Cô giáo trẻ và hành trình thực hiện ước mơ“ Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” - câu hát này thật đúng khi nói về cô giáo mầm non Nguyễn Thị Vân, Trường Mầm non 4A, quận Gò Vấp, TPHCM.
“…Ngày xưa trong một gia đình nọ, người cha mất sớm, hai mẹ con phải sống vất vả hàng ngày. Một hôm, người mẹ hái được một rổ nấm rất ngon, trong lòng vui mừng vì con mình có một bữa ăn ngon. Bà nấu canh nấm, nhưng cô bé ngửi thấy mùi thì chê mẹ nấu canh không ngon. Cô bỏ ra ngoài hái hoa, bắt bướm, người mẹ bảo “con đừng ra nắng kẻo cảm nắng đấy!”. Bác hàng xóm sang chơi, cô bé không chào, mẹ bé liền nhắc nhở, cô bé cất lời chào nhưng trong lòng khó chịu. Cô nghĩ mẹ không thương mình, thế là bỏ nhà đi. Cô đi mãi, bụng đói meo. Đang đi lại vấp phải cục đá, chân sưng tấy, cô bé kêu cứu, người đi đường đỡ cô bé dậy và bỏ đi. Tủi thân, cô bé chợt nghĩ đến mẹ và òa khóc vì nếu là mẹ, mẹ sẽ ôm bé vào lòng rồi. Cô bé trở về nhà và ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở…”.
Cô giáo Vân kể đến đây rồi dừng lại hỏi các bé trong lớp học: “Nếu trên đời này không có mẹ thì chuyện gì sẽ xảy ra?”. Trong lớp, một bé gái tên Thanh Nhã đứng lên òa khóc: “Mẹ con mất rồi, cô ơi…”. Cô bé Quỳnh Anh ngồi kế bên cũng khóc: “Ba con cũng mất rồi cô ạ!”. Cả lớp lặng đi, cô Vân cũng bật khóc. Cả tiết học hôm đó, cô và trò quấn quýt bên nhau, các trẻ cũng quây quần bên hai bạn động viên, chia sẻ… Câu chuyện “tình mẹ” do cô tự sáng tác đã phần nào giúp các trẻ nhận thức rõ hơn về tình cảm gia đình, đồng thời biết quan tâm, chia sẻ với 2 bạn Thanh Nhã và Quỳnh Anh. Đó là chỉ là một trong rất nhiều tiết học sáng tạo của cô giáo Vân. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm mầm non của ĐH Sư phạm 1 Hà Nội năm 2000, vào TPHCM lập nghiệp, những ngày mới vào nghề, sự khác nhau trong âm điệu, ngôn từ đã gây không ít khó khăn cho cô khi giảng dạy cho các cháu. Nhà lại xa tít ở quận 12, đi đến trường ở quận Gò Vấp cách hơn 10km, hàng ngày 6g sáng phải có mặt để đón các cháu, chiều tối mịt mới về tới nhà. Cả ngày quần quật bên các cháu, về đến nhà đã mệt nhoài, ngủ chưa đủ giấc lại phải dậy sớm để đến lớp. Vất vả vậy nhưng cô giáo Vân quan niệm: Phải rũ bỏ hết suy tư, lo lắng bên ngoài, chỉ mang vào lớp niềm vui, tính cần cù, lòng yêu thương nhân hậu để có thể hóa thân thành người mẹ của các cháu để dạy dỗ, chăm sóc những mầm non đang chập chững vào đời. “Mỗi cô giáo phải biết quên mình đi để nghĩ nhiều đến người khác” - cô Vân tâm niệm. 7 năm gắn bó với nghề là cả một quãng thời gian đóng góp hết mình với nhiều sáng tạo, sáng kiến trong cách nuôi dạy trẻ. Bận rộn nhưng cô luôn tranh thủ đọc sách báo, lên mạng để tiếp thu cái mới. Nhiều sáng kiến của cô giáo trẻ này được đánh giá cao và đem lại hiệu quả trong công tác giảng dạy như: một số biện pháp luyện phát âm cho trẻ, viết trò chơi phát triển ngôn ngữ… Đặc biệt, phương pháp dạy theo chuyên đề thời sự của xã hội được áp dụng thường xuyên. Cô Vân cho biết: “Trẻ mầm non hiếu động, cái gì trẻ quan tâm thì sẽ vận động tích cực”. Cô hay cho các cháu biết về tình hình lũ lụt ở các nơi, cuộc sống khó khăn của trẻ khuyết tật, chăm lo người già những ngày lễ, tết… để khơi dậy tình cảm biết quan tâm chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cho trẻ. Theo cô, không cần dạy cho trẻ biết nhiều điều mà cái chính là phải dạy cho trẻ biết cách tìm hiểu các vấn đề đó. Một số chuyên đề, phương pháp dạy của cô đã được ngành giáo dục TPHCM ứng dụng rộng rãi trong trường học. Trong đó, chuyên đề “Làm quen văn học, chữ viết” đã được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen và được nhân rộng đến các trường mầm non khác tại TPHCM. Lòng say mê nghề nghiệp của cô giáo Vân cũng lan tỏa ra cả gia đình, những hôm có bản nhạc chưa xướng âm được, ông xã (đang làm việc trong quân đội) cũng tranh thủ thời gian đến lớp cùng cô xướng âm, đánh đàn cho cô dạy trẻ, giúp cô làm thêm đồ dùng dạy học. Lớp học của cô luôn đạt 100% số trẻ đủ yêu cầu phát triển, trẻ hứng thú hoạt động. Cứ vào đầu năm học, rất nhiều phụ huynh đến xin nhà trường cho con vào lớp cô giáo Vân. Cô Trần Thị Bảy, hiệu trưởng nhà trường tự hào khi nói về cô giáo Vân: “Có được giáo viên chuyên môn giỏi, yêu nghề như cô Vân là niềm hạnh phúc của cả trường. Cô Vân nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố. Giải Võ Trường Toản năm nay do Báo SGGP trao tặng cô Vân thật xứng đáng với những đóng góp của cô và là niềm vinh dự cho cả trường”. Khi được hỏi về mơ ước của mình, cô giáo hơn 30 tuổi đời và 7 năm gắn bó với nghề bộc bạch: “Em chỉ mong sao tất cả các bé đều được đến trường, xã hội có đủ trường, đủ lớp cho các bé được học tập để các bé sẽ không phải học trong những nhóm trẻ chật hẹp, thiếu thốn”. Một ước mơ giản dị nhưng thật đẹp. ( Theo SGGP ) |