Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ba giải pháp chấn chỉnh nhóm trẻ gia đình


Cô và cháu tại trường Mầm non tư thục Nguyễn Thị Tú, Phường Phú Thọ Hòa - Tân Phú - TPHCM. Ảnh: N.HỮU
Cơ sở vật chất tốt, giáo viên lành nghề, chế độ chính sách hợp lý là ba yếu tố để bậc mầm non phát triển bền vững

ÔNG HUỲNH CÔNG MINH, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TPHCM:
Xây thêm trường ở vùng khó khăn

Đã có rất nhiều văn bản của Nhà nước đưa trường mầm non ra dân lập, tư thục và những văn bản này đã chi phối kế hoạch xây dựng trường lớp và ảnh hưởng đến chế độ chính sách cho giáo viên. Hiện nay, không ít người vẫn coi giáo dục mầm non chỉ đóng vai trò giữ trẻ cho nên ai cũng có thể giữ được và không đầu tư cho lĩnh vực này. Chính vì nhận thức đó nên đã xảy ra một số tai nạn hết sức thương tâm.

Từ khi có Quyết định 161 của Chính phủ không cho phép xây dựng các trường công lập ở TP và Nghị quyết 05 về xã hội hóa giáo dục xác định phải đưa giáo dục mầm non ngoài công lập lên 80%, tiến trình xây dựng trường lớp đã trở nên chậm. Những người có vốn đầu tư vào trường ngoài công lập thì chưa sẵn sàng cho nên trong hơn 330 phường của TPHCM hiện còn 10 phường, xã chưa có trường mầm non công lập, trong khi quy định tối thiểu là mỗi phường, xã phải có ít nhất một trường mầm non công lập đạt chuẩn.

Để giải quyết thực trạng trên, có ba việc phải làm. Thứ nhất là vấn đề trường lớp. Trẻ ở bậc mầm non cần cơ sở vật chất tốt để bảo đảm an toàn. Thứ hai, đội ngũ thầy cô giáo phải có tình thương yêu trẻ và am hiểu không những về nghiệp vụ mà cả nghệ thuật nuôi dưỡng. Thứ ba là chế độ chính sách để nhà trẻ phát triển bền vững.

Hiện nay, lực lượng lao động trẻ có nhu cầu gửi con còn rất nghèo. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng trường lớp, nhất là ở vùng khó khăn. Nhà nước xây dựng thêm trường mầm non thì việc đóng góp của phụ huynh sẽ nhẹ hơn ở các trường tư thục. Trên cơ sở đó, những khu vực khá giả hơn cho phép thu phí cao hơn để có thể dành ngân sách Nhà nước bù đắp vào địa bàn khó khăn. Cách này vừa bảo đảm được nhu cầu của một bộ phận gia đình có điều kiện vừa bảo đảm được điều kiện tương đối cho vùng khó khăn.

BÀ PHẠM THỊ XA, PHÓ CHỦ TỊCH CĐ CÁC KCX-KCN TPHCM:
Nhu cầu cấp bách


Cả tháng nay, rất nhiều công nhân cảm thấy hoang mang, lo lắng trước thông tin nhiều cháu bé gửi ở nhà trẻ tư nhân bị hành hạ hoặc tử vong... Nhiều doanh nghiệp cũng lên tiếng trước thực trạng nhiều công nhân chọn cách nghỉ việc để ở nhà trông con. Có doanh nghiệp có khoảng 50 - 60 công nhân đã nghỉ việc. Vì thế, đây là một nhu cầu vô cùng cấp bách và cần thiết! Nhưng để nhà trẻ cho con công nhân ra đời, toàn xã hội phải chung tay góp sức, TP phải có chủ trương và các công ty hạ tầng hỗ trợ đất, kinh phí; Sở GD-ĐT hỗ trợ giáo viên... Hiện nay, KCN Tân Tạo đang đầu tư để xây dựng một nhà trẻ cho con CNLĐ. Đây là một việc làm đáng hoan nghênh và cần nhân rộng cho những khu khác.

Ban hành chuẩn giáo viên mầm non

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa ký quyết định ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Cụ thể, giáo viên phải có hiểu biết cơ bản về đặc điểm tâm lý, sinh lý trẻ lứa tuổi mầm non, có kiến thức về giáo dục mầm non... Đồng thời, phải lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ. Quy định này cũng yêu cầu các giáo viên phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử với trẻ một cách gần gũi, tình cảm, tôn trọng và hợp tác trong giao tiếp, ứng xử với cha mẹ trẻ.

Giáo viên sẽ bị xếp loại kém nếu rơi vào một trong các trường hợp sau: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác, an toàn tính mạng của trẻ; xuyên tạc nội dung giáo dục; ép buộc trẻ học thêm để thu tiền; nghiện ma túy hoặc tham gia đánh bạc và các tệ nạn xã hội khác; vắng mặt không có lý do chính đáng trên 60% tổng số thời lượng học tập bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trên 60% các cuộc sinh hoạt chuyên môn định kỳ.

( Theo NLĐO )

Giáo dục mầm non và năng suất lao động xã hội

Chính phủ đang có chủ trương đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở giữ trẻ, giáo dục mầm non trên toàn quốc "để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở không đủ điều kiện, các hành vi bạo lực đối với trẻ em tại các cơ sở này theo quy định của pháp luật" .

