Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Việt Nam có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng


Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), vừa đưa ra khuyến cáo về vấn đề nhiều trẻ em Việt Nam từ 4-12 tháng tuổi có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng - một nguyên nhân khiến trẻ có thể bị chậm phát triển.

Kết luận này dựa vào kết quả phân tích mức độ cách biệt về nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến cáo dinh dưỡng của Bộ Y tế và nhu cầu dinh dưỡng bé hấp thụ thụ trên thực tế (theo khảo sát về thói quen và chế độ ăn uống hàng ngày của 330 trẻ em Việt Nam từ 4-12 tháng tuổi, do công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu TNS thực hiện).

Kết quả phân tích cho thấy, nhiều trẻ em Việt Nam từ 4-12 tháng tuổi đang có nguy cơ bị thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm và vitamin A. Những vi chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và tăng trưởng của trẻ. Vì vậy, việc bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bên cạnh các bữa ăn hàng ngày của trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa cho rằng, việc tăng lượng thức ăn đặc khi trẻ bắt đầu lớn là điều rất quan trọng. Vì thức ăn đặc cung cấp cho trẻ nhiều năng lượng hơn, đồng thời giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí não và các kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ nhỏ từ lúc mới sinh đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau giai đoạn 6 tháng tuổi, nếu chỉ cho trẻ bú sữa mẹ thì khó có thể cung cấp đầy đủ chất cũng như lượng dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển rất nhanh của trẻ lúc này.

Kết quả phân tích giữa nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến cáo của Bộ Y tế và nhu cầu dinh dưỡng mà bé hấp thụ trên thực tế khảo sát về chế độ ăn uống của 330 trẻ em Việt Nam từ 4-12 tháng tuổi, do công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện, thì trẻ em Việt Nam từ 4-12 tháng tuổi hấp thu rất ít các vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm và vitamin A. Việc thiếu các dưỡng chất này có thể khiến trẻ chậm phát triển.

Bác sỹ Hoa cũng đề xuất 5 giải pháp để bù đắp cách biệt về nhu cầu dinh dưỡng hấp thụ trên thực tế của trẻ và nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như tăng cường lượng sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức) trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ; tăng lượng nguyên vật liệu dinh dưỡng khi chế biến bữa ăn hằng ngày cho trẻ; tăng số lượng bữa ăn trong ngày cho trẻ cũng như lượng thức ăn giàu dinh dưỡng giữa buổi. Bên cạnh các bữa ăn hàng ngày chế biến tại nhà, các bà mẹ cũng nên bổ sung thêm vào khẩu phần của bé các loại thức phẩm giàu dưỡng chất cho trẻ nhỏ như bột ngũ cốc.

Nhiều chuyên gia về dinh dưỡng nhận định, trong năm giải pháp trên, giải pháp cuối cùng là khả thi nhất, vì trên thực tế trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh trong giai đoạn này, nên nhu cầu dinh dưỡng của chúng thậm chí còn cao hơn nhiều so với người lớn. Tuy thế, do dạ dày của trẻ em từ 4-12 tháng tuổi rất hạn chế nên không thể tăng số lượng bữa ăn cho trẻ, hoặc tăng các thức ăn giữa buổi. Vì vậy, giải pháp tốt nhất phải nằm ở chất lượng bữa ăn chứ không phải số lượng.

Bằng cách thay thế một trong những bữa ăn được chế biến hàng ngày cho trẻ bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như bột ngũ cốc, trẻ em ở độ tuổi 4-12 tháng tuổi có thể tránh được nguy cơ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.

(  Theo  Dân Trí  )