Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ sơ sinh cũng có 'gu' màu sắc


Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy trẻ dưới 4 tháng tuổi không bị mù màu, ngược lại, các bé thể hiện rõ thiên hướng về một vài màu ưa thích. "Một số trẻ có thái độ hứng khởi với một màu duy nhất, trong khi những em khác lại thích vài màu", tiến sĩ Anna Franklin, Phòng thí nghiệm Surrey Baby (Anh) cho biết sau khi nghiên cứu hơn 250 trẻ sơ sinh về khiếu màu sắc. Franklin đã sử dụng một số kỹ thuật test để xác định cách trẻ nhìn màu sắc và thái độ với một màu ưa chuộng. Một trong số kỹ thuật đó là cho bé nhìn cùng một màu nhiều lần, sau đó chuyển sang một màu khác và quan sát xem màu thứ hai có thu hút sự chú ý của trẻ. Một kỹ thuật khác là sử dụng thiết bị camera chuyên dụng để theo dõi chuyển động mắt của trẻ, để xem màu nào trong hai màu đặt cạnh nhau được trẻ nhìn nhiều nhất. "Nếu nhìn màu xanh da trời nhiều lần, trẻ sẽ phản ứng với nó theo cùng một cách và sẽ chóng chán. Nhưng nếu thay đổi, chẳng hạn sang màu xanh lá cây, trẻ tỏ ra phấn khích hơn và lại bắt đầu tập trung ngắm nghía. Điều này cho thấy khả năng phân biệt màu sắc của trẻ, nghĩa là bộ não hiểu rằng 'các màu xanh da trời' thực chất chỉ là một màu", Franklin phân tích. Khi các màu được đặt thành từng cặp, trẻ sơ sinh có xu hướng nhìn màu xanh, đỏ, tía và da cam nhiều nhất, trong khi màu nâu và xám là ít nhất. Các em cũng ít khi nhìn màu nâu trước khi nó nằm cạnh những màu khác, chứng tỏ đây là màu không hấp dẫn trẻ. Về lý thuyết, nếu cha mẹ biết con thích màu nào nhất, họ sẽ sơn phòng riêng của trẻ và mua đồ chơi, quần áo có màu đó. Tuy nhiên, "tốt nhất là cho trẻ tiếp xúc với màu sắc đa dạng để phát triển hoàn hảo", Franklin nói. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Franklin sẽ thu thập thêm dữ liệu và tìm hiểu xem liệu thiên hướng màu sắc của trẻ có thay đổi theo tuổi, liệu có phải bé gái thích màu hồng và bé trai thích màu xanh da trời. Ngoài ra, họ muốn biết cái gì ở màu sắc làm cho chúng trở nên hấp dẫn với trẻ, ví dụ như độ sáng, độ đậm, hay hiện tượng quang phổ màu... Trong một nghiên cứu khác của tiến sĩ Nicola Pitchford và cộng sự, Đại học McGill (Canada), trẻ dưới 4 tuổi - giai đoạn chập chững đi - thường học cách gọi tên màu sắc yêu thích trước và màu ghét sau. Theo Pitchford, trẻ bắt đầu hiểu và gọi tên màu sắc vào khoảng 3 tuổi và có một số màu được nhận thức sớm hơn số khác. Những màu như nâu và xám ít được ưa chuộng hay được trẻ học cách gọi tên sau cùng. Nguyên nhân có thể do sách vở và đồ chơi dành cho trẻ trước tuổi đi học thường chỉ sử dụng và đặt tên các màu cơ bản. Màu nâu và xám là những thuật ngữ ít được cha mẹ, sách truyện và chương trình TV dành cho trẻ sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù các màu cơ bản được nhắc đến thường xuyên hơn so với những màu thứ cấp như hồng, da cam, đỏ tía, trẻ dường như vẫn học tất cả các màu này nhanh như nhau. "Hẳn phải có thứ gì đó nữa đang diễn ra trong đầu trẻ", Pitchford nhận định. Sự khác biệt văn hóa Nhóm nghiên cứu của Pitchford cũng tìm hiểu vai trò của sự khác biệt văn hóa đối với sở thích màu sắc của trẻ. Bà đã quan sát 24 trẻ Trung Quốc và 24 trẻ người Anh từ 3 đến 5 tuổi và nhận thấy, cả hai đều thích màu sắc giống nhau, ví dụ như những màu đậm được chú ý nhiều hơn màu nhạt trong cùng một gam xanh. Người ta phỏng đoán rằng trẻ con Trung Quốc sẽ thích màu đỏ hơn vì màu này hàm ý may mắn, song điều này đã không xảy ra. Tương tự như khả năng ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu tưởng rằng trẻ sẽ học cách gọi tên những màu phức tạp như "yellow" (màu vàng) sau những màu đơn giản như "red" (đỏ). Một lần nữa, giả định này hoàn toàn sai lầm. Còn về hai màu kém hấp dẫn là nâu và xám, theo Pitchford, quan niệm của trẻ có thể liên quan đến yếu tố tiến hóa. Trẻ đã được "dạy trước" rằng màu nâu đồng nghĩa với sự bẩn thỉu, còn màu xám đi liền với sắc mặt ốm đau. Vnexpress