Đây là chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ sức khỏe và tinh thần trẻ em. Nhưng đó có phải là giải pháp để chấm dứt hoàn toàn tệ nạn mở "nhà trẻ" không hội đủ điều kiện? Nếu kiểm tra ra mà thấy nhiều, rất nhiều cơ sở không đủ điều kiện (về cơ sở vật chất, về nghiệp vụ chuyên môn, về quản lý,...) thì chính quyền và ngành giáo dục sẽ xử lý ra sao? Hậu quả sẽ thế nào nếu đóng cửa hết các cơ sở này?

Không tìm được chỗ gửi con, sẽ có nhiều bà mẹ trẻ hoặc nghỉ việc, hoặc hai vợ chồng xin chỉ làm một buổi để thay nhau ở nhà giữ con. Nhưng như vậy thì lấy đâu ra đủ tiền mà sống, mà nuôi con? Trừ một tỷ lệ nhỏ những người may mắn có người thân trong gia đình giữ giúp hay có đủ tiền để thuê mướn được người giúp việc chịu đến nhà giữ con cho mình còn lại số rất đông sẽ gửi con ở đâu, gửi cho ai? Trường mầm non công lập thì quá ít, lại chỉ nhận trẻ tròn 12 tháng, dễ gì "chạy" được một chỗ ở nơi này? Trường dân lập tư thục cũng còn rất ít lại thu phí cao. Cũng lại chỉ còn con đường là nhắm mắt đưa đại, gửi "chui" con vào chỗ "giữ trẻ" nào đó. Gửi mà xót ruột, mà hồi hộp vì biết con mình có thể bị đánh, bị đối xử tàn tệ nhưng vẫn cứ phải gửi vì hai vợ chồng phải còn đi làm để nuôi con. Cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh những vợ chồng trẻ đi làm mà lòng cứ lo nơm nớp cho con. Chắc chắn là năng suất lao động sẽ bị ảnh hưởng xấu. Năng suất lao động xã hội thấp là hậu quả tất yếu.

Gửi trẻ để được rảnh tay đi làm là yêu cầu chính đáng, yêu cầu này sẽ tồn tại lâu dài trong xã hội có phân công lao động. Có "cầu" ắt có "cung". Khi nguồn cung còn ít thì chất lượng ra sao người ta cũng đành chấp nhận. Chính quyền dẹp kiểu giữ trẻ này thì người ta lại đối phó bằng một kiểu khác. Khi đó chất lượng người giữ trẻ cũng vẫn cứ không đạt yêu cầu, quyền trẻ em - mà lại là trẻ chưa biết nói, chưa biết "méc" cha mẹ - cũng cứ bị vi phạm. Vòng tròn luẩn quẩn "dẹp - mọc - dẹp - mọc" cứ tồn tại hoài.

Để thoát ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn đó chỉ khi Nhà nước (chứ không phải chỉ là Bộ GD-ĐT) thay đổi chủ trương, hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực hệ thống giáo dục mầm non bằng cách:

1. Bãi bỏ chủ trương chỉ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Nhà nước xây trường mầm non hay cơ sở giữ trẻ đúng chuẩn rồi giao cho một tập thể những người tâm huyết và có nghiệp vụ chuyên môn điều hành, thu học phí vừa với thu nhập người lao động. Việc định danh cho loại hình nay là công lập, công lập tự hạch toán kinh phí, hay bán công, dân lập không phải là quan trọng. Bài toán kinh phí cho toàn hệ thống giáo dục quốc dân không thể giải bằng cách đẩy giáo dục mầm non ra ngoài để dân lo, không phát triển mầm non công lập nữa. Giao cho dân lập tư thục gánh nặng chủ yếu của giáo dục mầm non thì phải chấp nhận còn gặp kiểu điểm giữ trẻ ở thành phố Biên Hòa mà đài truyền hình đã chiếu cho cả nước xem.

2. Nhà nước cho thuê đất, thuê nhà để hoạt động giáo dục mầm non với giá bằng 0. Miễn thuế hoàn toàn cho hoạt động này.

3. Nhà nước có chính sách đào tạo giáo viên và bồi dưỡng bắt buộc người giữ trẻ (công lập và ngoài công lập) theo kiểu miễn học phí. Xem đây là đầu tư cho phát triển, Nhà nước phải gồng mình chịu đựng như vẫn đang phải chịu đựng những chi phí cực lớn để xây dựng cầu đường, khu công nghiệp hiện đại.

4. Và cuối cùng (chứ không phải đầu tiên) mới là kiểm tra, mà kiểm tra không phải chỉ "để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm" mà là kiểm tra giúp đỡ các cơ sở giữ trẻ, giáo dục mầm non; kiểm tra để ngăn ngừa những vi phạm quy định của pháp luật và của ngành giáo dục.

Đầu tư cho bé ở lứa tuổi mầm non là đầu tư để nâng cao chất lượng người lao động tương lai và nâng cao năng suất lao động xã hội hiện tại. Mọi gia đình, mọi tổ chức đều cần hiểu và hết lòng làm điều đo.á

TS Hồ Thiệu Hùng

( Theo Thanh Niên )