Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sổ mũi có nên dùng thuốc kháng dị ứng???


Đa số sổ mũi ở trẻ em là biểu hiện nhẹ của bệnh Viêm mũi họng do nhiễm các loại siêu vi trùng đường hô hấp, hoặc do nhạy cảm với thời tiết. Trẻ mới sinh trong 3 tháng đầu rất thường bị sổ mũi, nghẹt mũi, do đó thường có tiếng thở “khò khè” (xuất phát từ mũi, có thể lan truyền xuống lồng ngực, gây chẩn đoán lầm là “viêm phế quản”)
“Nghịch lý” hiện nay là nhiều phụ huynh  còn sử dụng các thuốc “kháng histamine” như “clo-phê” để làm ngưng chảy mũi nước. Thuốc này  có tác dụng phụ là làm khô niêm mạc, chớ không do tác dụng kháng dị ứng, vì trên thực tế bệnh viêm mũi dị ứng thật sự rất ít gặp ở trẻ nhỏ.
 Bất lợi của thuốc “clo-phê” là làm tăng độ quánh của đàm, làm ho nặng hơn, và làm vùng mũi họng dễ bị bội nhiễm, do đó khi đã sử dụng thuốc này để “chữa triệu chứng” bệnh sỗ mũi  thì thường phải kèm theo kháng sinh.
Ở các trẻ lớn (trên 3 tuổi) có bố mẹ mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm, nếu thường xuyên xuất hiện các triệu chứng: sổ mũi, đặc biệt là NGỨA MŨI, thường xảy ra khi ăn các thức ăn lạ dễ gây dị ứng như tôm cá biển, đậu phộng, trứng…, hoặc khi môi trường không thuận lợi như có người hút thuốc, mùa xuân nhiều hoa nở (thường ở xứ lạnh) cần nghĩ đến bệnh viêm mũi dị ứng.
Trường hợp này mới dùng các thuốc kháng histamine, có khi kéo dài. Ngoài ra, cần đi thử dị nguyên, xem bị dị ứng với yếu tố nào. Khi đó, nên xịt thuốc ngừa kéo dài (Thuốc “Flixonase”) để kiểm soát bệnh, tránh tái phát quá gần, gây trở ngại cho sinh hoạt.


BSCK2.NGUYỄN CÔNG VIÊN (Trưởng khoa Khám trẻ em Lành mạnh)