Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lần đầu tiên tới trường


Dù là ở thời nào cũng vậy, lần đầu tiên trẻ được cắp sách tới trường đều có chung cảm giác hồi hộp, hãnh diện và xen chút lo âu. Đó chính là lúc cha mẹ cần “nhập cuộc” để hiểu đúng tâm trạng con mình, đồng thời xây dựng những kĩ năng cần thiết để có thể sẵn sàng làm “bạn đồng hành” trong thời điểm quan trọng và nhiều ý nghĩa này của trẻ.



Đua nhau cho con học sớm

Tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ là lo sợ con không theo kịp chương trình học lớp 1 nên họ đã chủ động cho con đi học trước. Ngay học kì 2 của lớp mầm non 5 tuổi, phụ huynh đã xin rút con ra khỏi trường để đăng kí vào các lớp dạy chữ của giáo viên tiểu học. Không những thế, có người còn muốn con phải đọc thông viết thạo, làm toán tốt ngay từ lúc học lớp... mầm non! Có người cho con theo học chỉ vì không muốn con thua bạn kém bè “thấy mấy chị cơ quan cho con đi học trước tôi đâm lo con không theo kịp bạn nên cũng gửi con theo” – chị Minh Phương (Công ty Điện lực HN) tâm sự.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục thì đây là quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh. Bởi lẽ, hoạt động học tập không hình thành ở lứa tuổi mầm non, hơn nữa, trẻ lại đang có xu hướng làm những điều chúng thích. Nếu cha mẹ ép con đi học sẽ tạo cho chúng tâm lý không thoải mái, bị gò ép gây cảm giác ức chế cho trẻ. Trên thực tế, những trẻ được học trước không hẳn là học sinh xuất sắc khi vào lớp 1. Nhiều trẻ có tâm lý quá tự tin vào khả năng của mình, vì được học trước nên chúng thường lơ đễnh với những bài mà chúng đã từng học qua.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh còn lo đến “mất ăn mất ngủ” để “chạy trường” cho con. Mong cho con mình phải vào học những trường điểm, được học giáo viên giỏi, được giáo viên “quan tâm đặc biệt”... Chỉ có như thế họ mới thực sự yên tâm, cho dù có phải đóng góp nhiều khoản lệ phí so với các trường khác. Họ quan niệm việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1 chỉ đơn giản là dạy trước chương trình cho trẻ, lo cho con trường tốt, thầy tốt mà không biết điều đó đôi khi lại có tác dụng ngược với mong muốn của mình. Và những điều đáng lẽ ra họ phải làm đôi khi rất nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của trẻ.

Trẻ thực sự cần gì?

Chị Thanh Hằng nhớ lại ngày bé Hoàng Minh (Lớp 1A – Trường Tiểu học Đặng Trần Côn) chuẩn bị vào lớp 1. Bé liên tục hỏi: “Bao giờ con có thể đi học hả mẹ? Cô giáo con có hiền không? Các bạn chắc dễ thương lắm!”. Nhưng rồi bé lại lo lắng: “Không biết các bạn có quý con không mẹ nhỉ? Làm sao để con không học kém hơn các bạn bây giờ?”... Lúc đó, chị Thanh Hằng thật bối rối vì đây là lần đầu chị đưa con đến trường. Đó cũng là cảm giác của rất nhiều bà mẹ trẻ. Thực tế, họ lo lắng và hồi hộp không kém gì con mình. Chỉ có điều, không phải ai cũng hiểu đúng những xáo trộn tâm lý của con để có thể giúp con một cách hiệu quả nhất.

