Mặc dù Bộ Tài chính đã 2 lần giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa từ 10% xuống còn 5%, rồi tiếp tục xuống 2-3% nhưng hầu hết các loại sữa trên thị trường đều không giảm giá.
Chị Hà ở quận Thanh Xuân than thở: Không hiểu vì sao mà từ đầu năm tới giờ sữa vẫn không có dấu hiệu giảm giá mà liên tục tăng, mặc dù Nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu. Trước đây một túi sữa tươi Vinamilk 200ml có giá 2.500-2.700đ nay đã tăng lên 3.200-3.500 đ/túi. Một bịch sữa 4 hộp 250ml từ 13.000-14.000đ tăng hẳn lên 15.000-17.000đ. Những loại sữa nhập khẩu giá còn tăng nhiều hơn. Trước mua hộp sữa Enfa Mama 900g có giá 180.000đ nay đã là 220.000-230.000đ. Trước sự tăng nhanh của giá sữa, đầu tháng 8/2007, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giảm thuế suất nhập khẩu nguyên liệu sữa từ 20% xuống 10%, rồi xuống còn 5%. Gần đây, ngày 6/11, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu liên quan đến sữa từ 10% xuống còn 3-7%. Thế nhưng trên thị trường giá sữa vẫn không có dấu hiệu giảm. Gần đây, khi hãng sữa Mead Johnson tuyên bố giảm giá một số mặt hàng, nhiều người tiêu dùng đã nuôi hy vọng giá sữa sẽ giảm do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, hãng này cũng chỉ giảm giá một số mặt hàng bán chậm để kích cầu chứ không phải là hiệu ứng từ việc giảm thuế nhập khẩu. Lý giải về vấn đế này, ông Lê Viết Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hancofood, chủ thương hiệu sữa Dollac - cho biết: Việc giảm thuế nhập khẩu không làm cho giá sữa giảm là bởi thuế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành tại thị trường Việt Nam, giảm thuế chỉ giúp doanh nghiệp bớt đi một phần nhỏ chi phí đầu ra . Nguyên nhân chủ yếu của việc sữa tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay là do giá sữa nguyên liệu nhập khẩu ngày một tăng cao, trong khi gần 80% nguyên liệu sữa bột hiện nay đều phải nhập khẩu. Đầu 2007, sữa nguyên liệu nhập khẩu chỉ có giá 2.500 USD/tấn, thì đến thời điểm này đã là 5700 USD/tấn. Như vậy, 1 kg sữa trong nước phải bán với giá 120.000đ, trong khi đó, 1 hộp sữa 400g, chúng tôi cũng chỉ bán với giá 55.000 -56.000đ/kg. Với giá sữa nguyên liệu nhập khẩu cao như hiện nay thì cho dù Nhà nước có giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu xuống còn 0% thì sữa vẫn không thể giảm giá. Giá sữa chỉ tăng mà không thấy giảm Giá nguyên liệu tăng là lý do mà hầu hết các nhà sản xuất đưa ra để lý giải cho việc tăng giá bán các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo sự phân tích của nhiều công ty nghiên cứu thị trường lại cho rằng: giá sữa cao không hẳn vì giá nguyên liệu tăng mạnh mà còn do giá sữa còn phải "gánh" nhiều khoản chi phí khác như: quản lý, quảng cáo, tiếp thị, cũng như lãi ròng của nhà sản xuất và những chi phí này, người tiêu dùng phải chi trả. Những chi phí này đặc biệt cao đói với những chủng loại sữa nhập khẩu. Được biết: cùng một lon sữa bột có trọng lượng 400gr lấy nguồn nguyên liệu từ một nhà cung cấp ở NewZealand, chất lượng và thành phần ngang nhau; hàng sản xuất trong nước chỉ bán khoảng 52.000 đồng, trong khi sữa ngoại hơn 100.000 đồng. Trong khi giá thành sản xuất tương ứng của 2 loại sữa nội ngoại là 45.800 và 58.800 đồng/hộp. Song, chênh lệch của 2 loại nội ngoại là chi phí sản xuất hàng nhập khẩu cao gấp 3 lần, chi phí quản lý cũng cao hơn 10 lần sản phẩm trong nước. Hiện chi phí tiếp thị cho sản phẩm sữa nhập khẩu chiếm rất cao trong thương hiệu, ước tính đến 30- 50% giá bán. Do đó các hãng sữa ngoại phải bán hàng với giá cao gấp 2-2,5 lần giá sản phẩm nội địa. Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiêu thụ sữa đầy tiềm năng do dân số đông, mức sống người dân đang được nâng cao rõ rệt. Việc giá sữa tăng cao không chỉ ở Việt Nam mà còn đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới do tình hình chung nguyên liệu sữa, giá bao bì tăng. Tuy nhiên, có một số DN đã vin vào lý do đó để tăng giá không thỏa đáng. Trước "cơn sốt" tăng giá sữa, người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm bằng cách sử dụng với lượng ít hơn hay mua loại hộp giấy thay vì hộp thiếc. Để giải quyết tận gốc vấn đề này thì việc giảm thuế nhập khẩu là hoàn toàn không đủ mà điều quan trọng, trong tương lai cần phát triển mạnh hơn nữa việc phát triển đàn bò sữa để không quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (hiện nguồn sữa trong nước cũng chỉ đáp ứng được 24% nhu cầu tiêu dùng). Ngoài ra cần phải xây dựng nhà máy chế biến sữa bột cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất sữa, từ đó hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần rà soát chặt chẽ và có chế tài quản lý trong việc chi phí qúa nhiều cho quảng cáo sản phẩm sữa nhập khẩu. ( Theo Netlife ) |