Chưa bao giờ, ngành mầm non trong hệ thống giáo dục nước ta lại chịu nhiều điều tiếng như lúc này: từ chuyện “tát yêu” trẻ đến đỏ hồng má ở Trường Mầm non tư thục Sơn Ca (Hà Nội), đến những chuyện chẳng giống ai như kiểu dọa “luộc chín” hay “cắt tiết” nếu bé không nghe lời cô xảy ra ở nhiều địa phương… Nhưng đau lòng hơn cả vẫn là vụ bé Trân bị cô bảo mẫu dán băng keo đến ngạt thở, hiện mạng sống đang leo lắt như ngọn nến trước gió. Và lẽ nào nụ cười trẻ thơ đã vụt tắt trong cơn lốc “thương mại hóa” làm đảo lộn những chuẩn mực và giá trị sống?
Nhiều chuyên gia cho rằng lỗi chính của hệ thống vận hành là lỗi “con chip” giáo viên không có “bằng trung cấp sư phạm”, không có năng lực chuyên môn, không có phương pháp sư phạm, không có tình thương yêu trẻ vốn rất cần cho môi trường đặc biệt này. Và để biến cái “không” thành “có” thì phải cần thêm những văn bản từ cấp Bộ GD-ĐT để hướng dẫn cụ thể công tác dạy dỗ, chăm sóc trẻ… Tức là phải có “chuẩn” giáo viên làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục tuyển dụng. Tất cả những điều này đều đúng và cần phải làm ngay. Song thực tế cho thấy những quy định và chuẩn mực về giáo dục mầm non chúng ta đã có thừa và nếu có thêm nữa thì cũng… khó áp dụng trong thực tiễn dạy và học. Chẳng hạn đã có những quy định hết sức cụ thể trong mở trường lớp bậc mầm non: Đối với nhóm trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi, tối thiểu 3-4 trẻ/người nuôi dạy trẻ và không quá 15 trẻ/nhóm; trẻ từ 7-12 tháng tuổi, tối thiểu 6-7 trẻ/người nuôi dạy trẻ và không quá 18 trẻ/nhóm… Đối với lớp mẫu giáo 30-45 em phải có ít nhất 2 giáo viên và 1 bảo mẫu. Bảo mẫu hay người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn theo chương trình của ngành giáo dục. Thế nhưng – theo thừa nhận của chính những người soạn thảo và thực thi những quy định kể trên – nếu cứ theo “barem” này – thì sẽ không… còn tồn tại những nhóm trẻ và trường tư thục mầm non đúng nghĩa. Lý do? Đơn giản là không tuyển dụng đủ giáo viên có tài, có đức, có “bằng” chính quy. Và đâu là lời giải cho bài toán tối ưu về đáp ứng số lượng và chất lượng bậc học mầm non? Trước tiên, điều cần khẳng định là chủ trương xã hội hóa bậc học mầm non đã tìm ra được “nghiệm” đầu là số lượng như TPHCM đã phát triển sâu rộng mạng lưới mầm non tư thục với 266 trường mầm non tư thục và hơn 735 nhóm lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình với hơn 100.000 trẻ trong độ tuổi. Đây là con số hết sức khích lệ trong điều kiện các hộ gia đình cùng chia sẻ gánh nặng ngân sách giáo dục với nhà nước. Nhưng “nghiệm” thứ 2 của bài toán – vấn đề chất lượng - xem ra còn khó tìm hơn nếu không nói là đành phải chép miệng truy cập mạng “botay.com”?! Thực chất, hệ thống các trường lớp, nhóm trẻ tư thục được thành lập chủ yếu đáp ứng nhu cầu các gia đình nghèo, thu nhập thấp. Vì không có điều kiện tài chính, không đủ “mối quan hệ” để vào trường quốc tế hay trường công, họ đành gửi con ở các cơ sở mà bản thân ngành GD-ĐT cũng không hay biết sự tồn tại của chúng. Đơn cử như bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM đã thẳng thắn thừa nhận: “Với số lượng cán bộ chuyên trách của các phòng giáo dục (3-5 người), nếu chỉ thanh tra định kỳ thôi cũng không đủ sức. Về tiêu chuẩn giáo viên, lúc kiểm tra cấp phép thì đạt yêu cầu. Nhưng trong năm nhiều giáo viên nghỉ ngang, họ tuyển đại người không có trình độ thì không thể biết được”. Rõ ràng, giải bài toán xã hội hóa ngành mầm non không đơn giản chút nào. Ở nhiều nước, ngành này được bao cấp, miễn phí hoàn toàn, còn chúng ta – do nhiều nguyên nhân – mới chỉ dám “phổ cập” trẻ từ 5 tuổi. Đây có lẽ chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần sự “phổ cập” ngay từ các lớp mầm non – bước cải cách quan trọng nhất của quá trình cải cách hệ thống giáo dục. Và điều đáng nói nữa là một mình ngành giáo dục không thể tự giải quyết những vấn đề tồn tại trong ngành nếu không có sự tham gia trực tiếp của chính quyền các cấp. Ở đây cần nói rõ một nghịch lý hiện hữu là các cơ sở giáo dục bao giờ cũng được ưu tiên… từ dưới lên trong bảng tổng sắp các hạng mục cần xây dựng. Đó là lối suy nghĩ và quy hoạch không thể chấp nhận được vì như đại văn hào V.Hugo từng nói “thêm một trường học là bớt đi một nhà tù”. Và bao giờ chúng ta mới có được điều mong mỏi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”? ( Theo SGGP )
|