Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Loạn sách dinh dưỡng cho trẻ


Bà mẹ trẻ Lý Thị Hương (Q.8, TP.HCM) sau khi mua quyển sách Những món ăn dành cho trẻ suy dinh dưỡng từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 về nhà thì phát hiện “quá nhiều bài thuốc không thể hiểu được”. Và khi đem hỏi các bác sĩ, có người đã thốt lên: trời ơi, những món thuốc chưa hề thấy trong giáo trình dinh dưỡng...

“Một bài thuốc dinh dưỡng chỉ có giá trị khi qui định thành phần dinh dưỡng của từng chất tính theo số lượng trong đơn thuốc ấy. Hiện nay có quá nhiều sách chỉ khuyên các phụ huynh cho con ăn chất này, chất nọ nhưng không thuyết minh được thành phần dinh dưỡng là thiếu cơ sở khoa học” - bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định.

 
 Các bà mẹ lựa chọn mua sách dinh dưỡng cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM (Ảnh: Minh Đức)

Dinh dưỡng từ bột lá khoai và vỏ trứng!

Anh Thanh Tùng ở Bà Rịa  - Vũng Tàu nhưng thường xuyên tranh thủ các chuyến lên TP.HCM tìm sách dạy nuôi con, tâm sự: “Tôi mua quyển 100 món ăn giúp bé mau lớn, khỏe mạnh, thông minh giá 15.000 đồng, trong thực đơn món nước rau dành cho trẻ 4-6 tháng tuổi có chỉ cách dùng rau chân vịt và muối tinh.

Tôi không hiểu rau chân vịt là rau gì, hỏi các bác sĩ trong bệnh viện nhi đồng thì được trả lời là không biết”. Anh Tùng bày tỏ sự lúng túng khi không biết có nên tin theo sách này không?

 Cần thẩm định chất lượng

Các tựa sách dinh dưỡng cho trẻ luôn được tác giả "giật" cho bắt mắt và thu hút: Những món ăn dành cho trẻ suy dinh dưỡng, Giải đáp về dinh dưỡng cho trẻ, Thực đơn bổ dưỡng ăn dặm cho bé, 100 món ăn tăng cường sức đề kháng và bồi bổ trí não cho trẻ (!)... Xuất bản các sách này là chức năng nhiệm vụ của NXB Y Học. Nhưng thị trường sách dinh dưỡng cho trẻ em hiện nay có đủ mặt sách từ các NXB khác.

"Điều này đòi hỏi cần phải có một hội đồng khoa học thẩm định chất lượng các bản thảo sách về dinh dưỡng cho trẻ trước khi xuất bản. Bởi đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng, không thể thả nổi như lâu nay được" - bác sĩ Hoa nêu kiến nghị.
Chưa hết, trong quyển Những món ăn dành cho trẻ suy dinh dưỡng (tác giả: Lý Thị Ngọc Anh, Nguyễn Phượng Giang, NXB Thanh Niên) ở trang 24 có hướng dẫn cách nấu cháo bột lá rau khoai với thành phần là bột lá rau khoai lang cùng với dầu mè, muối, bột gạo lức.

Sách không hướng dẫn cách chế biến cháo bột lá rau khoai như thế nào nhưng lại khẳng định: “Nếu không biết cách nấu, cháo thịt, cá, tôm vẫn không đủ độ dinh dưỡng bằng loại cháo này”(!).

Nhận xét thực đơn này, các bác sĩ khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng: “Một món cháo chỉ có bột lá rau và bột gạo thì thiếu hẳn chất đạm, không thể gọi là đủ chất dinh dưỡng”.

Cũng trong tập sách 100 món ăn giúp bé mau lớn, khỏe mạnh, thông minh trên, thực đơn dành cho “trẻ bị còi xương mau hồi phục” có hướng dẫn cách chế biến bột canxi từ vỏ trứng bằng cách dùng vỏ trứng gà rang giòn, tán nhuyễn, rây mịn cho vào cháo để... tăng lượng canxi cho trẻ.

“Chúng tôi không hiểu công thức chế biến bột canxi như thế này có cơ sở từ đâu, bởi canxi trong vỏ trứng là canxi thô, liệu trẻ có thể hấp thụ được bằng cách nấu cháo như thế không? Trong khi ngày nay có rất nhiều sữa, thức ăn có hàm lượng canxi cao, sao lại hướng dẫn cách dùng bột canxi từ vỏ trứng như vậy?” - bác sĩ Nguyễn Thị Hoa bày tỏ nghi ngờ tính khoa học của thực đơn trên.

“Và, ngay cả NXB Y Học cũng chưa ổn” - một bác sĩ chuyên về bệnh nhi giới thiệu chúng tôi tập sách Phương pháp chế biến thức ăn cho trẻ của NXB Y Học do một nhóm dịch giả chuyển ngữ từ quyển sách Sổ tay dưỡng dục trẻ dưới 6 tuổi của Trung Quốc, trang 141 và 142 hướng dẫn cách chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ nhưng không đúng nguyên tắc bốn nhóm thức ăn bổ sung cho trẻ.

 Thả nổi và hệ lụy

 
 Rất nhiều sách dinh dưỡng trẻ em chưa được thẩm định (Ảnh: LĐiền)

Điều đáng chú ý là các sách dinh dưỡng cho trẻ thuộc loại cung cấp kiến thức khoa học, nhưng hầu hết đều không ghi nguồn tài liệu tham khảo. NXB Thanh Niên với các sách: Những món ăn dành cho trẻ suy dinh dưỡng; 100 món ăn giúp bé mau lớn, khỏe mạnh, thông minh; 100 món ăn dành cho trẻ biếng ăn, khó nuôi; 100 món ăn bổ dưỡng hấp dẫn của tác giả Lý Thị Ngọc Anh, Nguyễn Phượng Giang - NXB Văn Hóa Thông Tin với tập sách Thực đơn ăn dặm cho trẻ của tác giả Hồng Việt... đều không ghi nguồn tài liệu tham khảo.

Những kiến thức lệch lạc trong rừng sách dinh dưỡng đang bị thả nổi như hiện nay khiến nhiều gia đình quan ngại. Bác sĩ Kim Hưng - chuyên gia về dinh dưỡng tại TP.HCM - từng than phiền: “Hằng ngày tiếp xúc với các bà mẹ, chúng tôi không khỏi buồn lòng khi thấy những lỗi lầm sơ đẳng nhất trong cách nuôi trẻ vô cùng phổ biến, làm các bé nhiều khi ngồi trên đống thức ăn mà vẫn bị đói ăn, thiếu chất”.

Đôi vợ chồng Lưu Huỳnh và Bảo Quyên (TP.HCM) tự mày mò tìm hiểu cách bổ sung dinh dưỡng cho con trong các sách, cho biết từng bỏ một vài quyển sách sau khi mua vì “phát hiện kiến thức trong sách sai nhiều quá, không dùng được”.

Nhưng số người tự rút ra kết luận về chất lượng sách dinh dưỡng không nhiều. Hiện nay có xu hướng nhiều người tìm mua các loại sách dịch từ sách nước ngoài. “Đây cũng là điều dẫn đến những hệ lụy khác nhau vì thực đơn của các nước phương Tây khác VN. trong thực tế có một số trẻ sử dụng phương pháp dinh dưỡng phương Tây đến khi lớn lên đã mất khả năng ăn một số món truyền thống như mắm, dưa của VN” - cô Nguyên Hương, cựu giáo viên ở Khánh Hòa, nhận định.

( Theo Tin Tức )