Hồi âm sau loạt bài “Giáo dục mầm non ở TPHCM”: Cần nhiều giải pháp căn cơ * Đề nghị xây thêm trường công lập; tăng lương cho giáo viên; tăng biên chế quản lý; hỗ trợ mỗi học sinh ngoài công lập 500.000 đồng/năm
Sau loạt bài “Giáo dục mầm non ở TPHCM” đăng trên SGGP ngày 26, 27 - 1, nhiều lãnh đạo ngành GD – ĐT và bạn đọc không chỉ đồng tình với cách đặt vấn đề của SGGP mà còn bày tỏ những ý kiến tâm huyết và nêu nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, hiến kế cho thành phố để nuôi dạy, chăm sóc và bảo vệ những “mầm non” tương lai đất nước tốt hơn. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM:
Xây thêm trường công, tăng mức hỗ trợ cho mầm non ngoài công lập Trước mắt, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị lãnh đạo các quận, huyện còn phường, xã “trắng” về giáo dục MN như quận 6, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, xây dựng đủ mỗi phường, xã ít nhất một trường công lập. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư phải xây trường MN và quy hoạch đất xây trường. Giáo viên (GV) MN hiện thiếu, không có đủ cho các trường công lập nên cần tăng chỉ tiêu đào tạo GV MN ở các trường sư phạm.
GV MN hiện làm việc 10 – 12 giờ/ngày, TP cần chăm lo đời sống GV để GV yêu nghề, không bỏ việc, yên tâm làm việc (đủ sống) từ 2 nguồn lương nhà nước và học phí. Các UBND quận, huyện, phường, xã và ban ngành phải cùng phòng giáo dục có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở, xử lý vi phạm, phát hiện nhà trẻ không phép để xử lý, ngăn chặn kịp thời nguy cơ rủi ro cho các cháu. UBND TP hỗ trợ cho các cháu ngoài công lập được hưởng một phần định mức kinh phí, bằng 1/6 định mức công lập, khoảng 500.000 đồng/cháu/năm, góp phần nâng cấp cơ sở vật chất và hỗ trợ lương GV cho các cơ sở ngoài công lập có mức thu phí dưới 1 triệu đồng/tháng... Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó phòng Giáo dục quận 8:
Bán các điểm lẻ để xây trường mới
Các trường MN quận 8 chủ yếu là nhà mặt phố, nhà dân cải tạo lại nên chỉ phù hợp với công năng nhà ở. Quận có 17 trường mà có tới 49 điểm lẻ (chỉ có 5 trường không có điểm lẻ, còn lại mỗi trường có 3-6 điểm lẻ). Các điểm lẻ có sân chơi nhỏ hẹp, nhà dạng lầu không phù hợp với lứa tuổi MN. Do đó, theo tôi nên quy hoạch lại bằng cách bán các điểm lẻ để đầu tư xây trường có cơ sở vật chất tốt hơn. Mở rộng trường công lập theo hướng xây dựng thêm trường công lập ở những khu vực đặc biệt khó khăn, đảm bảo cho những trẻ em nghèo đều có thể được học ở trường công lập. Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Phó Hiệu trưởng CĐSP Trung ương TPHCM
Nên miễn thuế cho các trường MN tư thục Ngành giáo dục nên phân công một cán bộ quản lý có chuyên môn cho các trường, thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ về các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Hướng dẫn thủ tục mở trường lớp nhanh, gọn. Đề nghị miễn thuế cho các trường, cho vay kích cầu, cho mượn đất để xây trường ở những vùng khó khăn. Trợ cấp lương cho GV ở khu vực vùng ven. Bà Lê Thị Hiền Lương, PHHS Trường MN Tư thục 1-6:
Đảm bảo lương giáo viên 2 triệu đồng/tháng Nghề nào cũng có người thế này thế kia. Không thể vì một vài bảo mẫu, GV không tốt mà phủ nhận công lao dạy dỗ, chăm sóc của GV MN – một nghề rất vất vả mà lương lại thấp. Nhiều cô giáo sau khi trả tiền thuê nhà, tiền xe buýt, tiền xăng... thì lương chẳng còn được bao nhiêu. Các bà mẹ khi đã trao trẻ, xin gửi niềm tin cho các cô giáo, hãy trân trọng công việc của họ. Phải đảm bảo lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng cho các cô. Ông Mai Thành, quận 3:Trồng và chăm sóc từ ngọn
Nhìn vào chi phí đầu tư cho bậc MN chỉ chiếm vỏn vẹn 4,5% trong khi chi phí đầu tư cho bậc tiểu học chiếm tỷ lệ cao nhất: 27,32%, bậc THCS: 23,5%, đại học là 15,7%, nhiều người cho rằng chúng ta đang trồng và chăm sóc GV từ… ngọn. Tất nhiên, khi ngân sách nhà nước không bao cấp đủ thì cần phải huy động nguồn xã hội hóa. Dường như chúng ta chưa kêu gọi được các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện tài trợ, tiếp sức cho các gia đình khó khăn, các cơ sở tư thục có điều kiện chăm sóc trẻ như hỗ trợ tiền ăn, đồ dùng dạy học… |