Mầm non ngoài công lập - mạnh ai nấy làm!
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố hiện có trên 200 trường; gần 300 lớp mầm non (MN) dân lập, tư thục và khoảng 750 nhóm trẻ gia đình.
Thiếu thốn đủ thứ
Trong vai phụ huynh đi tìm chỗ học cho con, chúng tôi đã có dịp "mục sở thị" một số cơ sở MN ngoài công lập từ nội thành đến ngoại thành. Đặc điểm chung của các cơ sở này là thiếu thốn về cơ sở vật chất, giáo viên vừa yếu lẫn vừa thiếu.
Trường MN tư thục Baby, Q.1 đang nuôi giữ 136 cháu, trong đó 60 cháu nhà trẻ và 76 cháu mẫu giáo. Cũng như hầu hết các cơ sở MN ngoài công lập, trường luôn luôn bị động về đội ngũ giáo viên. "Có nhiều cô ký hợp đồng được 1-2 tháng là nghỉ, cá biệt có cô vừa ký buổi sáng, buổi chiều nghỉ luôn. Thế là trường lại phải tuyển giáo viên mới, có giáo viên thử việc hết 3 tháng mà vẫn không ưng ý nhưng không có người nên đành phải nhận", bà Trần Thị Kim Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Mặc dù nuôi giữ trẻ từ 10 tháng tuổi đến 5 tuổi nhưng cơ sở MN tư thục Trúc Xanh, Q.Bình Thạnh chỉ mở 2 lớp. Lớp nhà trẻ ở lầu 1 với 30 cháu từ 10 tháng tuổi đến 2 tuổi; lớp mẫu giáo ở tầng trệt có 28 cháu từ 3 - 5 tuổi. Diện tích của mỗi phòng học chỉ khoảng 14 - 16m2, trung bình mỗi bé được 0,5m2 để chơi, ăn và ngủ. Phòng chật, không có đồ chơi, thiếu giáo viên, các bé chỉ biết đứng, ngồi hoặc nằm; thậm chí cứ 5 - 10 phút lại có bé khóc vì bị bạn đánh, bị xô té hoặc bị té...
Đà Nẵng: Khoảng 3.500 trẻ được giữ tại các cơ sở không phép
Ngày 22.1, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị quản lý các loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý nhóm trẻ gia đình (NTGĐ). Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có gần 500 NTGĐ, thu nhận hơn 11.000 trẻ, nhưng chỉ có khoảng 68% nhóm được cấp phép, còn lại vẫn hoạt động ngoài sự quản lý. Theo đó, có khoảng 3.500 trẻ đang được trông giữ tại các cơ sở không có giấy phép. Điều đáng nói là hầu hết chủ cơ sở NTGĐ chưa ý thức được trách nhiệm chăm sóc trẻ, phần lớn chưa được đào tạo về sư phạm mầm non, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường còn kém; một số xã, phường còn buông lỏng việc cấp quyết định thành lập, không kiên quyết đình chỉ những NTGĐ không đủ điều kiện do Sở GD-ĐT đề nghị.
Diệu Hiền
|
Nằm trong khu vực dân cư nghèo nên trường MN tư thục Hoa Sen 2, Q.12 đã gia giảm tiền ăn và học phí xuống mức thấp nhất, chỉ 350.000đ - 400.000đ/tháng/cháu. Tỷ lệ thuận với số tiền thấp nhất này là việc chăm sóc các cháu cũng tệ nhất. Chị Lê Thị Huệ, có con đang theo học tại trường cho biết: "Từ ngày đi học, cứ 2 - 3 tuần bé lại bệnh một lần, nhiều nhất là tiêu chảy. Ngày nào đi học cũng đánh nhau với bạn, có bữa bị bạn cào trầy hết cả mặt. Nhiều lần định chuyển qua trường khác nhưng quanh đây trường nào cũng vậy. Chẳng hạn như trường Nhơn Nghĩa vừa tối tăm vừa kém vệ sinh, cô giáo thì ăn mặc lôi thôi".
Bà Lê Thị Liên Hoan, Phó trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Khi làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động, các cơ sở MN ngoài công lập đều đảm bảo những yêu cầu mà ngành giáo dục đề ra. Nhưng đến khi đi vào hoạt động thì vì lợi nhuận và vì nhiều lý do khác nhau mà họ đã phá vỡ những yêu cầu đó. Chẳng hạn như họ thuê giáo viên không có bằng cấp, chuyên môn; không có hiệu trưởng (đối với cấp trường), cơ sở vật chất xuống cấp thì không sửa chữa...".
Mọi khó khăn đổ lên đầu trẻ!
