Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mua đồ chơi sao cho hợp lý


Mua đồ chơi sao cho hợp lý

Đồ chơi có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của bé, qua những hoạt động vui chơi, bé mới học hỏi được những kỹ năng sống, giao tiếp và phát triển trí tuệ toàn diện.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên yêu chiều mà mua quá nhiều đồ chơi cho bé. Bé sẽ dễ nhàm chán, tạo cho bé thói quen không biết quý trọng, nâng niu đồ vật. Khi lớn lên, bé có thể là những người xa hoa, lãng phí, khinh sức lao động... Mặt khác, nếu có quá nhiều đồ chơi, bé sẽ bày bừa đầy nhà (nhất là nhà chật, không có phòng chơi riêng của bé) sẽ gây khó chịu cho những người thân trong cùng gia đình.

Khi sắm đồ chơi cho bé, bạn cần cân nhắc chọn loại đồ chơi chất lượng, có tính giáo dục cao, hợp lứa tuổi và hợp vóc dáng của trẻ theo 4 tiêu chí như:

1 - Có giá trị về chức năng (như bộ xếp hình, đòi hỏi trẻ điều khiển hoạt động cánh tay, ngón tay theo mắt nhìn và óc tưởng tượng).

2 - Giá trị thể nghiệm (giúp bé xây dựng tư duy, nhận thức, khám phá mới về thế giới xung quanh, các nền văn hóa...).

3 - Giá trị quan hệ xã hội (trò chơi cùng chơi với bạn khác, giúp bé hòa nhập cộng đồng, hiểu biết được mở rộng...).

4 - Giá trị về cấu trúc (đồ chơi với quá trình phát triển nhân cách, cá tính, khả năng biểu hiện cảm xúc như trò chơi bác sĩ, nặn tượng, chăm sóc búp bê...).


Để bé an toàn khi chơi:

Không nên cho bé chơi các loại đồ chơi nguy hiểm, vật chơi quá nhỏ (như hột cườm, hột nút, đồng xu, hòn bi...) để bé có thể nuốt hoặc nhét vào mũi, vào tai...

Không cho bé chơi loại đồ chơi có lắp ráp bằng đinh và sơn phết mầu bằng chì độc hại (vì bé có thể mút).

Loại đồ chơi bằng vật liệu cứng, giòn, sắc cạnh sẽ dễ gây chảy máu nếu bé vô ý làm bể, chạm phải những mảnh sắc nhọn nguy hiểm.

Chọn mua thú nhồi bông cho bé cần tránh những thú lông không bền, mắt, mũi răng được gắn không chắc chắn để tránh trẻ bóc chúng ra bỏ vào miệng.

Tránh các súng bắn tóe ra lửa và các thanh kiếm nhọn đầu.
 
Đồ chơi hợp với từng lứa tuổi sẽ phát huy hết khả năng hoạt động, sáng tạo của bé.

Bé 1 - 4 tháng tuổi đã nhận biết tiếng động và màu sắc nên cần cho bé chơi loại lúc lắc có 2, 3 quả bóng màu sắc sặc sỡ, có tay cầm hoặc những đồ chơi bằng nhựa mềm, cao su...

Bé từ 8 - 12 tháng luôn muốn ném mọi vật càng xa càng tốt nên cho bé chơi với những trái bóng, búp bê bằng cao su, chất dẻo hoặc bằng vải mềm... là những vật không bị vỡ.

Với những bé 2 - 3 tuổi thường bắt chước người lớn muốn lái xe, gọi điện thoại, dọn xếp bàn ăn, đưa bé đi tắm, đi du lịch... thì nên mua các loại xe đạp 3 bánh, ngựa gỗ, bàn ghế đồ chơi, chén đĩa bằng nhựa, búp bê, sách vở nhiều tranh màu...

Sắm đồ chơi cho bé không nhất thiết loại đắt tiền mới có tính giáo dục (như xe ôtô, tàu hỏa...) mà nhiều khi chỉ một miếng bìa các tông, một đoạn ruy băng, một thùng đựng bánh kẹo bỏ đi... cũng có thể trở thành món đồ chơi hấp dẫn, kích thích óc sáng tạo trí tưởng tượng của bé như ngồi trên chiếc chiếu bé tưởng tượng là tấm thảm bay.

 ( Theo mevabe)