Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát hiện và điều trị sớm điếc ở trẻ em - Một cách làm tăng chất lượng cuộc sống


Bs. Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa TMH Bệnh viện Nhi Đồng 1
   Ngày nay, mỗi gia đình thường có khuynh hướng chỉ có một hoặc hai con để nuôi dạy cho tốt và góp phần làm tăng chất lượng của dân số Việt Nam. Bên cạnh các cháu sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, phát triển bình thường cũng còn một số ít trẻ có những khuyết tật bẩm sinh hoặc mắc phải do bệnh tật. Điếc hoặc nghe kém là một trong những khuyết tật ấy. Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến vai trò của việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh nhằm giúp các cháu có đôi mắt sáng như bao trẻ khác. Qua bài viết lần này, chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh sẽ cùng với thầy thuốc chúng tôi phát hiện sớm tật nghe kém hoặc điếc ở trẻ em nhằm giúp các cháu có một cuộc sống chất lượng hơn. Nhưng làm gì để phát hiện sớm điếc ở trẻ em và tầm quan trọng của việc phát hiện sớm như thế nào ?. Câu hỏi này sẽ được bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp trong phần trao đổi với chúng tôi dưới đây:
   Hỏi: Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân và ý nghĩa của việc phát hiện sớm chứng nghe kém hoặc  điếc ở trẻ em ?
   Bs. Đặng Hoàng Sơn: Có hai nhóm nguyên nhân chính gây điếc hoặc nghe kém ở trẻ em. Đó là điếc bẩm sinh do bất thường trong quá trình phát triển của bào thai thường gặp là do mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai. Nhóm nguyên nhân thứ hai là do mắc các bệnh như: sinh non, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng tai, viêm màng não hoặc chấn thương tai gây vỡ sàn sọ. Ảnh hưởng của nghe kém hoặc điếc đến sự phát triển của trẻ tùy thuộc vào lứa tuổi mắc bệnh. Nếu trẻ bị điếc hoặc nghe kém trong giai đoạn mới sinh thì nhiều khả năng trẻ sẽ không nói được nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu trẻ mắc chứng nghe kém hoặc điếc sau khi đã biết nói thì việc phát hiện sớm giúp trẻ giao tiếp và học hành tốt hơn.
   Hỏi: Những triệu chứng hoặc dấu hiệu nào cho thấy trẻ có thể bị chứng nghe kém hoặc điếc ?
   Bs. Đặng Hoàng Sơn: Các bậc phụ huynh nên lưu ý, trẻ chỉ cần có một trong những dấu hiệu sau đây nên mang đến bệnh viện để kiểm tra xem trẻ có  nghe kém không:
    •         Không phản ứng với tiếng động lớn đột ngột
    •         Không bị đánh thức bởi tiếng ồn
    •         Không xoay đầu theo hướng giọng nói của người thân
    •         Không làm theo hoặc không hiểu các hướng dẫn của bạn
    •         Khó khăn trong phát triển ngôn ngữ
    •         Nói to hoặc không sử dụng kỹ năng ngôn ngữ thích hợp theo tuổi.
   Hỏi: Các bác sĩ sẽ làm gì để xác định trẻ mắc chứng nghe kém hoặc điếc ?
   Bs. Đặng Hoàng Sơn: Các bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ đo điếc thích hợp và hiện đại để phát hiện chứng nghe kém ở trẻ em. Các xét nghiệm này có mức độ chính xác rất cao và đang ứng dụng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
   Hỏi: Xin bác sĩ cho biết cách phòng ngừa như thế nào ?
   Bs. Đặng Hoàng Sơn: Chích ngừa Rubella cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em, tầm soát nghe kém hoặc điếc ở các trẻ có nguy cơ như: viêm màng não, trẻ sinh non, nhẹ cân, vàng da nặng, những trẻ có nằm trong các khoa Hồi sức sơ sinh hơn 5 ngà. Đây là những biện pháp giúp phát hiện sớm hoặc ngăn ngừa điếc ở trẻ em.
Thanh Nhàn