Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy trẻ cách nhờ người khác


 “Mẹ ơi, con đói”, “Mẹ ơi, con mắc... tè”. Hẳn chúng ta đã quen với những câu nói kiểu này của trẻ mỗi khi chúng mong muốn người lớn làm điều gì đó cho chúng. Và cũng thường thấy rằng, các bà mẹ, ông bố, nhất là bà ngoại, nội... chỉ cần nghe nửa câu nói ấy là rối rít hỏi chúng muốn gì, lập tức phục vụ ngay cho trẻ.

Trong một chừng mực nào đó, thì người lớn phải suy nghĩ, động não thay cho trẻ và làm cho trẻ điều mà đáng ra chính chúng phải tự làm.

Nhiều người cho rằng đây là “chuyện nhỏ” không đáng chú ý nên không quan tâm uốn nắn. Nhưng trên thực tế, những chuyện nhỏ kiểu này lại ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của trẻ sau này. Công ty tôi mỗi đợt cuối năm thường nhận sinh viên của các trường đại học vào thực tập. Một điều thường làm tôi bực mình ở các sinh viên này khi giao cho họ một dự án thì ít khi nào họ nhờ tôi giúp đỡ hay hỏi tôi cách giải quyết, dù họ đang gặp khó khăn. Nếu tôi để mặc không hỏi, thường là họ chờ đến hạn cuối cùng rồi trình ra một dự án dang dở với lý do chỗ này khó quá, chưa hiểu, chỗ kia không biết. Trả lời câu hỏi: “Tại sao em không biết mà không hỏi tôi?”, họ thường gãi đầu, gãi tai: “Dạ, em cũng tính hỏi nhưng...”.

Trong các công ty có người nước ngoài làm việc, những nhân viên nước ngoài, ngay khi có vấn đề khó khăn trong công việc hay việc riêng đều chủ động tìm đến phòng nhân sự để giãi bày và nhờ giúp đỡ, trong khi nhiều nhân viên người Việt khác thì suy sụp, bê trễ công việc, làm việc không có hiệu quả. Đến khi phòng nhân sự đi hỏi, họ mới cho biết vấn đề, thậm chí chỉ nói sơ sơ câu chuyện, để phòng nhân sự phải đoán già đoán non, rất cực nhọc. Có trường hợp không thể chấp nhận nhân viên được nữa, công ty không ký tiếp hợp đồng, họ quay qua oán trách công ty không biết làm công tác nhân sự. Có lẽ ngay từ nhỏ họ đã được giáo dục theo cách bắt người khác phải đoán ra ý muốn, khó khăn của mình để lên tiếng “xin được giúp đỡ”. Điều tai hại là thói quen đó đã làm họ ngại nhờ vả người khác. Nhưng công sở đâu phải gia đình, và đồng nghiệp, cấp trên cũng không thể chiều chuộng theo ý họ một cách dễ dàng được.

Phải tập cho con bạn từ nhỏ thói quen nói ra điều mình muốn người khác làm cho mình. Khi trẻ than thở những câu đại loại như “Con khát nước”, “Con nóng quá” xin cứ yên lặng như bạn không nghe thấy trẻ nói gì. Chỉ đến khi chúng phải mở miệng nhờ trực tiếp rằng: “Con muốn uống nước” hoặc “Con muốn đi tắm” thì giúp chúng vẫn chưa muộn.

(Theo DNSGCT)