Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Một đời vì sự nghiệp mầm non


NGND Phi Vân Khanh đến hôm nay đã nghỉ hưu được 16 năm. Năm 1962, cô giáo trẻ Phi Vân Khanh tốt nghiệp trường Sư phạm mẫu giáo và được phân công về giảng dạy tại trường mẫu giáo số 7 quận Hai Bà Trưng.

Trong 3 năm từ 1965 đến 1968, Mỹ liên tục ném bom bắn phá miền Bắc, cô Khanh cùng với giáo viên trường mầm non số 7 được phân công phục vụ trại trẻ sơ tán tại Tiên Sơn - Hà Bắc (cũ).

Tại đây, cô đã cùng đồng nghiệp của mình sát cánh vượt qua mọi khó khăn bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nuôi dạy và bảo vệ các cháu. Năm 1968, cô Khanh được phân công về làm Phó Hiệu trưởng trường mẫu giáo Sao Sáng.

Một lần nữa, hoàn cảnh ngày đó lại bắt cô và đồng nghiệp tiếp tục lên đường đi phục vụ trại trẻ sơ tán của Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Trong những năm tháng đó, cô Khanh đã đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến trong giáo dục, kết hợp việc dạy và chơi theo từng chủ đề…

Kết quả từ những sáng kiến của cô Khanh đạt hiệu quả cao, Hội đồng khoa học giáo dục thành phố đã xếp loại A và được Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa vào làm tài liệu giảng dạy chung cho toàn ngành.

Bằng việc tạo cho trẻ sự hứng thú học và phát triển tốt về tinh thần, cô Khanh đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mời đến báo cáo tại “Hội nghị biểu dương những cá nhân xuất sắc”...

Năm 1978, sau khi hòa bình lập lại, nhà giáo Phi Vân Khanh được phân công đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Chim non.

Trên cương vị của mình, cô Khanh đã phát huy truyền thống của trường, áp dụng quy lát cô dạy tốt, trò học tốt, từng bước đưa trường Chim non trở thành trường tiên tiến xuất sắc và là lá cờ đầu của giáo dục mầm non Thủ đô trong nhiều năm liên tiếp.  

NGND Phi Vân Khanh một mực khẳng định bà may mắn - bởi cuộc đời bà có đến hai tình yêu trọn vẹn. Nghe bà kể thì đó là người bạn đời tâm đầu ý hợp, hết lòng ủng hộ bà trong sự nghiệp trồng người.

 
 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tới thăm NGND Phi Vân Khanh
 
Nhân duyên đã kết hợp ông bà lại và nên vợ nên chồng vào cái năm 1969 ấy cũng từ cùng chung tình yêu với trẻ thơ. Những năm chiến tranh, ông Trịnh Văn Đạm là bộ đội rồi chuyển sang dạy học tại trường Bổ túc Công nông, ĐH Sư phạm Vinh, Trưởng ban vừa học vừa làm ĐH Sư phạm Hà Nội 2…

Di chứng để lại, do bị sức ép của bom, thể lực giảm sút đã cướp đi quyền làm cha, làm mẹ của ông bà. Dẫu có vậy, ông bà Đạm - Khanh vẫn dành cho nhau tình yêu thương thuở ban đầu. Và, theo NGND Phi Vân Khanh tình yêu thứ hai của bà đó là tình yêu với trẻ thơ, tình yêu đó vẫn ngày một đong đầy.

Như một sự bù đắp xứng đáng, đến nay, học trò các thế hệ của bà là những người khách chính của gia đình. Họ đến để thăm nom, chia sẻ với ông bà… Bà bảo họ là một sợi dây vô hình nhưng quan trọng, nối liền mạch sống của bà, một mạch sống bắt nguồn từ tình yêu thương với trẻ nhỏ. 

Cả cuộc đời gắn với hai tiếng trẻ thơ, nhà giáo Phi Vân Khanh đã được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất lần lượt năm 1983, 1996, được phong danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985, Nhà giáo nhân dân năm 1988, được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 1995, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1997, vinh dự được ghi tên vào cuốn “Chân dung và Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”…

Nay, tuy đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu nhưng ông bà vẫn say sưa làm đồ chơi, đồ dùng dạy học cho các cháu mầm non. Tôi đến thăm ông bà, trong không gian sống cũ kỹ ước chừng 20 mét vuông, đồ dùng đơn sơ, mực thước của một nhà giáo.

Tôi được tận mắt chứng kiến ông bà tỉ mẩn một cách thủ công với những “món quà” cho trẻ nhỏ mới cảm nhận hết được tấm lòng của ông bà.

Hiện nay, nhiều trường đã đặt ông bà làm đồ chơi cho các em, ông bà coi đó là niềm vui lúc tuổi già - để cô Khanh luôn được bám sát trẻ!

Tôi biết NGND Phi Vân Khanh còn rất nhiều những niềm vui khác, nếu có gọi là niềm tự hào cũng đúng, nhưng với bản tính khiêm nhường, bà chẳng khoe gì về mình cả. Đến nay, những cháu đã từng học cô Khanh, học trường bà Khanh vẫn luôn nhớ cô, nhớ bà.

Có khi cả ba thế hệ trong một gia đình là trò của bà đến thăm bà - Còn hạnh phúc nào hơn thế đối với một nhà giáo! Nói đến trẻ thơ, đôi mắt bà vẫn ánh lên những niềm vui, tôi tin, duyên nợ với mầm non, với sự nghiệp trồng người chắc sẽ còn theo ông bà Đạm - Khanh chẳng bao giờ vơi cạn.

( Theo ANTĐ )