Giáo dục mầm non ở TPHCM
Bài 1: Lo lắng đưa con đến trường tư
“Mỗi buổi sáng bồng con tới trao cho cô giáo ở trường mầm non (MN), lòng tôi lo lắng không yên, dù trước mặt phụ huynh học sinh (PHHS), cô giáo vẫn có khuôn mặt khả ái và giọng nói dễ thương. Không còn cách nào khác, tôi vẫn phải trao cháu cho cô. Tôi không có điều kiện để gửi cháu ở một trường tiêu chuẩn quốc tế. Tôi chỉ có thể gửi cháu ở đây, một trường mầm non tư thục, để rồi mang theo bao nỗi hoang mang tới cơ quan”. Đó là lời tâm sự của một người cha sau nhiều vụ việc bạo hành trẻ diễn ra ở môi trường học đường. Nỗi ngờ vực, hoang mang đang đè nặng tâm trí nhiều bậc cha mẹ.
Hễ kiểm tra là có sai phạm
Ngày 23-1-2008, chúng tôi theo chân đoàn thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM đến Trường MN tư thục (TT) Kiều Vinh, quận 5. Trường có cơ sở vật chất tốt, phòng học thông thoáng, trang trí nhiều hình ảnh bắt mắt. Tầng 1 và tầng 2 dành cho bậc MN, còn những tầng trên phục vụ HS tiểu học. Trường có 13 lớp với hơn 250 HS nhưng chỉ có 1 người quản lý.
Dù sĩ số HS trong một lớp không đông nhưng số giáo viên (GV) MN thiếu so với quy định: 9 lớp chỉ có... 8 GV. Nếu như ở trường công lập không còn chế độ bảo mẫu ở hệ mẫu giáo thì nơi đây lấy bảo mẫu bù vào thiếu hụt GV. Hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Nương, cho biết, hiệu phó chuyên môn mới vừa nghỉ việc cuối tháng 12, chưa bàn giao sổ sách của GV cho trường. Trường cũng đang tuyển thêm GV, song GV mới nói qua tết mới vào làm việc.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, một thành viên trong đoàn thanh tra, cho biết: “Các cơ sở MNTT thường biến động GV. Kỷ luật được đặt lên hàng đầu nên chỉ cần một sai phạm hay bị PHHS phản ánh, các trường tư sẽ sa thải GV ngay tức khắc. Sự nghiêm khắc giúp GV tuân thủ nội quy kỷ luật, nhưng lợi bất cập hại, khi cho cô giáo nghỉ việc, trường không tuyển được GV, không quán xuyến hết trẻ thì điều này còn nguy hiểm hơn”.
Dù Trường MNTT Kiều Vinh được Phòng GD quận 5 đánh giá khá, nhưng đoàn thanh tra cũng yêu cầu trường cần hoàn thiện thêm về mặt chuyên môn: bổ sung gấp GV hệ nhà trẻ, nếu không sẽ phải giải tán 1 lớp học. Đồ chơi tuy nhiều nhưng hầu hết là đồ chơi nhựa, không giúp phát huy trí tưởng tượng của các em. Chủ trường đầu tư nhiều, PHHS quan tâm đến con, không ngại đóng 1,4-1,7 triệu đồng mỗi tháng, nhưng vẫn còn thiếu sót. Riêng các nhóm MNTT ở xa TP với mức học phí rẻ càng đáng lo ngại hơn.
Khi kiểm tra đột xuất, hầu hết các trường tư thục và nhóm trẻ đều có những vi phạm nghiêm trọng về chuyên môn, nghiệp vụ. Mới đây, khi vừa đến cổng, đoàn kiểm tra nhóm trẻ gia đình Bé Ngoan tại quận Thủ Đức đã thấy sai phạm: cấp phép nhóm trẻ gia đình nhưng lại treo bảng trường MNTT kiêm luôn việc nhận dạy thêm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Các phòng học của trường MNTT Thiên Ân, cũng ở quận Thủ Đức, rất nhếch nhác, luộm thuộm. Đoàn kiểm tra “toát mồ hôi hột” khi tận mắt thấy một cô giáo lau mặt cho một bé gái xong, lại vô tư lấy chiếc khăn dơ này lau tiếp cho hai bé bên cạnh. Lớp học có hơn 30 cháu nhưng chỉ có khoảng 15 khăn lau dùng để vệ sinh cho các cháu. Cũng tại cơ sở này, mới chỉ 14 giờ 50 nhưng các cô đã bắt đầu dạy Anh văn cho các cháu, theo quy định đối với bậc học MN muốn dạy ngoại khóa cho các cháu phải dạy sau 16 giờ chiều.
