Hàng ngàn giáo viên mầm non nông thôn “kêu cứu” Từ nhiều năm nay, đời sống cô giáo mầm non nông thôn luôn chật vật. Nhiều nơi, giáo viên phải nhận lương bằng... gạo, khoai...
Học phí 15.000đồng/tháng vẫn không có? Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 159.134 giáo viên nhà trẻ và mầm non, trong đó có 1.319 giáo viên trong biên chế (chiếm 42%). Cả nước vẫn còn 58% giáo viên mầm non ngoài biên chế tập trung chủ yếu ở các trường bán công và bán công nông thôn. Đời sống của các giáo viên mầm non nông thôn hoàn toàn phụ thuộc vào đóng góp của phụ huynh, hoặc ngân sách ít ỏi của địa phương. Nơi nào kinh tế khá giả thì thu nhập của giáo viên đủ sống, nơi nào kinh phí khó khăn, cuộc sống người dân eo hẹp thì giáo viên mầm non cũng phải đồng cam cộng khổ theo. Tại xã Đào Viên (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), cả xã có 453 hộ dân thì còn 57 hộ nghèo. Học phí bậc mầm non bán công nông thôn theo quy định của huyện là 30.000 đồng/tháng/trẻ. Thế mà nhiều gia đình vẫn không có khả năng đóng. Hàng năm, giáo viên phải đến tận nhà thu nhưng phụ huynh vẫn xin khất. Cũng như ở xã Đào Viên, mức thu học phí bậc mầm non bán công nông thôn ở xã Hòa Tiến (Bắc Ninh) là 30.000 đồng/trẻ/tháng, nhưng ở đây giáo viên không có khái niệm lĩnh lương một tháng hai kỳ mà được quyết toán một năm hai lần, tùy theo đóng góp của các bậc phụ huynh. Một giáo viên (xã Đào Viên) kể: Có những gia đình cho con đi học nhưng cả năm vẫn không đóng tiền, chỉ động viên: “Cô cứ yên tâm. Cuối năm chúng tôi đóng”. Cuối năm, có khi sang cả hè, giáo viên phải đến tận nhà thu. Còn hiện tượng thất thu học phí năm nào cũng diễn ra, nhà trường đành chịu, vì dân không chịu nộp tiền. Do vậy, thu nhập của giáo viên mầm non nông thôn cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ vùng nông thôn các tỉnh, ngay huyện Sóc Sơn và Đông Anh của TP Hà Nội, tình hình cũng không khả quan hơn. Huyện Sóc Sơn có 26 xã, trong đó có 8 xã miền núi, 10 xã đất bạc màu và tám xã vùng chiêm trũng. Hiện tại, huyện Sóc Sơn có 25 trường mầm non nông thôn với 656 giáo viên mầm non ngoài biên chế. Học phí của các trường mầm non nông thôn ở đây phổ biến ở mức 50.000 đến 60.000 đồng/tháng/trẻ. Một giáo viên mầm non huyện Sóc Sơn, cho biết: “Quy định đóng học phí là 50.000 đồng/tháng/trẻ mà nông dân vẫn kêu cao” Huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Ông Hoàng Kế Khiêm, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Anh cho biết: “Đông Anh có 23 xã và 1 thị trấn, toàn huyện có 26 trường mầm non, trong đó có 2 trường tư thục, 1 trường công lập, 23 trường bán công nông thôn. Học phí của các trường bán công nông thôn phổ biến ở mức 50 đến 60.000 đồng/tháng/trẻ”. Chị Hoàng Thị Bảy, phụ huynh cháu Lê Thu Trang trường mầm non bán công Uy Nỗ (Đông Anh) phàn nàn: “Người dân chúng tôi, quanh năm trông chờ vào mấy sào ruộng, 3,4 tháng mới thu hoạch được vài tạ thóc, tính theo thị trường, 1 tạ thóc được 4 triệu đồng nếu không chăn nuôi và làm nghề phụ nuôi 2 con ăn học không đủ. Bậc mầm non học phí 60.000 đồng/tháng/trẻ là cao rồi, nếu nhiều hơn dân lấy tiền đâu ra mà đóng”. Trả lương bằng.... gạo, khoai Ông Hoàng Kế Khiêm Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Anh, cho biết: “Huyện Đông Anh có 23 trường mầm non đang hoạt động dưới hình thức bán công nông thôn. Hiện tại, huyện Đông Anh vẫn phải rút ra 450.000 đồng/tháng để hỗ trợ lương cho giáo viên ngoài biên chê”. Đặc điểm lao động của các cô giáo mầm non nông thôn ngoài biên chế, số giờ lao động khá căng thẳng. Thông thường, các cô phải có mặt ở lớp từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ mới về. Và hầu hết các cô đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thấp nhất là trung cấp, tất cả đều đạt chuẩn đào tạo. Nhưng khi trở về dạy học cũng chỉ hưởng lương ngoài biên chế với mức tiền “còm cõi” không đủ sống. Ở Hà Nội đời sống giáo viên mầm non nông thôn ngoài biên chế còn vậy, nói gì đến những địa phương miền núi. Ông Phạm Quốc Vinh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình), gần 30 năm công tác, lặn lội ở tất cả 171 xóm thuộc 20 xã của huyện. Ông Vinh kể: “Huyện Đà Bắc có tới 2/3 xóm thuộc xã vùng sâu, muốn đến được nhà dân phải đi bộ. Có những xã như: Đồng Ruộng, Tân Dân, Tiền Phong dân cứ bám lòng hồ, nước ngập đến đâu, lên bờ cao sống đến đấy. Người dân sống bằng hái măng, bắt cá hồ, tuy có khá hơn 20 năm trước đây là không còn phải ăn củ nâu trừ bữa, hoặc ăn gốc cây đu đủ trộn lẫn gạo đồ lên cho quên cái đói. Nhưng đời sống còn cực lắm. Hàng hóa của nông dân giờ là củ rong, củ sắn, cây bương, bán để mua gạo ở đồng bằng đưa lên vì đất ở đây bạc màu không trồng được lúa. Trong bối cảnh học phí của trẻ mầm non đóng theo quy định của tỉnh chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/tháng, ở mức gần như thấp nhất mà cũng không thu nổi”. Được biết, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) có 186 cô giáo mầm non hợp đồng với tỉnh có đóng bảo hiểm xã hội (lương 450.000 đồng/tháng) còn lại, 94 cô giáo mầm non hợp đồng với xã, với trường chỉ được trả 100-150.000 đồng/tháng. Có xã chỉ trả các cô giáo bằng ngô, lúa theo thời vụ. Điều kiện sống của các giáo viên mầm non nông thôn ngoài biên chế cực kỳ nan giải. Trong những trường hợp như vậy, các cô giáo mầm non ngoài biên chế phải sống bằng nhiều cách, như: chăn nuôi, trông vào mấy sào lúa... nhưng cũng chỉ đủ gạo ăn chứ chẳng đủ để tích lũy. Theo Tuổi trẻ thủ đô |