Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều bà mẹ chưa biết nuôi con bằng sữa mẹ


Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Nhưng hiện nay, tỷ lệ bà mẹ cho con bú ngay sau khi sinh chỉ đạt 75%.


Trong đó, số bà mẹ cho con bú hoàn toàn cho đến 4 tháng tuổi là 18,9%; số trẻ được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi lại càng ít hơn, chỉ đạt 12,2%.

Trong giai đoạn 3-4 tháng tuổi, sữa mẹ không chỉ có giá trị dinh dưỡng làm tăng chiều dài cơ thể cho bé, mà còn tránh cho bé nguy cơ béo phì sau này. Trong trường hợp bất khả kháng, loại sữa các bà mẹ nên chọn để nuôi "bộ" phải là sữa có thành phần gần với sữa mẹ nhất.

Trên các bao bì sữa, các bà mẹ nên đọc kỹ để so sánh các thành phần. Sau đó, cụ thể từng nhãn hiệu sữa, tùy từng bé ưa thích và tiêu hóa được loại sữa nào thì cho bé ăn loại sữa đó. Sữa mẹ cung cấp từ 50-60% năng lượng từ lipid. Vì vậy, khi trẻ thiếu sữa mẹ hoặc khi chuyển sang ăn dặm cần đề phòng trẻ bị thiếu lipid bằng cách bổ sung dầu/mỡ. Trong sữa mẹ, lipid lại tập trung ở cuối bầu sữa nên bà mẹ nên cho con bú cạn một bên bầu vú, rồi mới chuyển cho bé sang vú bên kia.

Ở nước ta, có không ít các cháu bé sinh ra trong các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, được ăn uống đầy đủ nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng... Hiện tượng này rất phổ biến ở thành thị, nhưng lại ít gặp ở nông thôn. Sở dĩ có tình trạng này là do ở thành phố, nhiều bà mẹ đã chọn giải pháp nuôi con bằng sữa ngoài. Những cháu này thường là con các bà mẹ hay phải đi công tác xa, bận bịu, hoặc do nghề nghiệp (diễn viên...) hay giữ "phom" nên không thể cho con bú.

Khi không được cung cấp những dưỡng chất cơ bản trong sữa mẹ vừa tốt cho tiêu hóa, vừa tốt cho hệ miễn dịch, cơ thể cháu bé phản ứng lại bằng nôn, trớ, táo bón do hấp thu không tốt các loại sữa ngoài. Mặt khác, sữa công thức bắt chước nhưng không thể giống hoàn toàn sữa mẹ, không thể có các yếu tố giúp tăng trưởng, hoàn thiện hệ thống miễn dịch, nội tiết. Do đó các cháu nuôi bộ dễ bị ốm: ho, sốt, viêm họng, tiêu chảy... không thể phát triển bình thường được.

Trong khi đó, các bà mẹ ở nông thôn lại cho bú ngay sau khi sinh và bú rất đầy đủ, nên các bé rất ít bị nôn trớ và đặc biệt có sức đề kháng tốt. Ở nhiều gia đình khá giả, nhưng không biết cách nuôi con, nên thường ép trẻ ăn quá nhu cầu khiến trẻ "sợ" ăn, cơ thể không hấp thu được nên vẫn bị suy dinh dưỡng do thiếu nhiều dưỡng chất cần thiết...

Để trẻ phát triển bình thường, không chỉ cho ăn uống đầy đủ cả về chất và lượng mà trẻ còn rất cần được sống trong bầu không khí yêu thương của cha mẹ và những người thân trong gia đình. Những cháu bé mà mẹ bận bịu, ít được quan tâm, âu yếm vỗ về cũng sẽ phản ứng lại bằng cách không ăn. Đây chính là cách trẻ em buộc mẹ phải quan tâm đến chúng hơn.

Còn có một tình trạng không hiếm gặp đó là nhiều bà mẹ đẻ dày, có con thứ hai khi con thứ nhất chưa được hai tháng tuổi. Khi phát hiện có thai, những bà mẹ này thường thôi không cho con bú nữa vì cho rằng sữa mình lúc này không tốt, bị chua, nếu tiếp tục cho bú sẽ làm bé bị tiêu chảy. Đây là một sai lầm, vì thực ra ngay từ khi bà mẹ mang thai đến tháng thứ 8 đã có sữa non, trong đó có globulin làm tăng khả năng miễn dịch. Nhưng là sữa non nên hàm lượng mỡ và đường không cao, thường dẻo và trong. Đến tuần thứ hai sau khi sinh, sữa mẹ mới có màu ngà vàng và ngọt.

Khi bà mẹ mang thai thì sữa mẹ quay trở lại giai đoạn sữa non, thành phần lipid và glucid có giảm, nhưng sữa mẹ lúc này vẫn rất tốt, tốt hơn nhiều so với sữa ngoài. Do đó, nếu lỡ có thai ngay những người mẹ này vẫn nên tiếp tục cho con bú. Tuy nhiên đến tháng cuối cùng của thai kỳ, cơ thể bà mẹ cùng một lúc nuôi hai đứa trẻ, dễ quá tải, thì nên dừng cho cháu lớn bú mẹ.

Theo Sức khỏe & Đời sống