Từ vụ việc trẻ bị dán băng keo ở miệng đến ngạt thở, trẻ bị hành hạ, trẻ bị chấn thương sọ não xảy ra liên tiếp, nhiều người nhìn giáo dục MNTT với cái nhìn dò xét, ngờ vực. Một chuyên viên Phòng Mầm non buồn rầu kể: Dường như xã hội đang bị ám ảnh vì nạn bạo hành trẻ, lo sợ không biết con mình có bị “cơm chan nước mắt”, thậm chí có người cha khi đón con tan trường đã cẩn thận “rà soát” xem con mình có bị dán băng keo hoặc bầm tím, sứt sẹo gì không.
TPHCM đã mở đợt tổng kiểm tra các cơ sở MNTT, nhưng vẫn chưa làm dư luận xã hội yên tâm, bởi những sai phạm rõ ràng về chế độ chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục. Hễ kiểm tra là có sai phạm và số cơ sở được thanh tra, kiểm tra còn quá ít.
Nguy hiểm luôn chực chờ
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, TPHCM hiện có 267 trường tư, 735 nhóm lớp tư thục, nuôi dạy hơn 100.000 trẻ, chiếm gần 50% trẻ. Số lượng trẻ gửi ở tư nhân cao hơn tập trung đông nhất ở các quận ven như Tân Bình có 96 cơ sở, Tân Phú: 80, quận 12: 68, Hóc Môn: 53… Tỷ lệ trẻ học tư thục cao hơn trẻ công lập ở Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 12, quận 7 (55%-65% trẻ học ở trường tư thục và nhóm tư thục) do chỗ học ở trường công lập quá ít so với nhu cầu gửi con.
Lẽ ra, với số trẻ học ngoài công lập nhiều như thế phải là chuyện đáng mừng nếu hệ thống các trường dân lập, tư thục phát triển mạnh và đảm bảo chất lượng nuôi dạy các cháu, góp phần giải quyết áp lực quá tải cho các trường công lập. Thế nhưng sự nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe của trẻ luôn chực chờ ở những cơ sở MNTT lôm côm, đặc biệt ở những nhóm trẻ gia đình. Nhiều cơ sở có mặt bằng chật, phòng hẹp (15-20m2/lớp), thiếu sân chơi và thiếu ánh sáng, không bảo đảm an toàn. Có cơ sở được cải tạo từ nhà ở gia đình, thiết kế không đúng quy cách.
Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, lo lắng: Nhiều chủ cơ sở vì mục tiêu lợi nhuận, vì muốn giảm chi phí nên thuê GV có trình độ thấp, trả lương giá bèo, không lo đầu tư cơ sở vật chất mà còn bớt xén tiền ăn của trẻ. Lương thấp nên nhiều GV bỏ việc sau khi cơ sở được cấp phép nên chủ cơ sở phải tuyển bổ sung người không có chuyên môn sư phạm. Nhiều lớp mẫu giáo chỉ có 1 GV, 1 bảo mẫu (thiếu 50% so với quy định). Đa phần các nhà trẻ tư thục chỉ có GV qua đào tạo cấp tốc (3 tháng) và 20% GV trung cấp làm quản lý hoặc dạy lớp 5 tuổi.
Phó trưởng Phòng GD quận Thủ Đức Hồ Ngọc Tuyết cho biết: “Trước khi cấp phép, chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, 3 lần đến kiểm tra đều có đủ điều kiện về trình độ, hồ sơ GV nhưng sau một thời gian chúng tôi quay trở lại kiểm tra thì GV có trình độ đã đi đâu hết, chỉ còn người của gia đình làm “giáo viên kiêm bảo mẫu”.
