Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chứng đau nửa đầu ở trẻ em


 Bé gái L.T.T.Tr, 11 tuổi được mẹ đưa đến phòng khám Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì cơn đầu đầu dữ dội. Em kể với bác sĩ: “Con đau và khó chịu lắm, đầu con nhức dữ dội, con đau bụng và mắc ói nữa”. Lúc đầu, Tr chỉ bị đau mỗi tháng một lần, rồi sau đó cơn đau đầu xuất hiện nhiều hơn, mỗi tuần một lần làm em rất khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập.
   Đây là một trường hợp bị chứng đau nửa đầu – hay còn gọi là thiên đầu thống. Khoảng 5% trẻ em bị mắc chứng bệnh này. Khi còn nhỏ, tỷ lệ bị đau nửa đầu ở trẻ trai và trẻ gái là như nhau, nhưng khi qua 12 tuổi, đến thời kỳ dậy thì thì các bé gái lại mắc nhiều hơn bé trai. Đau nửa đầu thường xuất hiện từ 1 – 4 lần mỗi tháng. Triệu chứng thường thấy là cơn đau như búa bổ ở một hoặc đôi khi hai bên đầu. Trẻ đồng thời có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, đau vùng dạ dày, trẻ trở nên nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, mùi vị và dễ buồn ngủ. Cơn đau đầu thường biến mất sau một giấc ngủ sâu.
   Nguyên nhân gây đau nửa đầu:
   Chưa có nhà khoa học nào giải thích được vì sao chứng đau nửa đầu xảy ra ở người này mà không xuất hiện ở người khác. Một số nhà nghiên cứu thấy rằng trẻ dễ bị chứng đau nửa đầu hơn nếu trong gia đình có người thân từng bị. Một số yếu tố có thể khởi phát cơn đau bao gồm:
   - Căng thẳng thần kinh
   - Đến chu kỳ kinh nguyệt
   - Dùng quá nhiều chất caffein. Ví dụ như uống nhiều Coca
   - Dùng các thực phẩm như pho mát, bánh pizza, socola, kem.
   - Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
   - Thay đổi thời tiết
   - Đi du lịch xa
   Có thể nhận biết cơn đau đầu sắp xảy đến không?
   Khoảng 20% trẻ có những biểu hiện dự báo thoáng qua về một cơn đau đầu sắp xảy đến. Những biểu hiện thường gặp là: mờ mắt hoặc nhìn thấy những điểm hay những đường vạch sáng, những chiếc bong bóng đủ màu, hoặc ngửi thấy mùi thơm. Những biểu hiện này thường xảy ra trước cơn nhức đầu khoảng 10 – 30 phút.
   Điều trị như thế nào?
   Trước tiên, bé phải được khám để loại trừ một số bệnh lý thực thể như u não, viêm não…Thường thì chứng nhức nửa đầu không nguy hiểm, nhưng lại gây khó chịu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Khi cơn nhức đầu xảy ra thường xuyên, kéo dài thì cha mẹ nên giúp trẻ ghi nhận lại thời khoá biểu xảy ra những cơn nhức đầu trong ngày, từ đó có thể tìm được yếu tố góp phần làm khởi phát cơn đau.
   Về điều trị thì có thể áp dụng những cách sau dưới sự kê đơn của bác sĩ:
   - Dùng thuốc giảm đau. Ví dụ như Acetaminophene hoặc Ibuprofen
   - Dùng thuốc chống ói
   - Một số thuốc an thần giúp trẻ dễ ngủ
   Làm sao để phòng ngừa được?
   Một tin vui là chứng đau nửa đầu sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên. Mặc dù vậy, các bậc phụ huynh cũng nên tránh cho trẻ ăn nhiều socola, pho mát, tránh uống thức uống chứ caffein, tránh những hoạt động có thể gây nhức đầu như ngồi máy vi tính quá lâu, nghe nhạc ầm ĩ. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ thường xuyên tập luyện thể thao để giảm stress. 
                                                                                 Bác sĩ Như Huỳnh