Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà: Phải có thêm trường mầm non công lập cho người nghèo


* Xây dựng trường mầm non (MN) công lập (CL) cho từng phường xã là yêu cầu bắt buộc

* Trường CL tốt cố gắng tự chủ tài chánh để dành ngân sách đầu tư cho khu vực khó khăn

* Bắt dân nghèo “gánh” hết, chất lượng không đảm bảo

* Sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo các quận huyện tìm các giải pháp giải quyết các khó khăn của giáo dục MN TPHCM. Đó là nội dung trao đổi của PV Báo SGGP với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà hôm 28-1.

 
Học sinh trường công được đầu tư nhiều đồ chơi, có sân chơi rộng. Ảnh: DOANH DOANH
- Thưa bà, qua loạt bài trên Báo SGGP “Giáo dục MN TPHCM” vừa qua, rõ ràng chất lượng chăm sóc trẻ ở nhiều cơ sở ngoài CL rất đáng báo động. Với cương vị là Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực văn hóa –xã hội của TP, nơi có cả ngàn cơ sở MN tư thục (TT) đang hoạt động, chắc hẳn bà cũng đang rất lo lắng?

Phó Chủ tịch UBND TP NGUYỄN THỊ THU HÀ: Tôi không những rất lo lắng mà còn trăn trở, băn khoăn, tìm cách để giải quyết vấn đề đang rất bức xúc này.

- Vâng, quả là rất bức xúc khi các cơ sở TT dù không an toàn cho trẻ nhưng nhiều năm nay, PHHS buộc lòng phải gửi con vào. Bà nghĩ sao trước ý kiến của dư luận xã hội cho rằng ngành GD - ĐT quản lý không xuể, chỉ xử phạt khi có chuyện đáng tiếc xảy ra. Và mức xử phạt chưa có tính răn đe? Phải chăng việc quản lý mầm non bị buông lỏng?

Cần phân biệt rõ khái niệm “cơ sở TT” bao gồm cả các trường TT và các nhóm lớp MN TT. Các trường TT đã được cấp phép, đã và đang hoạt động từ hơn 10 năm nay khá ổn định, nề nếp với điều kiện nuôi dạy trẻ tương đối tốt. Nhiều trường được đầu tư rất bài bản, hiện đại với kinh phí hàng tỷ đồng, chất lượng nuôi dạy bảo đảm, được phụ huynh tin cậy; chỉ có các nhóm lớp TT (được gọi là nhóm trẻ gia đình) do mức thu học phí thấp, không đủ điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp và hợp đồng với GV có chuyên môn thì mới không bảo đảm an toàn cho trẻ.

Ta phải phân biệt rõ điều đó để các cơ sở TT làm tốt yên tâm, phấn khởi, không bị hiểu lầm, gây phản cảm trong xã hội. Ngành GD - ĐT TPHCM đã luôn chủ động đề xuất và thực hiện các biện pháp nhằm một mặt vừa nâng chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ ở các cơ sở TT vừa bảo đảm có đủ chỗ gửi con cho phụ huynh như mở được 30 lớp cấp tốc, đào tạo GV, bảo mẫu, cấp dưỡng, chủ trường cho các cơ sở TT, hướng dẫn chuyên môn và kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở này chứ không chỉ xử phạt và đóng cửa. Nhờ vậy, có 217 trường tư và 765 nhóm trẻ đã ổn định và phát triển, nuôi dạy được hơn 130.000 trẻ các độ tuổi, chiếm 50% tổng số trẻ đi học.

Ta không nên phủ nhận công sức của CB-GV ngành GD nhiều năm nay trong việc giải quyết được rất nhiều chỗ học cho trẻ. Không chỉ vì một vài vụ việc mà gây mất niềm tin trong nhân dân đối với ngành học đầy khó khăn này.

- TP không thiếu tiền để đầu tư xây dựng trường lớp cho trẻ nhưng hiện còn 10 phường, xã không có trường MN CL. Vì sao giáo dục MN ở 10 phường, xã đó không được ưu tiên đầu tư?

Có thật, do những lý do khác nhau, đến nay còn 10 phường chưa có trường MN công lập thuộc về các quận 4, 6, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú. Sắp tới TP sẽ có chỉ thị cho các quận huyện trên, yêu cầu báo cáo cụ thể về vụ việc này và hướng giải quyết để xóa phường xã trắng về MN. Lãnh đạo quận huyện phải nhận thức rõ về việc xây dựng trường CL cho từng phường xã là yêu cầu bắt buộc để thực hiện Luật GD: mỗi đơn vị phường xã phải có ít nhất một trường MN CL.