NHÓM PV
Tăng cường kiểm tra giờ ăn, giờ ngủ của trẻ
Phát biểu tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2007-2008, ngày 25-1, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TPHCM, nhắc nhở: “Ban giám hiệu các trường cần tăng cường kiểm tra giờ ăn, giờ ngủ để phòng ngừa trẻ bị bạo hành”. Bà Thanh cho biết thêm: Giáo viên ở các nhóm trẻ gia đình còn thiếu phải kiêm thêm bảo mẫu và chỉ qua đào tạo 3 tháng. Nhiều cơ sở tuyển cả nhân viên không qua đào tạo, thế chỗ giáo viên bỏ việc, gây nên một số sự cố nghiêm trọng. Phòng Giáo dục MN và phòng giáo dục các quận, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra cơ sở ngoài công lập để nâng cao chất lượng giáo dục và có các biện pháp kịp thời trong quản lý, chỉ đạo. |
Bài 2: Trẻ nghèo phải được học trường công
Giáo dục mầm non (MN), trên lý thuyết là một bậc học quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của trẻ. Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại, bậc học này chưa được ưu tiên đầu tư phát triển. Ở vùng ven, khó khăn, học sinh (HS) nghèo chen chúc trong những cơ sở tư yếu kém, thiếu thốn.
Mầm non công lập, tư thục đều quá tải
|
Trường Mầm non Bán công Tuổi Thơ 7, Q3. Ảnh: MAI HẢI |
Bà Trần Thị Trí, Phó Phòng giáo dục quận Tân Phú than: “Trong quận có 11 phường nhưng chỉ có 8 phường có trường công lập, vẫn còn 3 phường Phú Thạnh, Hòa Thạnh và Tân Sơn Nhì “trắng” trường MN. Trong khi đó, mỗi năm số HSMN ở quận tăng trên 1.000 trẻ, dẫn đến sĩ số mỗi lớp quá tải, bình quân 50-60 HS/lớp. Trường lớp ít, số trẻ tăng quá cao nên tỷ lệ trẻ ra lớp của quận rất thấp, chỉ được khoảng 55%. Hơn 50% trẻ phải học ở các nhóm trẻ và trường tư thục.
Tại quận Thủ Đức, chỉ có 15 trường MN công lập, còn lại có tới 32 trường MN tư thục (TT) và 46 nhóm trẻ gia đình. Toàn quận có khoảng 14.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo, nhưng hơn 60% phải học ở trường TT và nhóm trẻ gia đình. Quận 8 có 17 trường công lập, 5 trường TT và 26 nhóm trẻ gia đình, song trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ chỉ ra lớp được 15%, 3-5 tuổi: trên 60%.
Tương tự, Gò Vấp là một trong những quận có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, tạo ra áp lực rất lớn về nhu cầu trường lớp. Nhiều phường không có đủ trường cho trẻ học tại phường nên trẻ phải đi học ở các phường khác, đi lại khó khăn. Phường 6, 9, 11, 12, 14 không có trường mầm non. Ở Hóc Môn chỉ có 16 trường công lập nhưng có đến 58 nhóm trẻ gia đình và trường TT. Các trường công lập đều quá tải, sĩ số có nơi lên đến 70 HS/lớp. Quận Bình Tân chỉ có 11/80 trường là công lập. HS của 2 phường Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B “dùng chung” một trường MN công lập.
Trẻ đi học mầm non ở các vùng ven ngày càng đông, song nghịch lý là 10 phường của TP chưa có trường công lập lại rơi vào những vùng này. Các trường công chỉ đáp ứng được 30%-40% nhu cầu gửi trẻ, phụ huynh nghèo phải gởi con vào những cơ sở tư thục có cơ sở vật chất yếu kém nhưng thu học phí giá rẻ, từ 200.000-500.000 đồng/tháng, cá biệt có nơi chỉ thu 120.000-150.000 đồng/tháng.
Có đất nhưng không có trường
Bà Trần Thị Trí, Phó Phòng Giáo dục quận Tân Phú, lý giải: “Trước đây, trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận có dành quỹ đất cho việc xây trường MN, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, do chủ trương xã hội hóa bậc học MN nên chỉ tập trung cho việc xây trường tiểu học và trung học”. Bà Trí cho rằng, nhà nước nên tiếp tục đầu tư xây dựng trường công lập, ít nhất mỗi phường nên có 2 trường MN để con em lao động nghèo có điều kiện được đến trường.
