Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ em



   Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (VHLCKA) là bệnh thường gặp ở trẻ em có tiềm năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là bệnh viêm cầu thận cấp, hoặc thấp tim gây tử vong, di chứng ở van tim tồn tại suốt đời. Đây là  nỗi lo lắng của các bậc phụ  huynh và là quan ngại đối với các bác sĩ nhi khoa trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tầm quan trọng của bệnh được cảnh báo từ những năm cuối thế kỷ 20 về sự xuất hiện các chủng vi khuẩn mới có độc lực và khả năng gây bệnh cao hơn trước đây. Thực tế bệnh thường bị bỏ sót hoặc chẩn đoán lầm. Việc thân nhân tự ý sử dụng kháng sinh không đúng loại, không đủ liều, không đủ thời gian làm điều trị thất bại, dẫn đến tỉ lệ biến chứng cao.
   Thường xảy ra ở tuổi đi học
   Bệnh VHLCKA xảy ra khi thời tiết mưa lạnh. Bệnh cảnh thường nhất là viêm họng và sốt ở tuổi đến trường. Xảy ra ở trẻ em tuổi từ 3 tuổi trở đi, hay gặp hơn ở trẻ có sức đề kháng kém hoặc có ổ viêm nhiễm ở họng như sâu răng, viêm lợi, viêm xoang.
   Trẻ lớn bị VHLCKA có triệu chứng đột ngột đau họng khi nuốt, nhức đầu, đau bụng, hơi thở hôi. Triệu chứng đau họng kèm theo 2 trong 3 biểu hiện sau: (1) Sốt trên 380 C. (2) Khi trẻ há to miệng sẽ thấy 2 amidan sưng to, đỏ, sần sùi, có giả mạc vàng bám ở trên. (3) Hạch ở cổ và dưới hàm thường sưng mềm, đau. Đôi khi có phát ban ở da. Trẻ còn có thể có thêm triệu chứng như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Những triệu chứng này khác với viêm họng do siêu vi thường xảy ra mùa cảm cúm, có kèm theo triệu chứng chảy nước mắt, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy.
   Ở trẻ nhỏ, tuổi nhà trẻ VHLCKA thường gặp dạng nhiễm trùng hô hấp kéo dài, có đặc điểm sốt nhẹ, chảy mũi kéo dài, kém ăn và sưng hạch cổ.
   Muốn xác định chắc chắn bệnh cần phải làm xét nghiệm cấy dịch họng, xét nghiệm nhanh dùng phản ứng miễn dịch phát hiện các kháng nguyên chứa trong vỏ bọc của vi khuẩn để xác định nguyên nhân do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
   Biến chứng nguy hiểm
   VHLCKA thể nặng cấp gây những biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, sốt tinh hồng nhiệt, áp xe phổi, áp xe sau họng. Những biến chứng không nhiễm trùng thường xuất hiện sau một thời gian như viêm cầu thận cấp, hoặc thấp tim gây tử vong, di chứng ở van tim tồn tại suốt đời, ảnh hưởng lâu dài đến học tập cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ.
   Điều trị kháng sinh theo hướng dẫn y tế
   Trẻ bị viêm họng cần được đưa đến khám tại cơ sở y tế. VHLCKA nếu được điều trị thích hợp trẻ sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần. Uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, thời gian điều trị kháng sinh thay đổi từ 5 - 10 ngày tùy loại kháng sinh được sử dụng. Những chăm sóc tại nhà gồm có giữ ấm, hướng dẫn trẻ súc họng bằng nước muối loãng. (1 muỗng muối pha trong 1 ly nước) giúp giảm sưng tấy họng và giảm đau. Uống nhiều nước, nước trà chanh hay nước trà loãng pha mật ong để làm dịu cơn đau họng. Dùng thuốc hạ sốt acetaminophen (paracetamol) để giảm đau và hạ sốt, được uống đến khi trẻ hết sốt, không còn đau họng.
   Nếu phát hiện những dấu hiệu sau: sốt cao, mệt nhiều, thở khó khăn, nuốt khó, trẻ nhỏ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, phát ban đỏ toàn than hoặc bệnh kéo dài trên 2 tuần cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được đánh giá và điều trị tiếp.
   Ngăn ngừa lây lan
   Do khả năng lây lan cao qua đường hô hấp, những trẻ bị bệnh VHLCKA phải cách ly khỏi nhà trẻ, trường học. Cho trẻ nghỉ học 1 ngày sau liều kháng sinh đầu tiên. Nếu không sốt, từ ngày thứ 2 trở đi trẻ có thể đi học trở lại được mà không sợ lây lan cho các bạn.
   Phòng chống
   Hiện đã có vaccin phòng bệnh VHLCKA nhưng chưa đủ các type huyết thanh và chưa sử dụng rộng rãi nên biện pháp dự phòng tích cực là tăng cường công tác giáo dục y tế về tác hại của  bệnh, điều trị triệt để căn bệnh viêm họng nhẹ mà di chứng rất nguy hiểm này. Phòng tránh bị viêm họng bằng cách:
   - Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước
   - Giữ cho trẻ không bị lạnh đột ngột. Tránh tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá, không khí lạnh
   - Khuyến khích trẻ tập thể dục, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cơ thể.
   Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị VHLCKA.


BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa