Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non ở Hàn Quốc: Khi người lớn cũng... đi nhà trẻ!


 

 
Phụ huynh của trẻ là người nước ngoài đang học trò chơi Hàn Quốc để chơi với trẻ - Ảnh: T.Huyền

"Chúng ta ghi nhận rằng môi trường giáo dục đầu đời đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng nền tảng phát triển tổng thể của con người. Do vậy, giáo dục mầm non rất quan trọng cho từng cá nhân lẫn cả một dân tộc... Với ý nghĩa ấy, giáo dục mầm non có thể được coi là lĩnh vực cần đầu tư tốt nhất".

Đó là lời mở đầu trong kế hoạch quốc gia về "Đổi mới hệ thống giáo dục mầm non" từ năm 1997 của Hàn Quốc. Tại quốc gia này, trách nhiệm chăm sóc trẻ nhỏ ngày càng được nhiều người chia sẻ hơn.

Không thu tiền hội phụ huynh

Con trai của chúng tôi theo ba mẹ đi học ở Seoul từ khi lên 3 tuổi. Sẵn định kiến về nhà trẻ tư, chúng tôi đăng ký cho cháu học ở nhà trẻ công. Nhưng sau này chúng tôi mới biết không có quá nhiều khác biệt về chất lượng và học phí giữa nhà trẻ tư hay công ở đây. Cho nên gần 80% số trẻ em Hàn Quốc học ở nhà trẻ tư. Hơn hai năm gửi con ở cả hai loại nhà trẻ, chúng tôi cảm nhận được sự yên tâm khi xa con bận việc hằng ngày. Nhà trẻ cũng dạy cho phụ huynh như chúng tôi biết bao điều thú vị.

Khái niệm "nhà trẻ” ở đây không chỉ là nơi nuôi dạy các em bé mà còn là nơi thể hiện rõ trách nhiệm và tình yêu của cả đại gia đình (ông bà, bố mẹ, anh chị em, họ hàng...) và xã hội đối với con trẻ. Cứ hai tháng một lần, cha mẹ các bé là người nước ngoài như chúng tôi được mời đến nhà trẻ để giao lưu. Các cô giáo dạy chúng tôi làm những món ăn Hàn Quốc thông thường mà trẻ thích. Chúng tôi cũng được tìm hiểu về văn hóa Hàn qua việc làm đồ chơi truyền thống, làm bánh mứt tết, chơi các trò chơi của bé... để có thể hướng dẫn con hòa nhập tốt hơn.

Nhà trẻ nhận nuôi trẻ từ 0 - 6 tuổi, trong khoảng 12 giờ/ngày, phù hợp với giờ làm việc của cha mẹ. Những bé có hoàn cảnh đặc biệt đều được ưu tiên, hỗ trợ tài chính như: con của bà mẹ đơn thân, bố mẹ ly hôn, gia đình thu nhập thấp, đông con... Chi phí nuôi dạy ở nhà trẻ tư do bố mẹ trẻ đóng hoàn toàn, trong khi nhà trẻ công thì phụ huynh chỉ phải đóng khoảng 66% chi phí, còn lại nhà nước lo. Trẻ càng lớn thì học phí càng giảm. Một phần lớn trẻ 5 tuổi được miễn học phí năm học trước khi vào tiểu học. Mặc dù vậy, việc chi phí cho con đi nhà trẻ vẫn bị xã hội than phiền là quá cao, hết khoảng 25 - 50% mức lương tối thiểu của một người lao động.

Hằng tháng, nhà trẻ lại thông báo về các lớp giáo dục ông bà, cha mẹ về nuôi dạy trẻ được tổ chức ở thư viện cộng đồng... Ai có điều kiện thì đi. Cứ đến mùa xuân và mùa thu, khi thời tiết đẹp, nhà trẻ lại tổ chức giao lưu giữa các gia đình học sinh. Các em bé và cả đại gia đình của mình, các cựu học sinh của nhà trẻ... đều được mời tham gia miễn phí, càng đông càng tốt và có rất nhiều giải thưởng. Có thể đó là một cuộc leo núi, những trò chơi như kéo co, thi chạy, thi khéo léo... Chúng tôi nói đùa rằng không chỉ có các bé mà người lớn cũng thích đi nhà trẻ và được nhà trẻ chăm lo.