- Những khó khăn trong giáo dục mầm non của TP tồn tại đã lâu như đồng lương thấp khiến giáo viên mầm non bỏ việc. Mặt khác, TPHCM có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước nên các cơ sở MN TT liên tục mở ra trong khi nhân sự quản lý, thanh tra, kiểm tra còn mỏng. Qua cuộc họp khẩn cấp mới đây của lãnh đạo UBND TP và Sở GD - ĐT TP, “hướng ra” giải quyết căn cơ cho ngành GD MN của TP đã có chưa thưa bà? Bà có thể cho biết cụ thể?

UBND TP đã làm việc với các sở, ngành liên quan để nghe các đề xuất của Sở GD - ĐT về các giải pháp đồng bộ và toàn diện để giải quyết căn cơ các khó khăn của giáo dục MN TPHCM. Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với lãnh đạo các quận huyện để bàn cách thực hiện cho được các vấn đề bức xúc trước mắt của ngành GD. Bằng các giải pháp tích cực, có tính khả thi, có thể giải quyết hiệu quả các khó khăn của GDMN TPHCM trong việc tăng chỗ học tốt cho trẻ, cải thiện đời sống GV và bảo đảm an toàn tính mạng của trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

- Như vậy, theo bà, TP sẽ giải quyết như thế nào mâu thuẫn giữa đòi hỏi của xã hội nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ với khả năng thực tế?

Trường CL của TPHCM hiện chỉ nuôi dạy được 50% số trẻ đi học, số còn lại học trong các cơ sở tư nhân. Điều đó cũng phù hợp với yêu cầu về xã hội hóa giáo dục. Vấn đề là phải có thêm trường CL cho người nghèo gửi con. Trường CL tốt cố gắng tự chủ tài chánh, tự hạch toán để hoạt động. Phụ huynh khá giả có thể gửi con vào trường CL tự chủ tài chánh, học phí cao song vẫn rẻ hơn rất nhiều so với trường tư thục có chất lượng tương đương. Từ đó có thể dành ngân sách đầu tư cho khu vực khó khăn, nhà trường có cơ hội tuyển thêm GV có nghiệp vụ tốt, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang bị thêm các phương tiện đảm bảo an toàn và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

- Thế nhưng Nghị quyết 05 về chủ trương xã hội hóa giáo dục “Đến năm 2010 phải có 80% trường mầm non ngoài CL” và Quyết định 161 của Chính phủ về việc không xây dựng các trường CL ở vùng kinh tế phát triển cũng sẽ được gỡ như thế nào?

Muốn thực hiện được điều đó phải hiểu một cách linh hoạt cụm từ về xã hội hóa GDMN, trong đó quy định “đại bộ phận GDMN” là phải xã hội hóa chứ không phải “tư nhân hóa”. Nuôi trẻ trong các trường công lập tự chủ tài chính cũng là xã hội hóa theo hướng tích cực. Nhà nước xây dựng trường lớp, phụ huynh đóng học phí để đảm bảo cho chất lượng hoạt động của nhà trường. Phụ huynh cùng nhà nước chăm lo tốt cho GDMN thì trẻ sẽ có cơ hội được chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn. Nếu đi theo hướng này thì chúng ta sẽ làm được xã hội hóa mà vẫn bảo đảm chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ. Trong điều kiện dân còn nghèo, bắt phụ huynh đóng học phí đủ cho cả tiền đất, tiền nhà, tiền lương GV, trang thiết bị… thì không khả thi và không thể có chất lượng đảm bảo.

- Chủ trương đã có nhưng thường chậm đi vào thực tế vì “vướng” cơ chế, nhận thức. Liệu lần này, trong quyết tâm chấn chỉnh các cơ sở MN TT, trong nỗ lực dành đất xây MN CL có rơi vào những khó khăn thông thường trên? Bà sẽ sử dụng “thượng phương bảo kiếm” nào để đảm bảo chủ trương được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới?


Không thể có “thượng phương bảo kiếm” duy nhất nào từ phía người lãnh đạo thành phố. Việc này đòi hỏi tâm huyết và trách nhiệm của rất nhiều người và một lộ trình được tính toán, chuẩn bị khoa học, có cơ sở thực tiễn, nghiêm túc của rất nhiều bộ phận. Chăm lo cho trẻ thơ là trách nhiệm chung của toàn xã hội. TPHCM vốn có truyền thống “dành những gì tốt nhất cho trẻ em”, hy vọng chúng ta sẽ tháo gỡ được từng việc một cách căn cơ và triệt để trong sự chỉ đạo đầy tâm huyết của Thành ủy, UBND TP và sự nỗ lực vượt khó của ngành giáo dục.

- Xin cảm ơn bà.

( Theo SGGP )