Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thư từ Cali : Học sinh mẫu giáo học như thế nào? ( phần 1 )


Để quý thầy cô có tư liệu tham khảo về việc dạy và học ở Hoa Kỳ, một nhà giáo hiện đang định cư ở đây đã có loạt bài viết riêng cho Báo Giáo Dục TP.HCM, tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với quý thầy cô giáo. Quý thầy cô giáo muốn hỏi thêm chi tiết về đời sống giáo dục Hoa Kỳ, cộng tác viên của báo sẵn lòng tìm hiểu và có thể trả lời.

Hoa Kỳ rất chú trọng đến giáo dục, chương trình học được liên bang lên kế hoạch và các tiểu bang theo đó mà thi hành. Nhìn chung, chương trình gồm các môn học như sau: ngữ văn (language art), toán (math), khoa học xã hội (social sience), thể dục, khoa học tự nhiên…

Các lớp học được phân chia theo tuổi. Mẫu giáo (kindergarten) bắt đầu từ 1,5 tuổi (toddler) cấp I (elementary) bắt đầu từ 6 tuổi, gồm các lớp từ 1 đến 5, cấp II (middle school) từ 11 tuổi gồm các lớp từ 6 đến 9, cấp III từ 15 tuổi đến 18 tuổi gồm các lớp từ 10 đến 12.

Các lớp có những chương trình phù hợp với lứa tuổi.


Một giờ chơi của các em lớp mẫu giáo ở Hoa Kỳ
 
Lớp học mẫu giáo có thể xây cất chung với trường cấp I (elementary school) nhưng trong một khu vực riêng. Các phòng học được trang trí nhiều hình ảnh và màu sắc, những trang trí này được dùng như những học cụ (learning tools). Học sinh mẫu giáo cũng theo đuổi chương trình học giống như các cấp khác, với một học trình nhẹ hơn và nhiều hình ảnh hơn.

Về ngữ văn: Nhằm mục đích tạo cho các em học sinh những khái niệm đầu tiên về nghe, nói, và viết qua các hình thức khác nhau của ngôn ngữ như các bài thơ, hình ảnh ăn khớp với nhau (rhymes).

Môn toán, các em được nghe, được đếm các vật dụng chung quanh, nhận dạng các hình thể (shapes), màu sắc, hoặc các tập hợp giống nhau (patterns).

Môn khoa học xã hội (social science) tập làm việc chung, tiếp xúc với các bạn cùng lớp, tham dự các cuộc chơi, tập chia sẻ, tuân theo kỷ luật, lắng nghe.

Về môn thể dục (physical), các em tham dự các môn thể thao để phát triển về thể chất, có sân chơi với các dụng cụ để các em có thể chạy, nhảy, leo trèo, tập dùng các vật dụng nhỏ trong lớp học, tập khéo tay…

Nói một cách tổng quát, học sinh mẫu giáo bắt đầu làm quen với xã hội thực bên ngoài gia đình, tìm hiểu và sống chung với xã hội.

Trường học tại Hoa Kỳ được xây dựng trên những khu đất thoáng, có nhiều cây xanh. Lớp học rộng đủ chứa được tối đa là 30 học sinh, có máy điều hòa không khí và nhiều học cụ cho mỗi lớp. Mỗi học sinh có một bàn học và ngăn tủ riêng. Mỗi lớp có một cô, (hoặc thầy) phụ trách. Các lớp mẫu giáo thường do cô giáo đứng lớp. Giờ học bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ 30 trưa là chấm dứt. Các lớp tiểu học hoặc lớn hơn thì thời gian học kéo dài đến 2 giờ 30 chiều. Mỗi ngày học được nghỉ ăn trưa tại trường khoảng 45 phút. Tuần học năm ngày.

Cũng nên nói thêm, bữa ăn trưa thường do gia đình cung cấp, Chính phủ cung cấp bữa trưa miễn phí cho những gia đình có thu nhập thấp, hoặc gặp khó khăn về tài chính. Muốn được hưởng phúc lợi này phụ huynh phải làm đơn.

Hàng năm có hai buổi họp phụ huynh vào ngày đầu khai trường và vào ngày cuối khi chấm dứt niên khóa. Nhà trường và gia đình luôn luôn liên lạc với nhau chặt chẽ để theo dõi giúp đỡ học sinh. Hàng ngày có điểm danh và thông báo đến gia đình nếu học sinh vắng mặt. Cuối tuần nhà trường đều có thư gửi về gia đình thông báo những chương trình học, vui chơi cho tuần sau.

Môi trường học đường luôn luôn rộng mở cho phụ huynh đến tham khảo tiếp xúc và đề đạt ý kiến. Học đường là nơi an toàn nhất cho trẻ em; luật ngăn cấm hút thuốc, rượu bia, súng đạn, chất nổ… được áp dụng chặt chẽ tại khu vực trường học. Tuy nhiên, sự tuân thủ luật pháp tại Hoa Kỳ là dựa trên ý thức tự giác của mọi người. Chính vì vậy vẫn có xảy ra các vụ nổ súng vì những lý do ngoài ý muốn.

(còn tiếp)
LỆ Thanh
(cộng tác viên ở California)

( Theo Báo Giáo Dục )