Trách nhiệm xã hội đòi hỏi mỗi nhà giáo phải không ngừng hoàn thiện
- Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ông đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ thầy - cô giáo Thủ đô sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40 CT/Tư của Ban Bí thư, Chỉ thị 35 CT/TU của Thành ủy về việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ ? Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40 CT/Tư và Chỉ thị 35 CT/TU, đội ngũ giáo viên Thủ đô đã cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng được tỷ lệ GV/lớp theo định biên của Bộ GD&ĐT. Đại bộ phận nhà giáo Hà Nội đều tận tụy với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt. Với hơn 34.000 thầy - cô giáo các cấp học, hầu hết đều đạt chuẩn 100%, tỷ lệ trên chuẩn ngày càng cao: tiểu học 90%, THCS 52%, mầm non 35%... ngành GD-ĐT Hà Nội nói chung và đội ngũ giáo viên Thủ đô đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện được vai trò tiên phong trong một số mặt hoạt động và nội dung cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành GD-ĐT cả nước. Điều ấy thể hiện không chỉ ở kết quả mỗi giờ lên lớp, mà còn ở ý thức tự học, tự bồi dưỡng, những cố gắng trong đổi mới phương pháp giảng dạy, duy trì nền nếp, kỷ cương. Trong giai đoạn hiện nay, khi những yêu cầu của ngành, của xã hội ngày càng cao, mỗi thầy - cô giáo phải gánh vác thêm nhiều phần việc mới, không chỉ là dạy học, mà còn là chăm sóc, giáo dục HS toàn diện. Vai trò cô giáo - người mẹ hiền có dịp được thể hiện rõ. Điều ấy cho thấy, trách nhiệm xã hội đòi hỏi mỗi nhà giáo phải không ngừng hoàn thiện mình, nỗ lực phấn đấu mọi mặt, về chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tư cách, tác phong... để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng là những nhà giáo mẫu mực, là tấm gương để học trò noi theo. - Với đội ngũ giáo viên hiện nay, cùng những nỗ lực của ngành, Hà Nội sẽ làm gì để thực hiện tốt nội dung “không vi phạm đạo đức nhà giáo” của cuộc vận động “Hai không”, khi mà đây đó vẫn còn những băn khoăn về chuyện nơi này có cô giáo cho điểm HS chưa thực sự công bằng, nơi kia đặt ra nhiều khoản thu chưa hợp lý ? - Thực tế, những hiện tượng lệch lạc ấy ở nơi này nơi kia vẫn có, dù không phổ biến, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Cuộc vận động “Hai không” đã được Hà Nội triển khai nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt để khắc phục tình trạng đó với mục tiêu năm học là “Kỷ cương hơn và chất lượng hơn”. Hà Nội có đội ngũ hầu hết đạt chuẩn về đào tạo, trong đó có nhiều cán bộ quản lý, GV giỏi, song vẫn rất cần có những biện pháp tổng thể để nâng cao năng lực, phẩm chất, không chỉ đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, mà còn đạt chuẩn về kỹ năng sư phạm và mọi hoạt động. Với quan điểm “lấy xây để chống”, Hà Nội đã chú trọng nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến tiêu biểu. Kết quả, năm học qua, các kỳ thi của Hà Nội đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, kết quả thi được đánh giá khách quan, nền nếp kỷ cương được giữ vững. Mấy năm qua, Hà Nội cũng đã triển khai tốt các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Cô giáo người mẹ hiền”, “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” trong đó 3 tiêu chí cần có của nhà giáo mẫu mực để mỗi người tự hướng tới là: Đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp. Đây là cơ sở để đội ngũ nhà giáo Hà Nội tiếp tục hưởng ứng hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa phát động. - “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”- dường như nội dung này không mới với đội ngũ thầy cô giáo Thủ đô ? - Như tôi đã nói, 3 năm gần đây ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”, trong đó nội dung phấn đấu xây dựng nhà giáo mẫu mực được đặc biệt quan tâm, Chỉ thị 40 CT/TW, Chỉ thị 35 CT/TU, và gần đây là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, gắn với yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Đó là cơ sở, là tiền đề quan trọng để Hà Nội triển khai thực hiện tốt cuộc vận động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi nhà giáo vẫn cần tự soi lại mình, tự đặt mục tiêu phấn đấu để giữ gìn và phát huy phẩm chất, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tiếp tục tự học, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ... để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới chương trình, khẳng định vị thế của nhà giáo Thủ đô trong giai đoạn hội nhập. - Xin cảm ơn ông và tin rằng Hà Nội sẽ ngày càng có nhiều thầy, cô giáo mẫu mực. Nhân dịp này, xin được bày tỏ lòng cảm ơn trân trọng và khâm phục sự cống hiến thầm lặng của những người thầy Thủ đô ( Theo Hà Nội Mới ) |