Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sữa non


TTO - Tôi 33 tuổi, mang thai 35 tuần. Thai con so, nhưng tôi không thấy mình có sữa non như các chị thai phụ khác.

Bé trong bụng phát triển tốt (tôi có đi siêu âm định kỳ mỗi tháng một lần), lúc 33 tuần bé được 2,475kg (bác sĩ nói thai tốt, bé khỏe), nhưng sao nay gần 36 tuần mà bé vẫn còn ngôi mông (không thuận) như những bé khác?

Nếu bé vẫn ngôi mông và đủ ngày tháng (khoảng trên 38 tuần và bé trên 3kg), liệu tôi có thể sinh thường được không hay phải mổ lấy thai? (Mỹ Hồng Đức).

Trả lời của Phòng mạch online:

 - Ngay từ những tháng chót của thai kỳ và trong những ngày đầu sau sinh, vú bà mẹ tiết ra một chất tiết màu vàng sậm và sánh đặc được gọi là sữa non.

Sữa non có rất nhiều lợi điểm so với sữa thật sự được tiết ra về sau này, do:

(1) Sữa non chứa nhiều kháng thể, nhiều protein kháng khuẩn và nhiều bạch cầu hơn so với sữa thật sự. Tất cả yếu tố này giúp cơ thể trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng.

(2) Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, giúp tống phân su ra khỏi đường tiêu hóa. Điều này sẽ giúp giảm vàng da của trẻ sơ sinh.

(3) Sữa non giàu vitamin hơn đặc biệt là vitamin A. Vitamin A có tác dụng làm giảm đi độ nặng của bất cứ bệnh nhiễm trùng mà trẻ mắc phải.

Chất lượng sữa non giảm nhanh trong vài ngày đầu sau sinh và dần được thay thế bằng sữa thật sự. Vì vậy mẹ được khuyến cáo nên cho con bú ngay từ những ngày đầu sau sinh.

Như vậy, chị nên để ý có thể thấy ít sữa non đóng ở đầu núm vú vào những tháng cuối thai kỳ chứ sữa non không tự chảy ra. Nếu chưa thấy, thì cũng không có gì lo lắng, sữa non sẽ có ngay sau sinh và khi chị cho con bú. Kích thước của vú không là yếu tố quyết định sữa nhiều hay ít. Bới vì vú bà mẹ to hay nhỏ khác nhau do thành phần mô mỡ và mô liên kết nhiều hay ít, còn mô tuyến tạo và tiết sữa thì hầu như tương đương nhau.

Về vấn đề thai còn ngôi mông:

 - Từ sau tuần lễ 28 tới 32 tuần, thai có xu hướng xoay đầu xuống để mông ở đáy tử cung và đầu ở dưới hướng vào khung chậu của người mẹ trở thành ngôi đầu (ngôi thuận).

Hai yếu tố hình thành ngôi mông:

(1) Thai non tháng

(2) Các yếu tố ngăn trở sự xoay đầu thai xuống (nguyên nhân cơ học): như tử cung bất thường (tử cung hai sừng, u xơ tử cung), nhau tiền đạo, thai dị dạng, ối ít…

Thai của chị đã 33 tuần, nếu thai nhi chưa xoay đầu xuống thì có thể có nguyên nhân nào đó cản trở sự xoay đầu của thai nhi. Việc tìm nguyên nhân có thể phát hiện trước sinh, nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi mổ lấy thai. Do đó, cũng có nhiều trường hợp, từ thời điểm này tới khi sinh, thai xoay xuống thành ngôi đầu.

Nguy cơ sinh ngôi mông :

(1) Sa dây rốn hay chèn ép dây rốn có thể gây ngạt dẫn đến tử vong thai nhi

(2) Sang chấn cho thai nhi cao gấp nhiều lần hơn so với ngôi đầu

(3) Thai có thể bị kẹt phần đầu lại do phần mông nhỏ ra dễ dàng còn phần đầu to hơn ra sau bị kẹt lại trong bụng mẹ gây tử vong cho thai

Chính vì những lý do trên, ngày nay người ta có xu hướng mổ lấy thai dự phòng trong ngôi mông. Hiện tại, việc mổ lấy thai được chỉ định có chọn lựa, nghĩa là không phải là tất cả các trường hợp ngôi mông đều phải mổ nhưng chỉ trường hợp nào thuận lợi về mọi phương diện (do bác sĩ đánh giá) mới có thể cho sinh thường.

Đối với trường hợp của chị, chờ khi thai đủ trưởng thành sẽ có chỉ định mổ nếu thai vẫn còn là ngôi mông.

Có một cách đang được đề cập là ngoại xoay thai từ tuần 36 tuần để thai từ mông thành đầu. Tuy nhiên ở người con so, ngôi mông thường do nguyên nhân cơ học nên ngoại xoay thai thường khó thành công và nhiều nguy hiểm.

Cân nặng của thai sẽ được quyết định vào tháng cuối của thai kỳ và phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng của mẹ, chất lượng tưới máu từ mẹ sang con. Do đó chị nên tiếp tục theo dõi sát tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khám và đánh giá sự phát triển của thai và dự đoán cân nặng (các số liệu cân đo dựa vào siêu âm chỉ có giá trị tương đối).

( Theo Tuoi Tre Online )