Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường Mầm non không phép ở Hà Nội, canh cánh nỗi lo


Gần đây, dư luận liên tục xôn xao về những vụ tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục như cô giáo dán băng keo vào miệng cháu vì khóc. Cô giáo tát cháu vì không chịu ăn,… Và phần lớn những vụ việc này đều xảy ra tại các cơ sở mầm non không phép, đang tồn tại rất nhiều ở các thành phố lớn.
 
Đúng như nhận định của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội: Mầm non không phép ở Hà Nội đang mọc lên như... nấm sau mưa, không thể nào kiểm soát nổi. Không đình chỉ được các lớp mầm non hoạt động kiểu này, ngành giáo dục vẫn canh cánh nỗi lo về sự an toàn cho những đứa trẻ ở đó.

Thực tế đáng lo
 
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội), trường công lập của toàn thành phố mới đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu gửi trẻ lứa tuổi nhà trẻ. Mạng lưới trường mầm non dân lập, tư thục được cấp phép hiện nay cũng không đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhất là độ tuổi nhà trẻ. Trong khi đó, hơn 200 lớp mầm non tư thục đang hoạt động hiện nay thì có tới gần 50% nhóm lớp chưa được cấp phép.

Nhiều phụ huynh có con gửi tại các cơ sở mầm non nhỏ, lẻ hay thắc mắc, tại sao con mình lại hay ốm. Lời giải thích về việc thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt chỉ có lý trong thời gian đầu trẻ mới đến lớp. Nhưng có một thực tế la, nhiều cháu bé đi lớp đồng nghĩa với việc ốm đau triền miên. Nếu như ở các trường mầm non được cấp phép và có sự quản lý, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng, trẻ được hưởng một sự chăm sóc khá khoa học và đảm bảo mọi điều kiện về vệ sinh an toàn. Mọi đồ vật sinh hoạt như bát ăn, khăn mặt... đều dùng riêng từng cháu, có đánh dấu, ghi tên cụ thể, thì ở rất nhiều cơ sở mầm non không phép, đến giờ ăn, các cô múc ra một bát cháo, với một cái thìa và cứ thế bón cho lần lượt từng cháu một. Giờ uống sữa, các cô pha một âu sữa to, cũng với một cái cốc, cô gọi tên từng cháu một lên uống sữa, cháu này uống hết lại rót sữa vào cái cốc đó, cho cháu khác... Đến giờ rửa mặt, các cô lại giặt một cái khăn và cứ thế rửa mặt cho lần lượt từng cháu... Vì vậy chỉ cần trong lớp có một trẻ bị đau mắt hay hắt hơi sổ mũi cả lớp sẽ bị lây.

Một thực tế nữa là phần lớn những cơ sở mầm non không phép đều chật chội, tối tăm, không có sân chơi, không đảm bảo điều kiện an toàn. Hiện có những chủ trường mở lớp mà không hiểu biết gì về quản lý, về chăm sóc, giáo dục trẻ và quy định của bậc học mầm non. Nhiều bố mẹ cũng không quan tâm đến vấn đề này, chỉ yêu cầu con mình có người trông, được ăn đủ mấy bữa một ngày để rảnh tay đi làm.

Về nguyên tắc, phòng giáo dục chỉ đạo các trường công lập phải làm nòng cốt về mặt chất lượng đối với các lớp, các trường mầm non tư thục, có nhiệm vụ cung cấp chương trình, những văn bản, quy định mới cho những cơ sở mầm non tư thục. Tuy nhiên, với cơ sở không có phép thì các trường mầm non công lập không thể cung cấp tài liệu, chương trình. Nên các cơ sở mầm non không phép vốn đã không đảm bảo chất lượng lại càng tồi tệ hơn khi không được cung cấp và cập nhật kiến thức, chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Đình chỉ không dễ dàng

Quận Thanh Xuân được coi là địa bàn có nhiều cơ sở mầm non tư thục nhất, nhưng có đến hơn 60% cơ sở mầm non là... không có phép. Sau một số vụ việc xảy ra, UBND quận đã chỉ đạo quyết liệt, đưa vào nghị quyết của HĐND quận về việc xoá bỏ các cơ sở mầm non không phép. Tuy nhiên, đây là việc làm không dễ. Cơ sở mầm non không phép thì mọc lên ở các ngõ ngách, các khu nhà cao tầng nên khó phát hiện. Việc đình chỉ những cơ sở này lại càng khó khăn hơn, bởi vấp phải sự phản đối của tổ dân phố và người dân sống ở khu vực đó. Cơ sở mầm non không phép mọc lên là do chính nhu cầu rất lớn của người dân, với cách thức hoạt động mềm dẻo, nó đã đáp ứng với mong muốn và điều kiện của các bậc phụ huynh. Các lớp mầm non này có thể nhận trẻ từ sáng sớm đến tối muộn, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ… Giá cả lại rẻ hơn các trường mầm non tư thục có phép.

Lãnh đạo phòng giáo dục quận Ba Đình cũng cho biết, có những cơ sở mầm non không phép phải rất vất vả mới dẹp được. Nhưng sau khi gỡ biển xuống, phụ huynh học sinh lại đến tha thiết xin được tiếp tục gửi con. Vậy là chẳng cần trưng biển, cơ sở đó vẫn hoạt động, còn UBND phường thì yên tâm nghĩ rằng, đã đóng cửa được một cơ sở mầm non không phép.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Hầu hết các cơ sở mầm non không phép đều không đảm bảo an toàn và điều kiện tối thiểu trong quy định về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Nhưng ngành giáo dục chỉ quản lý về mặt chuyên môn, phát hiện những cơ sở không đủ điều kiện thì yêu cầu đóng cửa. Quản lý về mặt hành chính lại thuộc về cấp quận/huyện (đối với từ 3 nhóm lớp trở lên) và phường/xã (đối với cơ sở từ 3 nhóm trở xuống). Chính vì vậy, chính quyền địa phương phải thực sự kiên quyết và có sự phối hợp tốt với ngành giáo dục thì mới có thể giải quyết được. Những nơi còn tồn tại nhiều lớp mầm non không phép là những nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ và kiên quyết giữa các cơ quan chức năng.

Nhiều người cho rằng, dù ngành giáo dục và chính quyền có giải pháp quản lý nào đi nữa, thì yếu tố cần đặt lên hàng đầu vẫn là quyền lợi và sự an toàn cho mỗi đứa trẻ. Đừng để đến khi những sự việc đáng tiếc xảy ra rồi thì mới tìm cách giải quyết hậu quả.

( Theo Hanoinet )