nói: ''Nếu tôi không canh chừng kỹ thì chắc chắn những cái cạnh nhọn bằng nhựa cứng sẽ làm cho cháu tôi bị trầy xước''. Bác sĩ Võ Lâm Quang, công tác tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng, cho biết: ''Tôi không nhớ mình đã gặp biết bao nhiêu trường hợp các em bé sử dụng đồ chơi có tính sát thương, nhẹ thì trầy xước, nặng thì chấn thương giác mạc''. Trong khi đó, những món đồ chơi được coi là ''thời thượng'', gây sức hút mạnh cho trẻ trong thời gian này nhất lại là những món có nguy cơ kém an toàn nhất và dễ kiếm nhất. Từ đầu ngõ đến cổng trường, qua cửa hàng, trung tâm thương mại đâu dâu trẻ cũng có thể kiếm được dễ dàng: kiếm, súng, mác hay đao... Giá của những món đồ chơi này không phải rẻ, càng có kích thước lớn, nhiều chi tiết, góc cạnh, giá càng mắc. Và trẻ em cũng như người lớn, cũng cạnh tranh ''vị trí'' của nhau trong nhóm bằng việc sở hữu món đồ chơi hàng ''độc'' của mình. Chính điều đó đã tạo ra phong trào chơi đồ chơi và có sự di chuyển của nó từ phố xuống phường, len vào từng căn nhà. Nguy hiểm hơn là gần đây, ''phong trào'' chơi đèn chiếu laser đang rộ ở các khu vực vùng xa như quận 8, Hóc Môn, Bình Chánh... Một năm trước đây, trò chơi này đã là ''thời thượng'' của con nít các quận nội thành khi nhiều trẻ em chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng là đã có trong tay cây đèn để bấm ra ánh sáng đỏ chĩa vào nhau. Quá ít đồ chơi mang tính giáo dục Nhiều phụ huynh bộc bạch mối lo chung: Tôi ít cơ hội chọn đồ chơi cho con vì thiếu hàng và thực tế, do chiều con nên khi mua, bé là người quyết định nhất. Thực tế, để mua được đồ chơi mang tính giáo dục trẻ chỉ có thể đến một vài cửa hàng chuyên hay tìm len lỏi một phần nhỏ trong cả rừng món đồ chơi bạo lực xung quanh một cửa hàng. Mặt khác, đồ chơi mang tính giáo dục lại ít tạo sức thu hút do không kích thích được nhu cầu mua sắm của bé do vẫn còn xa với những hình ảnh quen thuộc trong phim hoạt hình bé xem, xa với phong trào chơi các món đồ chơi của bạn bè xung quanh. Trong khi đó, do đa số các món đồ chơi đều không rõ nguồn gốc và xuất xứ cho nên khi xảy ra sự cố người tiêu dùng không biết phải dựa vào ai để xử lý. Ngoài ra, thông tin trên sản phẩm đồ chơi quá ít nên phụ huynh muốn kiểm tra hay chọn lựa trước khi mua cũng khó khăn. Như trường hợp của chiếc đèn chiếu laser hiện đang phổ biến ở các vùng sâu. Đã có thời gian nhiều bậc phụ huynh lên tiếng về tác hại của nó, nhưng trên thực tế chiếc đèn chiếu này vẫn tiếp tục ''đi chơi'' về tỉnh và trẻ em vẫn thích thản nhiên mua sắm. T.Dy (SGTT)