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lương giáo viên ở các cơ sở MN ngoài công lập tương đối thấp, từ 800.000 đến 1,3 triệu đồng/tháng. "Lương thấp là một nguyên nhân gây ức chế tâm lý cho giáo viên, khiến giáo viên không chú tâm đến việc chăm sóc cháu. Giáo viên sẽ dễ nổi cáu và từ đó nảy sinh những kiểu hành xử phản sư phạm như đánh, la mắng cháu. Khi cho cháu ăn thì không kiên trì đút từng muỗng mà nhồi nhét là chính, dẫn đến cháu bị hóc sặc, điều đó rất nguy hiểm. Lương thấp thì giáo viên cũng sẽ thường xuyên bỏ việc. Thiếu người bắt buộc chủ trường phải tuyển người mới, nếu qua đào tạo thì tốt nhưng đôi khi các chủ trường vẫn nhận những người chưa qua đào tạo. Không qua đào tạo thì sẽ không biết cách chăm sóc, khi cháu gặp sự cố sẽ không biết xử lý... Có thể nói, những khó khăn của các cơ sở MN ngoài công lập không phải do chủ trường "gánh" mà tất cả đều đổ lên đầu các cháu", bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích.
Còn bà N.Phương, chủ một trường MN tư thục trên địa bàn Q.1 thừa nhận: "Dù gì đi nữa thì chúng tôi cũng là người kinh doanh, vấn đề đầu tiên nghĩ đến là lợi nhuận. Trong khi các trường công lập được Nhà nước hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền lương cho giáo viên thì chúng tôi phải tự túc tất cả. Mỗi ngày cắt giảm một ít tiền ăn, mỗi năm cắt giảm một số tiền mua đồ chơi, sửa chữa phòng học, nhận người không có chuyên môn để trả lương thấp... Làm như vậy chúng tôi mới lãi".
Từ bài học nhóm trẻ gia đình ở Đồng Nai bị người nuôi giữ bạo hành, cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập là hết sức công thức và lỏng lẻo. Không thể cứ trông chờ vào cái tâm của những người yêu nghề mến trẻ mà phải bằng cả sự quản lý nghiêm túc, đúng những yêu cầu đề ra khi cấp phép thì mới cho tồn tại.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM: Kiên quyết đóng cửa cơ sở không đảm bảo chất lượng
Trước hết, những quận, huyện nào còn phường, xã "trắng" về giáo dục mầm non phải xây đủ mỗi nơi có ít nhất 1 trường công lập. Cụ thể như quận 6, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân. Tiếp đó các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy, khu dân cư mới phải xây dựng trường hay quy hoạch đất cho trường mầm non. Đặc biệt khuyến khích tư nhân xây dựng trường tư thục chất lượng cao... Ngoài việc tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non thì TP cũng cần có chính sách chăm lo đời sống để giáo viên không bỏ việc, yên tâm làm việc. Giải pháp hiện nay là sắp xếp lại hệ thống trường lớp công lập để những trường tốt có thể tự chủ toàn bộ kinh phí, dồn ngân sách nhà nước cho các nhóm trẻ gia đình nghèo và hỗ trợ lương giáo viên...
Bên cạnh đó, theo quy định về cấp phép mới cho các trường mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình thì trình độ giáo viên tối thiểu phải tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non, bảo mẫu phải qua đào tạo cấp tốc từ 3-6 tháng, cấp dưỡng phải có chứng nhận qua đào tạo vệ sinh an toàn thực phẩm... Những cơ sở trước đây đã được cấp phép, nếu chưa đảm bảo những yêu cầu trên, Sở GD-ĐT sẽ kết hợp với các trường sư phạm trên địa bàn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Riêng những cơ sở không chịu hợp tác, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND phường, xã kiên quyết đóng cửa.
Tuy nhiên để phát hiện kịp thời những cơ sở không đảm bảo chất lượng, thì ngành giáo dục và UBND phường, xã phải có sự phối hợp chặt chẽ. Bởi một mặt ngành giáo dục quản lý về mặt chuyên môn, thẩm định và tham mưu khi cấp phép còn UBND phường, xã có chế tài và có thể huy động được các lực lượng như công an, y tế kiểm tra thường xuyên. Mặt khác các địa phương phải tích cực trong việc phát hiện những nhóm trẻ không đảm bảo chất lượng hay hoạt động không phép trên địa bàn.
Phụ huynh Vũ Nguyên Huy (đường Tân Lập 2, Q.9, TP.HCM): Mong khu chế xuất, khu công nghiệp có nhà trẻ
Thu nhập hằng tháng của gia đình tôi trông chờ vào lương làm việc tại khu chế xuất và khu công nghiệp của hai vợ chồng. Trong khi phải cân đối để chi cho các khoản như thuê nhà, tiền ăn, sinh hoạt khác thì số còn lại cũng chỉ đủ sức gửi con vào các nhóm trẻ gia đình mà thôi. Đó là chưa kể nếu dư dả về kinh tế muốn gửi con vào trường của Nhà nước cũng không có trường nào nhận vì cháu mới có 10 tháng tuổi.
Thật tình mà nói, gia đình cũng không biết những quy định về trường lớp, trình độ giáo viên như thế nào là đúng. Khi gửi con vào cơ sở nhỏ xíu, bó hẹp trong 4 bức tường và những chiếc "cũi", đồ chơi thì quá ư sơ sài cũng lo và thương con mình nhiều nhưng đành chịu. Chỉ mong sao con khỏe mạnh và được những cô nuôi dạy thương như con của chính mình.
Chúng tôi rất muốn trong các khu công nghiệp và khu chế xuất có nhà trẻ để nuôi dạy con em của công nhân. |
( Theo Thanh Niên )
|