Hằng tuần, chúng tôi đều nhận được một tờ thông báo nội dung học tập của tuần sau. Thực đơn ghi rõ món ăn và lượng calo cũng được gửi về trước cả tháng.

Không có ban phụ huynh, cũng không họp phụ huynh như ở nước mình. Cuối mỗi kỳ học, từng gia đình đăng ký để họp một buổi riêng với cô giáo phụ trách. Tất cả kết quả học tập cũng như các vấn đề của từng đứa trẻ được trao đổi cặn kẽ với bố mẹ chúng. Không thấy ai thu tiền quĩ hội phụ huynh và "đi tết" cô giáo bao giờ.

Sáu bộ cùng chăm sóc trẻ mầm non

Ở Hàn Quốc, các em bé nhận được sự chăm sóc rất lớn của xã hội. Nhà nước có đến sáu bộ cùng chăm lo cho giáo dục mầm non. Trong đó Bộ Gia đình và bình đẳng giới, Bộ Giáo dục và nguồn nhân lực nắm vai trò chủ chốt. Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Hành chính nhà nước và nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp và rừng thì liên đới về việc lập chính sách và luật pháp chăm sóc trẻ. Có cả hai viện nghiên cứu về giáo dục mầm non do nhà nước tài trợ.

Chính sách với trẻ mầm non được cải tiến liên tục, đặc biệt từ năm 1997, khi kế hoạch "Đổi mới hệ thống giáo dục mầm non" ra đời. Kế hoạch này được ghi nhận là có sự tham gia bàn thảo góp ý một cách "dày đặc" của công chúng. Năm 2005, Hàn Quốc có khoảng 4 triệu trẻ dưới 6 tuổi. Đầu tư cho giáo dục mầm non chiếm 0,16% GDP, trong đó nhà nước đóng góp 0,05% và tư nhân đóng góp 0,11%. Chi phí cho mầm non chiếm 2% tổng chi cho toàn hệ thống giáo dục.

Qui hoạch đô thị cho thấy cứ vài trăm mét lại có một nhà trẻ. Chẳng hạn trong bán kính khoảng 500m quanh khu nhà tôi sống có tới trên 10 nhà trẻ. Các nhà trẻ đều phải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép. Ngoài qui định về diện tích, trang thiết bị, họ bắt buộc phải có ít nhất một giáo viên có bằng giáo dục mầm non (từ ba đến bốn năm đào tạo) và những người nuôi giữ trẻ khác phải có ít nhất một năm được huấn luyện chuyên môn.

Tỉ lệ học sinh/ giáo viên bắt buộc tối thiểu là 3/1 đối với bé dưới 1 tuổi, 5/1 đối với lớp 1 tuổi, 7/1 đối với lớp 2 tuổi, 15/1 đối với lớp 3 tuổi, 20/1 đối với lớp 4-6 tuổi và những bé cần quan tâm đặc biệt (bệnh tật) thì tỉ lệ này là 5/1. Trên thực tế, số giáo viên/ học sinh lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, lớp học 5 tuổi của con trai tôi có hai giáo viên/ 20 học sinh. Hằng tháng, các nhà trẻ đều được thanh tra về mọi mặt từ giảng dạy, thiết bị, bếp ăn, vệ sinh... một cách nghiêm ngặt.

Điều đặc biệt là hệ thống giáo dục mầm non ở đây đưa cả những người không thuộc lứa tuổi mầm non vào nhóm đối tượng chăm sóc. "Giáo dục phụ mẫu" là một trong những chương trình như thế.

Tuy nhiên, trong nhiều báo cáo đánh giá giáo dục trước tiểu học do người Hàn thực hiện, các tác giả đều xem thành tích của ngành này một cách rất vừa phải. Họ chỉ ra vô khối điểm yếu kém mà Hàn Quốc phải vượt qua để không bị tụt lùi về xếp hạng trong giáo dục trẻ em so với các nước khác. Người dân ở xứ kim chi vẫn chưa hài lòng và tiếp tục đòi hỏi nhà nước và các tổ chức xã hội phải hỗ trợ nhiều hơn nữa để trẻ con được chăm sóc tốt hơn.

( Theo Tuổi Trẻ )