Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rèn tính tự giác cho bé


Rèn tính tự giác cho bé

Ngay từ bé, đứa trẻ đã cần được rèn luyện tính tự giác. Tự giác học bài, tự giác giúp ba mẹ, rồi tự giác chăm sóc cho các em... Tính tự giác không phải đứa trẻ nào cũng có, cũng như không phải có sẵn mà phải qua dạy dỗ, rèn luyện mà thành. 
  Nếu bạn đã muốn con phải dậy lúc 6 giờ để chuẩn bị đến trường thì không thể chấp nhận sự nấn ná của cháu đến tận 6h30.

Hoặc khi đã yêu cầu cháu làm các việc như lau dọn nhà cửa, tự giặt quần áo, nấu cơm thì các cháu phải hoàn thành các công việc này...

Hãy bắt đầu từ những việc thật nhỏ trước, như dậy đúng giờ, giặt một cái khăn mặt, tự mặc quần áo, đổ rác... và khi làm việc hãy cố gắng động viên, tạo cho các cháu một niềm phấn khích.

Đứa trẻ nào cũng rất thích được khen. Đó là một đặc tính của trẻ. Sự khen ngợi, động viên, có khi chỉ là một câu: "Ồ, con giỏi quá" cũng sẽ khích lệ trẻ rất nhiều. Sự chăm chỉ để hoàn thành một công việc của trẻ đã được ghi nhận.

Để rèn được tính tự giác ngay chính người lớn cũng phải bền bỉ. "Dục tốc, bất đạt", có những đứa trẻ chỉ sau một vài tuần đã có thể có được tính tự giác, siêng năng, chăm chỉ trong công việc, nhưng cũng có nhiều đứa trẻ, nhất là trẻ ở thành phố có khi mất vài tháng thậm chí cả năm trời, vẫn còn ỉ lại, trốn tránh công việc... ngại khó, ngại khổ. 

Bạn cần phải rèn tính tự giác cho trẻ ngay từ lúc cháu chỉ 2 - 3 tuổi. Đừng bao giờ nghĩ rằng: Hãy để cháu lớn rồi hãy rèn. Có rất nhiều gia đình vì thương con mù quáng nên đến tận lớn vẫn không bắt cháu làm việc gì cả.

Bắt đầu từ 10 - 15 tuổi, sự định hình trong tính cách của trẻ đã rất rõ ràng và giai đoạn này gần như quyết định lối sống của đứa trẻ sau này khi bước vào đời.

Vậy suốt giai đoạn tuổi thơ, từ lúc trẻ được vài ba tuổi đến lúc trẻ được 10 tuổi, bạn cần phải luôn rèn tính tự giác cho trẻ. Hãy mạnh dạn giao việc cho trẻ, nhắc nhở thường xuyên, thưởng phạt rõ ràng và đừng bao giờ quên động viên khích lệ trẻ khi cháu làm được một việc gì đó.

( Theo thegioimevabe)