Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em và người lớn ngủ giống nhau


Người trưởng thành dành gần 1/3 cuộc sống của mình để ngủ. Trẻ sơ sinh còn ngủ gấp 2 lần hoặc thậm chí nhiều hơn. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu được quy trình của giấc ngủ và vì sao nó lại quan trọng đến vậy. "Ngày nay chúng ta đã biết rất nhiều về tầm quan trọng của giấc ngủ và hậu quả của việc thiếu ngủ", Carl E. Hunt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sự rối loạn giấc ngủ ở Bethesda, Maryland, Mỹ, nói. "Điều chúng ta chưa biết là tại sao cơ thể của chúng ta lại được thiết kế như vậy, và vì sao giấc ngủ lại thiết yếu đến thế". Một nghiên cứu mới trên loài chuột đã tìm ra một phần thông tin cho vấn đề này, bằng cách phát hiện ra rằng người lớn và trẻ con ngủ rất giống nhau. Mark Blumberg, tại Khoa tâm lý tại Đại học Iowa và cộng sự, cho biết cơ chế hoạt động não trong giấc ngủ của những con chuột mới sinh tương tự với cơ chế ngủ của chuột trưởng thành. Kết quả chứng tỏ những thành phần cơ bản của giấc ngủ xuất hiện ngay sau khi sinh và phát triển gần như trên một đường thẳng trong suốt cả cuộc đời. "Về cơ bản có rất nhiều điểm tương đồng giữa giấc ngủ của người và chuột. Hầu hết các hiện tượng cơ bản, như co giật thể chất, thay đổi trong hoạt động vỏ não, chuyển động REM và nhiều thứ khác đều tương tự nhau. Chuột sơ sinh cũng giống trẻ sơ sinh ở chỗ chúng dễ dàng ra vào giấc ngủ. Ở cả 2 loài, chu kỳ này kéo dài hơn khi chúng ta già đi", Blumberg nói. Năm 1953, các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago đã phát hiện giấc ngủ REM (mắt chuyển động nhanh) mà tại đó chúng ta mơ nhiều nhất. Trước đó, người ta vẫn nghĩ rằng bộ não chỉ đơn giản tắt đi khi ngủ. Trên thực tế, khi cơ thể nghỉ ngơi, bộ não trải qua các giai đoạn nghỉ và hoạt động khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã đo được hoạt động não của những con vật non bằng cách theo dõi những vùng sáng lên trong giấc ngủ. Họ tìm thấy có hoạt động thiết yếu trong vùng não giữa - vốn quan trọng trong giấc ngủ người lớn. Các dữ liệu khác cũng cho thấy cũng có những hoạt động neuron khi con chuột co giật, ngủ REM, và thức tỉnh, tương tự như người lớn. "Những dữ liệu này sẽ lấp chỗ hổng trong kiến thức của chúng ta và giúp hiểu hơn sự phát triển giấc ngủ từ lúc chúng ta mới sinh cho đến khi lớn lên, dậy thì và trưởng thành", Carl E. Hunt nhận định. M.T. (theo National Geographic)