Hầu hết, trẻ đều trải qua những cảm xúc phức tạp trước khi đi học. Chúng thấy hạnh phúc, tự hào vì từ nay mình đã là “người lớn”; hồi hộp, hào hứng với việc đi học nhưng cũng không tránh khỏi lo âu trước môi trường mới. Lúc này, trẻ rất cần cha mẹ làm bạn đồng hành cùng mình. Trong chúng tràn ngập những băn khoăn, thắc mắc cần có lời giải đáp. Vì chưa có kinh nghiệm ứng phó và thích nghi nên chúng không biết phải xử sự thế nào trong môi trường học tập hoàn toàn mới. Chính vì thế, mức độ tự tin đến đâu phụ thuộc vào sự chuẩn bị tâm lý cho trẻ của cha mẹ.

Chuẩn bị gì cho con?

Các chuyên gia tâm lý đều khuyên rằng: Điều trước tiên cha mẹ cần làm là tạo lập và khuyến khích tâm lý hứng khởi, khát khao được đi học nơi trẻ. Hãy nói với con bạn về môi trường mới mà chúng sắp theo học. Chúng sẽ vững tâm hơn rất nhiều nếu như bạn có thể đưa chúng đến thăm ngôi trường mới, lớp mới và cô giáo chủ nhiệm. Thông thường thì đa số trẻ đều đề cao năng lực của chúng trước khi vào lớp 1, nhưng đối với những trẻ nhút nhát thì việc tạo cho chúng cảm giác tự tin là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, kĩ năng thay đổi một số thói quen để thích nghi cũng là điều trẻ cần có. Cha mẹ cần hướng sinh hoạt của trẻ vào trong khuôn khổ nhất định. Chắng hạn như việc quy định giờ đánh răng, tắm rửa, đi ngủ và thức dậy của trẻ. Khi học mẫu giáo, trẻ có thể làm gì tùy thích nhưng bây giờ trẻ phải ăn ngủ đúng giờ để còn dành thời gian chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Hơn nữa, trẻ cần có cách cư xử chuẩn mực hơn, biết cách hòa đồng, thân thiện với bạn bè cùng lớp.

Bất cứ trẻ nào cũng có cảm giác hụt hẫng vì phải chia tay với các bạn lớp mầm non. Đây chính là lúc bạn cần nói cho trẻ hiểu đó là điều tất yếu phải xảy ra để trẻ tập làm quen với việc biết chấp nhận và thích nghi. Có thể an ủi chúng bằng cách nói với chúng: “Con có thể gặp lại một số bạn trong lớp mới hay trong trường mới của con”.

Việc đưa trẻ đi dã ngoại, tham quan đâu đó để tăng cường vốn hiểu biết của trẻ về những tri thức tự nhiên và xã hội xung quanh cũng là một sáng kiến hay. Cha mẹ nên kích thích trí tò mò, thích khám phá và sự ham học hỏi nơi trẻ. Điều đó là nền tảng tốt cho những bước chân đầu tiên của trẻ ở cấp tiểu học.

Sẽ rất có ích nếu bạn gợi ý cho trẻ liên tưởng và nói lên suy nghĩ của chúng về ngôi trường sắp tới. Chúng mong muốn có những bạn mới dễ thương thế nào? Cô giáo có hình dáng và tính cách ra sao? Lớp học có đẹp không?... Được nói lên mong muốn của mình, trẻ sẽ có cảm giác gần gũi với môi trường mới hơn và việc hòa nhập tốt với chúng chỉ còn là “chuyện nhỏ”.

Để ngày khai giảng thực sự có ý nghĩa với trẻ, cha mẹ nên làm trang trọng thời điểm này. Có thể, bạn đưa trẻ đi mua sắm dụng cụ học tập, quần áo, giày dép mới theo ý chúng. Bất cứ trẻ nào cũng đều thích thú và tự hào khi được mặc quần áo mới và đeo trên vai chiếc cặp sách để đến trường. Con bạn có bước vào lớp 1 với những bước chân vững vàng và một tâm thế chủ động hay không là nhờ vào sự hiểu biết, sự quan tâm, chia sẻ và nhạy cảm của chính bạn. 
 
( Theo Tin Tức )