Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sách "mầm non" hủy hoại thế giới tuổi thơ?


Nếu tìm vào thế giới của một đứa trẻ Mỹ chắc chắn bạn sẽ không thể không gặp chuột Mickey, vịt Donald, nàng tiên cá hay ông già Noel… Tương tự như vậy, tìm vào ký ức tuổi thơ của bất cứ người Việt Nam nào, chắc chắn sẽ có cô Tấm, mụ dì ghẻ, ông Bụt…

Thế nhưng đã không ít lần các bậc phụ huynh lâm vào sự bối rối khó xử khi bị trẻ “vặn” lại: Tại sao cô Tấm hiền lành lại giết cô Cám, và còn băm xác Cám làm mắm rồi gửi cho mẹ Cám ăn?

 
Sách trẻ em được bán tại các hiệu sách và trường mầm non

Những thắc mắc tưởng chừng “vu vơ” nhưng khiến các bậc cha mẹ, thầy cô đau đầu. Phải giải thích làm sao với những tâm hồn thơ trẻ về cách “hành xử” của cô Tấm trong khi hàng ngày chúng ta vẫn dạy các em phải hiền ngoan, phải vâng lời, phải vị tha, phải… đủ thứ!

Với những bộ óc vài năm tuổi, chết là điều gì đó rất mơ hồ, chưa thể lý giải, nhưng chắc chắn rất sợ hãi và đau đớn. Nhưng những người lớn, bằng nhiều cách, đã đem cái chết “phơi” ra trước mặt các em một cách thoải mái “hồn nhiên”, nếu không nói là vô cùng phản cảm và tàn nhẫn. Tại sao có thể coi cái chết và sự giết chóc lại đơn giản và được cổ xúy?

Trong tập truyện tranh Tô màu tranh truyện cổ tích nhiều tập do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành, thế giới được giới thiệu với các bé mầm non như thế này:

“Trước đây, mèo không sống với con người mà sống trong rừng sâu. Lúc đầu mèo chơi với linh dương. Linh dương bị báo cắn chết. Mèo kết bạn với báo, báo cũng bị sư tử cắn chết. Mèo chơi với sư tử, sư tử bị voi đá lăn lóc. Mèo lại thân với voi. Nhưng sau đó, nó phát hiện ra những người đi săn mới là mạnh mẽ và thông minh nhất, thế là nó chọn người làm bạn. Từ đó, mèo sống chung với người dưới một mái nhà!”

 
Các em nhỏ nhận được thông điệp gì qua câu chuyện này?

Một câu chuyện khác: “Trời mưa tầm tã, mèo gõ cửa nhà chuột. Chuột thò đầu ra trông thấy mèo, sợ quá vội đóng cửa lại. Mèo ngọt ngào: “Lần trước có chút hiểu lầm, nhưng lần này tôi sắp chết đói, anh làm ơn cứu tôi với”. Chuột nghe thấy thế vừa sợ vừa thương mèo, đành để cho mèo vào nhà, mèo trở mặt vồ lấy chuột. Chuột sợ quá kêu cứu ầm lên. Đúng lúc đó chó đi qua, nghe tiếng kêu cứu lao ngay tới. Mèo thấy chó, vội buông chuột ra chạy trốn. Trời tối quá, chó nhìn không rõ mèo lại tưởng là cáo, liền cắn cho một nhát chết ngay. Mèo đúng là “gieo gió gặp bão”!"

Trong một quyển sách mỏng 8 trang giấy nhỏ với 5 câu chuyện ngắn đã có đến 3 chuyện kết thúc với cái chết. Nếu không: “Chuột lao ra khỏi hang ăn ngấu nghiến và bị bác nông dân đánh chết”, hoặc nhẹ nhàng hơn thì: “Chim sẻ dùng hết sức tóm con cừu lên nhưng bị dính chặt vào lưng cừu. Thế là sẻ bị người chăn cừu bắt được, nhổ hết lông cánh, buộc dây vào chân cho trẻ con chơi”!

