Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

WHO: Bệnh bại liệt không chừa bất cứ đâu!


Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần tăng cường kiểm soát bệnh bại liệt ở những nước được xem là không có bệnh này. Hiện nay, bại liệt đã tái phát ở Indonesia và lan rộng ở Yemen. WHO nhận định, mặc dù Indonesia đã kiếm soát được đợt bùng phát bại liệt đầu tiên kể từ một thập kỷ tính đến nay. Song, hàng trăm người có thể bị nhiễm bệnh dù không hề có triệu chứng gì. WHO cho biết, hiện ở Indonesia có thêm hai ca bại liệt nữa, như vậy tổng số ca bệnh lên tới 6 ca kể từ ngày 3/5. Theo tỷ lệ tính toán trước đây, trong số 200 người nhiễm bại liệt, chỉ có 1 người bị ốm. Như vậy, ở Indonesia có thể có tới 1.200 người mang vi rút bệnh bại liệt mà không hề biết và truyền sang cho người khác. Trong khi đó, ở Yemen hiện có 63 ca bại liệt. Nước này đã hoàn thành giai đoạn tiêm chủng đầu tiên vào giữa tháng 4. Tiêm chủng giai đoạn hai sẽ được tiến hành vào cuối tháng này với sáu triệu liều vắc-xin. Song, các chuyên gia nhận định, có thể có thêm nhiều ca bệnh trước khi nước này kiểm soát được bệnh bại liệt. Theo Oliver Rosenbauer, phát ngôn viên Chương trình xoá bại liệt của WHO, số ca bệnh có thể lên tới 100 trước khi tiến hành tiêm chủng giai đoạn tiếp theo vào tháng này. Hiện tại, Yemen là vùng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Rosenbauer nhận định, càng có thêm nhiều nước tiệt trừ được bệnh bại liệt, nguy cơ bị nhiễm bại liệt lẻ tẻ càng lớn. Điều này xảy ra do các cuộc vận động tiêm chủng bại liệt chấm dứt khi bệnh này được khống chế. Do đó, các em nhỏ vốn dễ bị nhiễm bệnh bại liệt có thể lại mắc bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh bại liệt ở Yemen và Indonesia có thể tạm ngưng do tiêm chủng, song bệnh này sẽ có thể tấn công Somalia, nước khó có thể thực hiện chiến dịch tiêm chủng do an ninh kém. WHO cho biết, năm 2004, trên thế giới có 1.267 trường hợp mắc bệnh bại liệt. Từ đầu năm 2005 đến nay nay, toàn thế giới đã có 198 bệnh nhân nhiễm bại liệt. Trong đó, Nigeria và Yemen là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bệnh bại liệt thường phát sinh do nước bẩn và thường gây nhiễm bệnh cho trẻ em, tấn công hệ thống thần kinh, gây ra chứng liệt, teo cơ, biến dạng và đôi khi dẫn đến tử vong. WHO phát động chiến dịch chống bại liệt vào năm 1988 và tổ chức này hy vọng sẽ loại trừ được bệnh bại liệt trên toàn cầu vào cuối năm nay. Vietnamnet