Giáo viên mầm non sẽ được "chấm điểm" chuẩn nghề nghiệp theo các yêu cầu cơ bản thông qua 3 lĩnh vực: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức và kỹ năng sư phạm.
|
HS Trường mầm non Hoa Hồng, HN trong một giờ học thực hành. Ảnh: Bảo Anh |
Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non với các yêu cầu đòi hỏi mỗi giáo viên mầm non cần phải đạt được. Qua đó, sẽ "chấm điểm" và làm căn cứ để xếp loại, đánh giá giáo viên mầm non mỗi năm học theo các mức xuất sắc, khá, trung bình, yếu.
Với 3 lĩnh vực nêu trên, mỗi lĩnh vực gồm 5 yêu cầu, mỗi yêu cầu gồm có 4 tiêu chí, là nội dung cụ thể thuộc mỗi yêu cầu của Chuẩn, thể hiện một khía cạnh về năng lực nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Các tiêu chí, yêu cầu, lĩnh vực của Chuẩn sẽ được "chấm điểm" theo thang điểm tối đa là 10 - 40 - 200 và xếp loại: tốt, khá, trung bình, kém.
Giáo viên sẽ được xếp loại xuất sắc, khá, trung bình, kém nếu đạt loại tốt, khá, trung bình, kém ở lĩnh vực phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức và kỹ năng sư phạm. Riêng loại trung bình phải đảm bảo trong đó không có lĩnh vực nào xếp dưới loại trung bình.
Loại kém là những giáo viên có một lĩnh vực xếp loại kém hoặc vi phạm một các quy định đạo đức nhà giáo. Cụ thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác, an toàn tính mạng của trẻ; xuyên tạc nội dung giáo dục; ép buộc trẻ học thêm để thu tiền; nghiện ma tuý hoặc tham gia đánh bạc và các tệ nạn xã hội khác.
Trong tổng số thời lượng học tập bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, giáo viên sẽ đạt loại kém nếu vắng mặt không lý do chính đáng hơn 60% hoặc hơn 60% các cuộc sinh hoạt chuyên môn định kỳ.
Cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường tiến hành tổ chức đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non theo các bước: giáo viên tự đánh giá; tổ chuyên môn và đồng nghiệp đánh giá, cuối cùng hiệu trưởng đánh giá, xếp loại và công khai trước hội đồng. Nếu vẫn chưa có sự thống nhất, giáo viên có quyền khiếu nại để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
( Theo VietNamNet )