Liệu những tâm hồn non nớt có hiểu được giáo lý thâm sâu của ban biên tập về luật nhân quả, về sự phản trắc, về sự vĩ đại của con người… không? Hay các bé chỉ nhận thấy thế giới chỉ rặt những giết chóc hay hành hạ ác độc?  Chẳng nhẽ thông điệp mà nhà xuất bản này muốn gửi tới các bé thơ là vậy?

 
Liệu những tâm hồn ngây thơ có hiểu được những giáo lý xâu xa của nhà xuất bản qua những câu chuyện thô thiển thế này?

Điều đáng nói là những quyển sách này, cùng với những truyện, tranh tô màu siêu nhân được bày bán ngay tại các cổng trường, thậm chí tận cửa lớp học một số trường mầm non Hà Nội. Chưa nói nội dung sách được các trường kiểm tra hay không, việc các trường biến trường học thàng hàng xén đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh học sinh.

Chị Thanh Tâm, một phụ huynh có con học ở trường mẫu giáo T.H, Hà Nội, thở than: “Ngày nào đi đón con cũng phải “đấu tranh” với nó vì đi qua hàng sách và đồ chơi được bày bán trước cửa lớp, thằng con lại vòi vĩnh đòi mua. Vì chút lợi nhuận, người ta đang làm hư các cháu!”

Chị Phạm Minh Tâm, TT Ban tài chính Trung ương, Hà Nội nói rằng chị thực sự ngạc nhiên trước sự “vô tâm” và “vô tư” của những người biên tập sách thiếu nhi hiện nay. Nhiều quyển sách mầm non chị mua về mà chỉ dám cho con… xem tranh, rồi phải tự sáng tác ra một câu chuyện khác hẳn vì nội dung trong sách quá nhảm nhí, không có tính giáo dục.

Cũng như chị Tâm, các bậc phụ huynh đã từng choáng váng trước những ấn phẩm sách thiếu nhi kiểu “Kỹ thuật vẽ nữ giới”, “Kỹ thuật vẽ thiếu nữ” hay “Kỹ thuật vẽ cách giao đấu” của Nhà xuất bản Trẻ với những cảnh sexy và bạo lực. Nay, trẻ mầm non lại được “tiêm nhiễm” những câu chuyện nhảm nhí, vô nghĩa nữa là do các nhà xuất bản quá “hồn nhiên” hay quá mải mê lợi nhuận?

Dạo qua hàng sách, các ấn phẩm sách cho lứa tuổi mầm non được bày bán khá nhiều, chủ yếu là truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn thế giới, nhưng nhiều hơn cả vẫn là truyện tranh Nhật Bản và các loại sách “siêu nhân”. Những sách có nội dung giáo dục tốt về lịch sử, khoa học khá hiếm hoi và chủ yếu là ấn phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Giáo dục.

Nhiều ấn phẩm được in song ngữ Tiếng Việt - Tiếng Anh với hình ảnh đẹp, nội dung trong sáng do Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành chiếm một vị trí rất khiêm tốn.

Cần lắm lắm những tranh truyện đẹp, trong sáng cho thế giới của trẻ, một thế giới chỉ có những con vật đáng yêu, hiền lành, lung linh sắc màu trong một thế giới thần thoại thanh bình.

 
Những loại sách có tính giáo dục tốt như thế này có số lượng khá khiêm tốn

Trong đó, sư tử nhảy múa bên cạnh hươu nai, hổ làm bạn với ngựa vằn, những tên cướp biển ca hát trên cột buồm và đánh nhau kiểu hài hước. Một thế giới tràn ngập màu sắc và không bao giờ có máu. Tại sao không? 

Ngay người lớn chúng ta cũng đã quá mệt mỏi căng thẳng với đủ thứ tin tức tồi tệ: nào vợ giết chồng, con phản cha, anh chém em xuất hiện hàng ngày trên mặt báo. Người lớn chúng ta cũng thèm lắm lắm một thế giới thần tiên thanh bình cho riêng mình, huống chi những thiên thần bé bỏng.

Hà cớ gì ta phải hủy hoại thế giới của chúng bằng những thứ mà ta gọi bằng cái tên mỹ miều “sản phẩm văn hóa”?

( Theo Tin Tức )