Con nhà giàu vẫn suy dinh dưỡng Nuôi trẻ, ngược lại với nỗi lo làm thế nào để trẻ không bị béo phì, là nỗi lo trẻ bị suy dinh dưỡng. Một thực tế tưởng như phi lý là nhiều trẻ con nhà giàu vẫn bị suy dinh dưỡng, thậm chí bị nặng, phải nhờ đến các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn uống hợp lý.
“Nhồi” khiến trẻ phát ớn Không ai nghĩ, bé Nguyễn Thùy Trân (Hạ Đình, Thanh Xuân) lại bị suy dinh dưỡng, bởi chị Vinh, mẹ của bé luôn dành thời gian chăm sóc. Ngày ngày, chị mua đủ thứ thịt, xương hầm, sữa, hoa quả… cho bé ăn. 2 năm đầu bé rất bụ bẫm. Nhưng từ khi 3 tuổi đến nay, bé tăng cân chậm và gầy nhẳng. Nay, 12 tuổi, Trân chỉ cao 135 cm, nặng 23,5 kg. Khi được đưa đến Viện dinh dưỡng quốc gia, bác sỹ cho biết, cháu bị suy dinh dưỡng độ 1. Nguyên nhân là mẹ của cháu suốt ngày nhồi nhét, bắt bé ăn đủ thứ lắm chất, ngoài ra các món đồ hộp được chất đầy tủ lạnh để bắt cháu ăn thêm. Hậu quả là cháu sợ ăn đến phát ớn, nhất là những món ăn mà theo mẹ của cháu là lắm chất đạm, dinh dưỡng. Có nhiều ông bố, bà mẹ lại cho trẻ ăn quá nhiều thịt, cá, trứng, sữa, giò chả. Bởi theo họ, có thế con mới khoẻ mạnh và chóng lớn. Có người lại không cho trẻ ăn dầu mỡ và không cho ăn rau, vì sợ trẻ đi tiêu phân lỏng xanh. Điều này sẽ dẫn đến cơ thể trẻ không đủ năng lượng, mất cân đối giữa các chất do thiếu chất bột và các loại vitamin. Ngoài ra, thói quen ăn nhiều thịt cá sẽ tạo cho trẻ không thích ăn cơm hoặc không ăn rau. Ở những trẻ này, cảm giác ngon miệng chủ yếu do thịt cá, giò chả mang lại chứ không phải do cơ thể khoẻ mạnh tạo cảm giác thèm ăn thực sự. Ngoài ra, cho trẻ ăn nhiều thức ăn giàu calo mà thiếu rau quả dẫn đến mất cân đối kéo dài, làm giảm sự ngon miệng, dẫn đến trẻ biếng ăn, sút cân. Nhiều ông bố bà mẹ lại quan niệm rằng, để tránh cho con không béo phì thì tăng cường cho ăn hoa quả, rau tươi (ít calo) và giảm đáng kể các thức ăn giàu năng lượng khác. Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm, bởi ăn nhiều rau mà ăn ít thức ăn khác sẽ khiến trẻ thiếu năng lượng cho vận động và phát triển. Nếu năng lượng cho trẻ không đủ (trẻ đói) thì dù các chất dinh dưỡng khác có dư thừa cũng không phát huy được tác dụng và trẻ vẫn có thể bị suy dinh dưỡng cấp tính hoặc mạn tính. Cần chế độ ăn uống hợp lý Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng như: trẻ biếng ăn, khẩu phần ăn không đủ 4 nhóm: đạm, bột, béo, sinh tố hay do ăn quá nhiều nhưng không biết ăn như thế nào. Thực trạng cho thấy, nếu người nghèo thường suy dinh dưỡng do “không có cái để ăn” thì đa số người giàu suy dinh dưỡng là do có quá nhiều đồ ăn, nhưng không biết ăn như thế nào. Chế độ ăn uống không hợp lý sẽ khiến trẻ khó có một cơ thể phát triển bình thường, khỏe mạnh. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, bữa ăn cho trẻ không những phải cung cấp đủ lượng calo mà còn phải cân đối về mặt chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể đang phát triển từng ngày của trẻ. Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ từ 1 - 3 tuổi cao hơn người lớn 2 - 3 lần. Nếu như người lớn hoạt động bình thường chỉ cần 40 kcal năng lượng và 1g prôtêin cho 1 kg thể trọng, thì trẻ 1 - 3 tuổi cần đến 100kcal và 2,5g prôtêin cho 1 kg thể trọng. Như vậy, trung bình 1 đứa trẻ 10kg cần tới 1000kcal và 25g prôtêin hàng ngày để đảm bảo đủ năng lượng và dinh dưỡng. Các bà mẹ cần chú ý đến khẩu phần ăn của bé để điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày. Tránh ăn mãi một loại thực phẩm mà bé thích, tránh ép bé ăn quá nhiều những thức ăn mà trẻ không thích khiến trẻ càng sợ ăn. ( Theo Hanoinet ) |