Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bị tiểu đường khi mang thai sẽ sinh khó


Các nhà khoa học Mỹ ngày 28-8 vừa công bố một nghiên cứu khoa học cho biết phụ nữ bị tiểu đường trong quá trình mang thai (tiểu đường thai nghén) nếu điều trị dứt điểm sẽ tránh cho đứa trẻ sinh ra bị nguy cơ béo phì khi còn nhỏ
Tiểu đường thai nghén là căn bệnh khá phổ biến do quá trình mang thai gây sức ép lên cơ thể người mẹ và nhiều thai phụ phản ứng lại với insulin dẫn tới tỉ lệ đường trong máu cao. Lý do các nhà khoa học nghiên cứu vấn đề này vì bởi nếu tiểu đường không được chữa trị, nó sẽ làm tăng trọng lượng của đứa trẻ và việc này còn dẫn đến tình trạng khó sinh. Bên cạnh đó, mức độ đường trong máu của người mẹ càng cao thì nguy cơ đứa trẻ bị béo phì càng nhiều.

Trong công trình nghiên cứu, nhà khoa học Teresa Hillier và các đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế Kaiser, Mỹ, đã kiểm tra y bạ của trên 9.400 phụ nữ sinh con trong thời kỳ từ năm 1995 đến 2000, nhằm tìm hiểu bệnh tiểu đường không được điều trị trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với những đứa trẻ từ 5 tới 7 tuổi.

Kết quả: Nếu bà mẹ bị tiểu đường thai nghén không được điều trị ngay thì đứa trẻ có nguy cơ bị béo phì hoặc thừa cân cao hơn tương ứng là 82% và 89%. Còn với những trẻ mà mẹ được điều trị thì nguy cơ ngang bằng với những trẻ mà mẹ không bị tiểu đường trong quá trình mang thai.

Kết quả công trình nghiên cứu cũng là lời nhắc nhở tới những phụ nữ sắp làm mẹ: Hãy thực hiện nghiêm túc việc điều trị tiểu đường trong thời kỳ mang thai.
 
Người Lao Động