Cùng chung nỗi bức xúc, bà Trần Thị Long, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Hóc Môn, cho biết: Hiện nay huyện vẫn còn đất để xây trường, nhưng thiết kế, thi công và dự toán chậm đã làm một số dự án bị chậm lại. Trẻ đang thiếu chỗ học nên cần phải làm khẩn trương, gấp rút những dự án xây trường MN. Đồng thời các trường đã xuống cấp cần được sửa chữa lại để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Mấy năm nay việc xây dựng trường MN đang bị đóng băng. Theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chỉ xây dựng các trường MN công lập ở các khu vực khó khăn. TPHCM không thuộc diện này. Do vậy, số trường không tăng, trong khi số HS tăng quá cao thật sự ảnh hưởng lớn đến chất lượng nuôi dạy trẻ.
Bất bình đẳng giữa trẻ giàu - trẻ nghèo?
Giờ tan trường ở một trường MN bán công chất lượng cao ở quận 1, chị Nguyễn Thanh Mai, phụ huynh một HS lớp cơm thường ngồi tán chuyện với chị Trần Thị Thu Thủy, phụ huynh của HS lớp cơm nát: “Trường đông cháu quá, lớp con em đến 61 bé. Hiện vợ chồng em cũng đủ sức cho con ra học trường quốc tế, nhưng lại sợ thu nhập không ổn định nên cứ đành gửi ở đây…”. Chị Thủy an ủi: “Thôi cứ ráng cho cháu học ở đây cho hết MN, bước vô tiểu học nhà chị sẽ cho cháu học trường quốc tế…”.
Nghe hai bà mẹ than thở môi trường học hiện tại và bàn tính chuyện tương lai cho MN của mình, cứ ngỡ ngôi trường mà các con họ đang theo học “èo uột” lắm. Chỉ với mức học phí 600.000 đồng/tháng/cháu, con của chị Mai được học ở một trường đạt chuẩn quốc gia với đủ các điều kiện mà phụ huynh nào cũng mong ước được gửi con vào: nằm ngay trung tâm thành phố, sân trường rộng rãi, có hồ bơi, lớp học thoáng mát, cô giáo đầy kinh nghiệm… Vì trường có nhiều ưu điểm nên các phụ huynh đều ráng “chạy” để được gửi con, mặc cho sĩ số cháu/lớp đã vượt khỏi “chuẩn” quá xa. Chị Mai nói: “Nhà em ngoài tuyến nên phải nhờ người quen gửi vào, chỉ tốn tiền trà nước, chứ bạn em thì phải tốn nhiều tiền mới lo được cho con một chỗ ở đây”. Chỉ những phụ huynh đi những chiếc xe đời mới đứng trước cổng trường chờ đón con, chị Mai khẳng định: “Lớp con em trên 90% phụ huynh có thu nhập cao, họ sẵn sàng đóng góp các khoản lớn trong các cuộc vận động của trường, sẵn sàng lót tay hàng tháng cho cô giáo, vì so mức thu nhập của họ thì học phí ở đây quá rẻ”.
Một giáo viên so sánh: “Trường tôi là trường công lập nhưng là trường chuẩn, một tháng HS chỉ phải đóng 450.000-500.000 đồng tiền học phí, tiền ăn. Trong khi nhiều cháu trong khu vực không được vô trường, phải học ở nhóm trẻ gia đình trong quận, có nhóm có phép, có nhóm không phép, hoặc khá hơn thì gửi ở trường TT, tiền đóng thì cao hơn nhưng lại thiếu thốn đủ thứ.
Tiếc thay, số trẻ thụ hưởng từ cái gọi là “ngân sách” này thì đa số là con nhà khá giả. Trong khi đó, dân nghèo không có điều kiện, không có tiền lại không được hưởng gì từ “ngân sách” ấy, mà phải hoặc là gửi con vào cơ sở thu phí cao - để đổi lấy chất lượng đảm bảo như trường công, bán công – hoặc là gửi con vào những cơ sở MNTT và nhóm trẻ gia đình luộm thuộm, kém chất lượng.
( Theo SGGP )